Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những điểm sáng trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở

Thứ Sáu 29/07/2022 | 09:27 GMT+7

VHO- Những mô hình tiêu biểu luôn được xác định là hạt nhân tạo sức sống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Trên khắp mọi vùng miền, cộng đồng các dân tộc cùng chung tay, sáng tạo trong việc gây dựng, gìn giữ và phát huy hiệu quả hoạt động của những mô hình - nơi hội tụ những giá trị bản sắc, đặc trưng, mang hơi thở cuộc sống của mỗi vùng đất.

Những làn điệu hát Xoan do các nghệ nhân phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ) trình diễn

 Nhân rộng điển hình luôn là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong những năm qua.

Lưu giữ, trao truyền những giá trị ngàn năm

Nổi tiếng trên quê hương đất Tổ, NNND Nguyễn Thị Lịch, “bà trùm” phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nhiều năm qua không chỉ nỗ lực đóng góp công sức trong bảo tồn hát Xoan, mà còn đưa di sản này lan tỏa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Phường Xoan An Thái là một trong bốn phường Xoan gốc tại Phú Thọ, nơi tình yêu di sản dường như đã thấm trong từng hơi thở, đặc biệt là với các nghệ nhân hát Xoan, những người đã luôn nỗ lực, tâm huyết để gìn giữ, truyền dạy và làm cho hát Xoan lan tỏa đến hôm nay.

Chia sẻ niềm tự hào về di sản, NNND Nguyễn Thị Lịch cho biết, năm 1998, CLB Hát Xoan An Thái được thành lập. Đây là khoảng thời gian hoạt động mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật dân gian này. Hát Xoan vừa được trình diễn tại các đình làng, vừa trình diễn trong các cuộc liên hoan, hội diễn văn hóa văn nghệ của tỉnh và quốc gia. Trong nhiều năm qua, NNND Nguyễn Thị Lịch cùng nhiều nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tâm huyết trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã miệt mài truyền dạy những giá trị truyền thống của di sản hát Xoan, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đến nay, số lượng thành viên của phường Xoan An Thái là 107 người với 5 thế hệ tiếp nối nhau, cao nhất 94 tuổi và nhỏ nhất là 6 tuổi. Hiểu sâu sắc về những giá trị mà hát Xoan mang lại cho cộng đồng, NNND Nguyễn Thị Lịch liên tục mở lớp truyền dạy miễn phí cho các em nhỏ trong xã. Nhiều người yêu Xoan trong tỉnh cũng đến đề nghị được theo học lớp của bà. Sức lan tỏa của hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trên quê hương đất Tổ ngày càng rộng khắp.

Lưu giữ và phát huy giá trị của hát Trống quân - một hình thức diễn xướng dân gian từng rất phổ biến tại nhiều làng quê vùng châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, CLB hát Trống quân thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội là một điểm sáng. Theo GS.TS Từ Thị Loan (Viện VHNT Quốc gia Việt Nam), đến với CLB, có thể cảm nhận niềm say mê và tâm huyết bảo vệ di sản quê hương của các nghệ nhân. Họ chính là những người “giữ lửa” và “truyền lửa”, để những câu ca, điệu hát của làng quê tiếp tục sống mãi với thời gian. Có những nghệ nhân tuổi đã cao vẫn miệt mài gìn giữ và trao truyền nét đẹp truyền thống của di sản ông cha cho các thế hệ.

“Trong bối cảnh cuộc sống đương đại, trước cơn lốc của hiện đại hóa và đô thị hóa, di sản hát Trống quân đang đứng trước nguy cơ mai một. Số làng còn thực hành hát Trống quân ngày càng thưa vắng. Vì vậy, bất cứ nỗ lực nào nhằm hồi sinh và phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa này đều đáng trân trọng...”, theo GS.TS Từ Thị Loan. Ngay tại Phúc Lâm, làng hát Trống quân có lịch sử lâu đời, loại hình diễn xướng này cũng phải trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng như đã mất hẳn. Nhờ những nỗ lực giữ gìn, phát huy, đến nay, CLB hát Trống quân thôn Phúc Lâm có 29 thành viên thuộc 3 thế hệ: Cao niên, trung niên, thanh niên. Điều đáng mừng là ở một CLB cấp thôn mà có tới 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT, bên cạnh đó còn có một số nghệ nhân khác đang chờ được xét tặng danh hiệu trong năm 2022.

 Nhà văn hóa xóm 6 (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An) được xây mới khang trang

Lan tỏa từ những điển hình

Là điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã Nam Giang (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là mô hình điểm trong xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân. Đây cũng là địa chỉ được tỉnh Nghệ An lựa chọn, giới thiệu trong khuôn khổ chương trình Lễ phát động triển khai chủ đề năm công tác 2022 của ngành VHTTDL: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.

Nhiều năm qua, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn đã thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, tạo bước chuyển tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh, tạo khí thế mới trong xây dựng nông thôn mới trên quê hương Bác. Những bước chuyển mình tại mô hình xã Nam Giang được nhận thấy rõ nét mỗi ngày. Đây cũng là một trong bốn xã về đích đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Đàn, với những tuyến đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm, hình thành các cụm công nghiệp, nhà máy, đa dạng hóa ngành nghề cho bà con ngoài nghề nông. Đến nay, Nam Giang có 12/12 xóm xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, đảm bảo các yếu tố như diện tích, khuôn viên, trang thiết bị…

Một trong những “bí quyết” tạo nên thành công của mô hình xã điểm Nam Giang là việc thu hút, huy động sức dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Đơn cử, tại xóm 5, một trong những nhiệm vụ quan trọng được chính quyền quan tâm chỉ đạo là huy động sức dân. Với sự đồng lòng của nhân dân, nhà văn hóa đã được cải tạo mở rộng thêm một gian, lợp mái tôn, đầu tư trang thiết bị… Theo chính quyền địa phương, với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ, cùng chủ trương xây dựng nông thôn mới, việc huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn và xây dựng nhà văn hóa đã chứng minh hiệu quả thiết thực. Đi vào hoạt động, nhà văn hóa đã phát huy được hiệu quả tích cực, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn.

Thành công trong xây dựng đời sống văn hóa cũng đã tác động tích cực toàn diện đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Với vị trí đặc biệt, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Nam Giang, các hoạt động văn hóa, văn nghệ giờ đây đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân. Để tạo hình ảnh đẹp về quê hương Bác trong lòng du khách, chính quyền địa phương luôn chú trọng tuyên truyền, nâng cao văn hóa ứng xử văn minh cho người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh dịch vụ, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa quê hương.

Tạo sức lan tỏa từ những điểm sáng được toàn ngành xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp cũng được đặt ra nhằm thực hiện nhiệm vụ của chủ đề công tác năm 2022: Tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa trong sự phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao chất lượng Phong trào TDĐKXDĐSVH; đầu tư phát triển nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân... 

Nhân rộng nét đẹp gia đình văn hóa

Là thành tố quan trọng trong phong trào TDĐKXDĐSVH, việc xây dựng, nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu những năm qua luôn được Hà Nội quan tâm, chú trọng. Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, đi kèm với biểu dương, khen thưởng kịp thời, những mô hình gia đình văn hóa đang được nhân rộng, lan tỏa khắp Thủ đô, góp vào thành quả chung của công tác phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Để phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần nhân lên nét đẹp văn hóa gia đình Thủ đô, theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân về giá trị của văn hóa gia đình; tích cực kiểm tra, khảo sát, động viên, khen thưởng, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa ở cơ sở; triển khai hiệu quả bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

PHƯƠNG THẢO

 

MINH NGỌC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top