Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Việt Nam - Nhân tố quan trọng trong sự phát triển của ASEAN

Chủ Nhật 07/08/2022 | 11:56 GMT+7

VHO- Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao.

Ngày 28.7.1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) diễn ra tại Brunei Darussalam, Việt Nam đã chính thức gia nhập ASEAN, trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội.

Trải qua những bước đi ban đầu, từng bước học hỏi, trưởng thành và hòa nhập cùng các nước bạn bè trong ASEAN, Việt Nam luôn xác định tinh thần là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp hết sức mình vào sự phát triển vững mạnh của ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nhân tố quan trọng của tổ chức khu vực.

Viet Nam - Nhan to quan trong trong su phat trien cua ASEAN hinh anh 1

Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28.7.1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei)

Gia nhập ASEAN - Hướng đi đúng đắn

Tham gia ASEAN, Việt Nam đã chứng kiến những bước chuyển quan trọng của Hiệp hội: từ một khởi đầu khiêm tốn, ASEAN đã từng bước lớn mạnh, trở thành một trong những tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, là hạt nhân thúc đẩy đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực, là đối tác quan trọng của nhiều cường quốc và trung tâm chính trị-kinh tế lớn trên thế giới.

Việt Nam đã góp một phần tích cực vào các mốc phát triển đầy ý nghĩa của ASEAN, từ hoàn tất ý tưởng ASEAN-10, thúc đẩy và cụ thể hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, xây dựng Hiến chương ASEAN cho đến phát huy vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN...

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, quyết định gia nhập ASEAN của nước ta đã đưa đến kết quả “cùng thắng” cho cả Việt Nam và ASEAN. Với ASEAN, đó là bước khởi đầu để quy tụ toàn bộ 10 nước Đông Nam Á, mở đường xóa bỏ nghi kỵ, đối đầu, chuyển sang hòa bình, hợp tác. Với Việt Nam, đây là nấc thang đầu tiên để Việt Nam “tập dượt” hội nhập với thế giới. Gia nhập ASEAN là sự khởi đầu tích cực cho quá trình mở cửa hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng của Việt Nam, bước đột phá trong đổi mới tư duy đối ngoại của nước ta.

Quá trình hội nhập và tham gia của Việt Nam trong ASEAN gắn liền với quá trình Đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước. Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy đối ngoại, với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, “chuyển từ đối đầu sang đối thoại” và trở thành “thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm” trong ASEAN.

Đến Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục xác định phương hướng đối với hợp tác trong ASEAN là “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc.”

Chính sách đối với ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về đối ngoại, đặc biệt là Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.”

Nội dung được nhấn mạnh là cần “tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả vai trò thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN,” “phát huy vị thế của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và nâng cao vị thế, sự hiện diện của Cộng đồng trên trường quốc tế.”

Tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), tư duy về đối ngoại song phương và đa phương có những bước phát triển mới. Về đối ngoại đa phương, Đảng ta xác định cần “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị-kinh tế quốc tế” và “trong những vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.”

Dù hội nhập thế giới nhưng đường lối đối ngoại của Đảng vẫn “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.”

Vai trò dẫn dắt

Là thành viên muộn của ASEAN, từ khi gia nhập tổ chức khu vực này, với tư duy, chính sách đối ngoại đúng đắn, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao.

Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy việc kết nạp Lào, Myanmar (năm 1997), Campuchia (năm 1999), hiện thực hóa giấc mơ về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á. Nhờ đó, ASEAN đã mở ra một chương mới cho khu vực và tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng, có vai trò quan trọng ở khu vực và thế giới.

Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6, lần thứ 17 và lần thứ 36, 37 (1998, 2010, 2020); Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF on ASEAN) năm 2018, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41) năm 2020, Diễn đàn cấp cao của ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững năm 2021. Cùng với đó, Việt Nam đảm nhiệm vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN với Liên minh châu Âu (EU); là Chủ tịch luân phiên Ủy ban các nước ASEAN tại Buenos Aires từ tháng 7/2022.

Việt Nam góp phần đáng kể trong thúc đẩy ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp cùng các quốc gia cho ra đời Hiến chương ASEAN; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (năm 2001) và Chủ tịch ASEAN (năm 2010) với nhiều dấu ấn tích cực.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017 - Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện chính thức đảm nhiệm vị trí này. Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn được tín nhiệm đề cử và trở thành Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Chính trị -An ninh nhiệm kỳ 2018-2021.

Tháng 2.2021, Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN từ năm 2018-2021 được đề cử trở thành Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng và Nội bộ nhiệm kỳ 2021-2024. Trong cơ chế nghị viện ASEAN, bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội đã trở thành Tổng Thư ký thứ 5 của AIPA, nhiệm kỳ 2019-2022.

Viet Nam - Nhan to quan trong trong su phat trien cua ASEAN hinh anh 2

Hội nghị ASEAN-Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan, ngày 22.7.2010, tại Hà Nội

Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, như thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) năm 2010, các cơ chế ASEAN+, mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga và Mỹ (năm 2010), thành lập Cộng đồng ASEAN (năm 2015).

Những nỗ lực này đã giúp tăng cường vị thế quốc tế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích to lớn đối với Việt Nam trên các khía cạnh an ninh-chính trị và vị thế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam xử lý các thách thức trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng nổ, gây thách thức rất lớn đối với khu vực và thế giới, trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam vẫn chèo lái con thuyền ASEAN vững vàng, duy trì được các hoạt động của ASEAN thông qua hình thức trực tuyến và thúc đẩy bình thường tiến trình xây dựng cộng đồng.

Nước Chủ tịch Việt Nam cùng các nước thành viên, các đối tác đã tổ chức hơn 550 cuộc họp, bằng hình thức trực tuyến-bán trực tuyến, thông qua số lượng kỷ lục các văn kiện. Riêng Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, 20 cuộc họp liên quan đã được tổ chức thành công và hơn 80 văn kiện được thông qua. Đây là số văn kiện được thông qua cao nhất trong các kỳ họp ASEAN.

Ngày 14.2.2020, Chủ tịch ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19. Nhiều sáng kiến có tính thiết thực nhất của ASEAN về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh đã được Việt Nam đề xuất và triển khai như: Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN; Khung phục hồi tổng thể ASEAN; Khung chiến lược ASEAN về các vấn đề y tế khẩn cấp; Trung tâm khu vực về Ứng phó dịch bệnh mới nổi và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; Nhóm công tác liên ngành của Hội đồng điều phối Cộng đồng ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp...

Với sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Việt Nam, các nước thành viên đã duy trì đà xây dựng Cộng đồng, thực hiện thành công các mục tiêu, ưu tiên đề ra trong năm 2020. Đáng chú ý là việc hoàn tất đánh giá giữa kỳ triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025, đưa ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.

Bên cạnh đó, trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã nỗ lực hợp tác chặt chẽ để đem lại kết quả tốt đẹp, đó là việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11.2020.

Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá: Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng 2.2020. Điều này một lần nữa khẳng định “tầm lãnh đạo của Việt Nam” đặc biệt trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác thông qua một loạt các hội nghị trực tuyến. ASEAN hoàn toàn có thể vượt qua thử thách của dịch Covid-19 với sự đồng thuận, kiên cường và nỗ lực.

Bằng ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng ASEAN, sự hợp tác hiệu quả của các đối tác và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, ASEAN bước qua năm 2020 đầy khó khăn với nhiều những thành quả đáng tự hào. Nhiều sáng kiến của năm 2020 trở thành nền tảng cho hoạt động của ASEAN trong những năm tiếp theo.

Có thể thấy, ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của mình, giúp mở rộng và tăng cường tính cố kết trong ASEAN cũng như thúc đẩy khả năng của ASEAN trên mọi lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng cải thiện, nâng cao năng lực, uy tín và tiếng nói của mình trên trường quốc tế thông qua các hình thức hội nhập quốc tế, như tham gia các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, trúng cử vào các vị trí quan trọng của các cơ chế quốc tế..., góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong ASEAN và tạo điều kiện để Việt Nam có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho ASEAN.

Một trong những mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Việt Nam khi tham gia ASEAN là mong muốn duy trì một môi trường an ninh hòa bình, ổn định tại khu vực. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thời gian qua tại khu vực đã và đang tác động không nhỏ tới vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tác động tới vai trò dẫn dắt của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm hòa bình, an ninh tại Biển Đông và thúc đẩy hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đều có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, song việc đàm phán này hiện gặp nhiều khó khăn do sự bất đồng giữa các bên liên quan trên nhiều vấn đề. Vì vậy, để có thể gắn kết quan điểm của các nước ASEAN, Việt Nam cần nỗ lực đóng vai trò trong quá trình đàm phán COC. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế và tiếng nói của mình trong quá trình xử lý các vấn đề quốc tế.

Cũng theo Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, Việt Nam đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của ASEAN trong những năm qua. Ví dụ, khi bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đặt ra các ưu tiên vào các vấn đề có ý nghĩa, trong đó Hà Nội có thể đóng vai trò quan trọng, như biến đổi khí hậu, sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và ASEAN...

Thực tế đã khẳng định, Việt Nam đã hội nhập thành công với đại gia đình ASEAN kể từ khi gia nhập tổ chức này. Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng, đi đầu trong việc tăng cường sự kết nối giữa Đông Nam Á và phần còn lại của khu vực, đặc biệt là trong các vấn đề mới nổi toàn cầu như: biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải trên biển, nông nghiệp, và môi trường bền vững, nhất là dọc theo tiểu vùng sông Mekong.

Cơ hội nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam

Hậu đại dịch Covid-19, Việt Nam đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế; đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế nhằm tạo động lực phát triển bên trong.

Nước ta đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Cơ hội được mở ra với việc năm 2020 Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất tại Đông Nam Á và nằm trong số ít các quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương.

Viet Nam - Nhan to quan trong trong su phat trien cua ASEAN hinh anh 3

Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 qua hình thức trực tuyến

Cùng với đó, Việt Nam luôn giữ được sự ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tình hình kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Việt Nam thuộc 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất thế giới, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đang từng bước đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Việt Nam cũng ngày càng tạo dựng được uy tín, vị thế trên trường quốc tế với việc đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai (năm 2019)...; tham gia đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại đa phương lớn, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đặc biệt là việc Việt Nam trúng cử là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193).

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn. Đó là việc tái thiết nền kinh tế, nối lại chuỗi cung ứng vốn bị đứt gãy do dịch bệnh; tác động từ cạnh tranh giữa các nước lớn…Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải có những ứng xử linh hoạt, vừa mềm dẻo, vừa giữ vững nguyên tắc để không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ về vai trò và phương hướng tham gia ASEAN của Việt Nam trong thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng (nguyên Trưởng SOM ASEAN) cho rằng, định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới rất phù hợp với chính sách của Việt Nam.

ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.

Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả khối, từ đó nâng cao vị thế và vai trò dẫn dắt của nước ta trong tổ chức. Những đóng góp nổi bật của Việt Nam cùng với thành tựu của đất nước trong giai đoạn hiện nay là động lực giúp Việt Nam có thể tự tin triển khai chính sách đối ngoại hướng tới vai trò ngày càng quan trọng đối với ASEAN trong giai đoạn tới.

TTXVN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top