Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cần thêm chính sách cho bảo tồn di sản nhà vườn Huế

Thứ Sáu 05/08/2022 | 10:27 GMT+7

VHO- Nhà vườn Huế đặc trưng mang trong mình về giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa và cũng là “chất liệu” quý để phát triển du lịch địa phương. Sau 5 năm (2015-2020) thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng, hiện đã gặp một số khó khăn và bất cập trong quá trình triển khai.

 Du khách tham quan các nhà cổ tại làng cổ Phước Tích, Thừa Thiên Huế

 Vì thế cần có thêm chính sách phù hợp với thực tế để tiếp tục bảo tồn giá trị di sản quý của vùng đất Kinh đô xưa này.

Vẫn còn khó khăn và hạn chế

Từ khi Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng giai đoạn 2015-2020” (NQ02) đi vào cuộc sống, đã có 38 nhà vườn Huế đặc trưng được hỗ trợ kinh phí trùng tu, bảo tồn, tổ chức phát triển dịch vụ, đón khách tham quan. Ngoài ra còn có 17 nhà được bảo tồn, tu bổ từ các nguồn kinh phí khác. Các nhà vườn này tập trung ở TP Huế và làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền).

Sau khi được trùng tu, nhiều nhà vườn Huế tiếp tục phát huy giá trị, khai thác có hiệu quả các dịch vụ du lịch. Tại Huế, có 8 nhà tự tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo hiệu ứng phát triển mô hình bảo tồn nhà vườn kết hợp kinh doanh du lịch, 7 nhà vườn hợp tác đưa vào tour tuyến, đón khách tham quan. Tại làng cổ Phước Tích, có 25 nhà vườn đăng ký đề án, trong đó đã hoàn thành trùng tu 23 nhà rường cổ với kinh phí 14,9 tỉ đồng cùng gần 480 triệu đồng hỗ trợ chính sách tôn tạo khuôn viên cảnh quan sân vườn cho 20 nhà. Theo Ban Quản lý làng cổ Phước Tích, hiện còn 8 nhà rường cổ ở Phước Tích mong muốn được tham gia đề án trong giai đoạn mới, với kinh phí ước tính khoảng 12 tỉ đồng.

Thời gian qua, nhiều nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Phước Tích được bảo tồn, tu bổ theo chính sách của đề án NQ02 đã góp phần “cứu nguy” những công trình kiến trúc bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, qua đó bảo tồn và tạo dựng được không gian cảnh quan di sản của quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở làng cổ Phước Tích. Ông Đoàn Quyết Thắng, Trưởng ban Quản lý làng cổ Phước Tích thông tin, trong số các nhà rường cổ tham gia đề án, đã có 7 nhà tự tổ chức dịch vụ du lịch (gồm 3 nhà làm homestay, 4 nhà làm dịch vụ ẩm thực và quảng diễn làm các loại bánh truyền thống), các nhà còn lại đóng góp cho không gian chung trong các tour tuyến tham quan.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dù đạt được nhiều kết quả tích cực từ khi thực hiện đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” trong 5 năm 2015-2020, song quá trình triển khai, các địa phương vẫn gặp một số khó khăn và hạn chế nhất định. Trong số các chính sách của đề án, chỉ chủ yếu triển khai chính sách hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà chính; một số chính sách có lượt triển khai không lớn (hoặc không triển khai) như: Hỗ trợ kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn, hỗ trợ về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn lao động, hỗ trợ lãi suất cho vay; chính sách hỗ trợ tham quan, tổ chức khai thác phát triển dịch vụ và phát huy giá trị nhà vườn chưa được thực thi đồng bộ nên hiệu quả chưa cao…

Vấn đề khó khăn nhất khi thực hiện đề án là nhiều nhà vườn tại TP Huế đã được phê duyệt danh mục hỗ trợ nhưng buộc phải tạm dừng, hoặc xin không tham gia nữa vì vướng mắc về chủ sở hữu (đồng thừa kế), gia đình không đủ nguồn lực về vốn đối ứng.

 Nhà rường của gia đình ông Lương Thanh Phong tại làng cổ Phước Tích đã được hỗ trợ trùng tu theo NQ02 vào năm 2017

Đề xuất tăng mức kinh phí hỗ trợ

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là thực hiện “dài hơi”. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đang tiếp tục xây dựng tờ trình HĐND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các chính sách này cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng. Tập trung chú trọng các giải pháp để thực hiện đồng bộ các chính sách và xác định việc tổ chức triển khai thực thi các chính sách này được thực hiện trên nguyên tắc ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ là vốn “mồi”, các chủ sở hữu nhà vườn phải bố trí, lồng nghép các nguồn lực tự có hoặc huy động nguồn hợp pháp khác.

Sau nhiều năm được phê duyệt, nguồn kinh phí hỗ trợ của đề án theo NQ02 đã không còn “hợp thời”, bởi các chi phí về nhân công, vật liệu đều tăng mạnh. Để đề án phù hợp với điều kiện thực tế, UBND tỉnh đề xuất nâng các mức kinh phí hỗ trợ nhằm mở ra nhiều cơ hội cho các nhà vườn Huế có nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo đề xuất của UBND tỉnh, mức hỗ trợ chi phí trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng, gồm: Nhà xếp loại 1 được hỗ trợ tối đa 1 tỉ đồng/nhà (tăng 300 triệu đồng so với NQ02); nhà xếp loại 2 có mức hỗ trợ tối đa 800 triệu đồng/nhà (tăng 300 triệu đồng); nhà loại 3 được hỗ trợ tối đa 600 triệu đồng/nhà (tăng 200 triệu đồng). Ngoài ra, hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà vườn cũng được nâng lên mức tối đa 50 triệu đồng/nhà (tăng 20 triệu đồng), cùng các chính sách khác để phát huy giá trị nhà vườn Huế…

Dự kiến, nguồn kinh phí dành cho việc tiếp tục triển khai đề án này trong giai đoạn 2022-2025 là gần 60 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ trùng tu nhà vườn là gần 29 tỉ đồng. Ngoài việc bảo tồn các nhà vườn Huế đặc trưng tại TP Huế và nhà rường ở làng cổ Phước Tích, UBND tỉnh cũng đề xuất các chính sách cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị cho hơn 30 ngôi nhà cổ và chỉnh trang hạ tầng ở phố cổ Bao Vinh nhằm hướng đến hình thành không gian phố cổ phục vụ du lịch. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top