Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hơn 40 năm "sống mòn” trong khu vực lăng vua triều Nguyễn

Thứ Tư 03/08/2022 | 10:57 GMT+7

VHO-  Hơn 30 hộ dân đang chen chúc sinh sống trong khuôn viên di tích lăng vua Dục Đức (An Lăng) và mòn mỏi chờ được di dời, tái định cư. Trong đó có nhiều hộ gia đình đã sinh sống ở đây hơn 40 năm, với những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác…

 Lối vào các căn nhà tập thể tạm bợ ở khuôn viên di tích lăng Dục Đức

Đến giờ nghỉ trưa, mồ hôi nhễ nhại nhưng ông Hoàng Văn Phỉ (74 tuổi) vẫn tranh thủ bổ cho xong các khúc củi. Gia đình ông Phỉ là một trong số 31 hộ dân sinh sống ở khuôn viên lăng Dục Đức từ rất nhiều năm trước khi khu vực này cùng với các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Nghĩ mà chạnh lòng lắm

Ông Phỉ vốn là cán bộ của Ty Công nghiệp Bình Trị Thiên, năm 1979 ông được cơ quan bố trí một căn nhà tạm với diện tích 30m2 tại khu vực lăng Dục Đức để sinh sống và thuận lợi cho công tác. Quá trình sinh sống, căn nhà 30m2 không đủ để sinh hoạt nên ông Phỉ và nhiều gia đình khác đã cơi nới, xây dựng thêm các công trình phụ, và tận dụng đất trống trồng thêm rau màu để hỗ trợ đời sống.

Đến năm 1993, khi lăng Dục Đức được công nhận là di sản văn hóa thế giới, gia đình ông và nhiều nhà ở trong khuôn viên di tích này không thể xây dựng mới dù căn nhà đã xuống cấp, xập xệ, nhếch nhác. Hiện nay, căn nhà tạm bợ của gia đình ông Hoàng Văn Phỉ đang có 5 người với 3 thế hệ sinh sống. Dẫn chúng tôi đi “tham quan” căn nhà ọp ẹp, ông Phỉ còn giới thiệu một mặt tường chính của ngôi nhà là bức tường vôi vữa được xây dựng từ thời Duy Tân, vì xuống cấp nghiêm trọng nên gia đình ông đã dùng giấy decal dán kín lại. “Thời đó, lãnh đạo thông báo bằng miệng cấp cho căn nhà tập thể để sinh sống là mừng rồi, làm gì cầm được quyết định cấp nhà như bây giờ. Cũng hơn 40 năm rồi, con cái đã có cháu, bây giờ chỉ mong được Nhà nước di dời để có nơi ăn chốn ở ổn định. Thực lòng, nhìn các hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu (khu vực 1 Kinh thành Huế) được di dời tái định cư ở Hương Sơ mà chúng tôi chạnh lòng”, ông Hoàng Văn Phỉ buồn bã nói.

Ông Hoàng Văn Phỉ (74 tuổi) đang chẻ củi giữa trưa nắng mùa hè

Cạnh đó, căn nhà chật chội, xuống cấp của gia đình ông Hà Thái Sinh (70 tuổi) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Sinh từng là cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Trị Thiên, năm 1979 được cơ quan cấp một căn nhà 30m2 ở góc khuôn viên lăng Dục Đức để sinh sống. Đến nay, cả gia đình 3 thế hệ, với 9 nhân khẩu vẫn sống tạm bợ trên diện tích này. Tận dụng diện tích vườn xung quanh, ông Sinh trồng thêm rau, mướp, bầu, bí… để hỗ trợ bữa ăn gia đình. Căn nhà xuống cấp, dột nát nhưng muốn sửa sang cũng không làm được bởi khu vực này là khuôn viên của di tích.

Đang thống kê, đề xuất di dời

Ngoài cán bộ của ngành công nghiệp, nông nghiệp thì nhiều gia đình cán bộ thuộc Sở GD&ĐT cũng được cấp nhà tập thể trong khuôn viên lăng Dục Đức từ mấy chục năm trước. Những căn nhà lợp mái tôn hoặc bờ-rô xi-măng, mùa nắng thì nóng bức, mùa mưa thì thấm, dột. Diện tích những căn nhà quá hẹp, công trình cũ kỹ và xuống cấp, hư hại theo thời gian nhưng khó sửa chữa vì vướng đất di tích, xây mới thì càng không thể. Bên cạnh đó, trong khuôn viên của di tích này còn tồn tại những nhà xưởng cũ bỏ hoang, hệ nền tường mục nát, có nguy cơ đổ sập và nhếch nhác trong cảnh quan chung.

 Một dãy nhà bỏ hoang, tường đổ nát gây nhếch nhác cảnh quan chung

Không thể sống mãi trong ngôi nhà tạm bợ, thầy giáo Mai Xuân Thiều (87 tuổi) và các con đã bàn nhau quyết định liều sửa lại nhà cho đỡ lo lúc mưa bão. Ông Thiều từng là cán bộ Sở GD&ĐT, từng là giáo viên tại Trường THPT Quốc Học Huế. Năm 1989, ông và 6 cán bộ khác của ngành giáo dục được phân về dãy nhà tập thể ở đây sinh sống, với diện tích cũng chỉ trên dưới 20m2/hộ. Cũng hơn 30 năm sinh sống trong khuôn viên lăng Dục Đức, không biết đến bao giờ mới được giải tỏa, di dời nên gia đình thầy giáo Mai Xuân Thiều mới liều sửa nhà, rồi trồng cây xung quanh khu nhà để bớt đi cảnh nhếch nhác.

Theo UBND phường An Cựu, TP Huế, trong khuôn viên lăng Dục Đức hiện có 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu đang sinh sống. Đó là các cán bộ từng công tác tại các Sở, ngành của tỉnh Bình Trị Thiên cũ (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), được cấp nhà từ 30 - 40 năm trước. Nhiều hộ dân bày tỏ mong muốn được quan tâm để di dời, tái định cư ổn định cuộc sống, nhất là để các thế hệ con cháu có chốn đi về mà yên tâm làm việc. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, do điều kiện lịch sử để lại nên có nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực I di tích lăng Dục Đức. Nhiều hộ dân cũng bày tỏ mong muốn được di dời để trả lại mặt bằng, cảnh quan cho di tích. Trung tâm đang thống kê, đề xuất giải pháp di dời người dân khỏi di tích. 

  Lăng Dục Đức (hay An Lăng) là nơi an táng vua Dục Đức, sau này có thêm hai vua Thành Thái và Duy Tân. Khu di tích này có diện tích rộng gần 6 ha, với nhiều công trình lăng, mộ và khu điện thờ. Ngoài lăng ba vị Vua triều Nguyễn nói trên, còn có lăng của Hoàng hậu, cùng 42 ngôi mộ của ông hoàng bà chúa và hơn 120 ngôi mộ của con, cháu vua triều Nguyễn.

 

 Thời đó, lãnh đạo thông báo bằng miệng cấp cho căn nhà tập thể để sinh sống là mừng rồi, làm gì có được quyết định cấp nhà như bây giờ. Cũng hơn 40 năm rồi, con cái đã có cháu, bây giờ chỉ mong được Nhà nước di dời để có nơi ăn chốn ở ổn định. Thực lòng, nhìn các hộ dân ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu (khu vực I Kinh thành Huế) được di dời tái định cư ở Hương Sơ mà chúng tôi chạnh lòng.

(Ông HOÀNG VĂN PHỈ, một hộ dân sinh sống trong khu vực Lăng Dục Đức)

SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top