Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tư duy mới và hành động mới để phát triển du lịch bền vững

Thứ Hai 08/08/2022 | 12:44 GMT+7

VHO- Ngày 8.8, tại TP.HCM, trong khuôn khổ sự kiện “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam”, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển du lịch với sự tham dự của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh/thành: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP.HCM, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì và phát biểu chỉ đạo chương trình

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TP.HCM và đông đảo các doanh nghiệp du lịch. Về phía các địa phương, có lãnh đạo là Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh/ thành phố; Giám đốc các Sở quản lý du lịch: TP.HCM, An Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Thuận, Tây Ninh, Khánh Hòa...

Du lịch bùng nổ như chiếc lò xo bị nén

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, cùng với việc phục hồi nền kinh tế, nhiệm vụ phục hồi du lịch cũng được đặt ra và đang triển khai quyết liệt. Để tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn vướng mắc, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra, Bộ VHTTDL đã đề xuất với Hiệp hội Du lịch Việt Nam hiến kế, tham mưu, tổ chức một sự kiện để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Từ đó, cùng trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, tìm ra hướng đi mới tốt hơn sau đại dịch Covid-19”.

“Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta sẽ dành thời gian để cùng nhau trao đổi, cùng nhau lắng nghe và chia sẻ những thông tin. Trong đó, tìm những câu hỏi và trả lời về những điểm nghẽn, sau đó đánh giá lại trong thời gian vừa rồi, kể từ khi mở cửa hoàn toàn du lịch ngày 15.3, chúng ta đang ở đâu, chúng ta đạt được kết quả gì, khó những gì. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp cần lên tiếng về điều gì để cơ quan tổng hợp, cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước xử lý theo thẩm quyền và báo cáo cấp cao hơn để kiến tạo các chính sách. Đặc biệt 9 tỉnh, thành phố đã được xác định là cực tăng trưởng sẽ cùng nhau có những giải pháp thiết thực. Sau đó chúng ta dành thời lượng để bàn sâu về vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong kết nối, tạo ra sản phẩm mới để thực sự là nói đi đôi với làm; làm nhiều, nói ít; làm có hiệu quả, làm mới sản phẩm du lịch theo xu thế chung”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn khi mong muốn du lịch phát triển nhưng phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt với các nước trên thế giới, nhất là thị trường quốc tế của chúng ta chưa được khai thông, mở rộng.

Cung cấp thông tin mới tại cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp cùng nhìn lại du lịch thời gian qua, rộng hơn chúng ta đặt ra mục tiêu nhìn lại để tiến xa hơn. Vì nếu không nhìn lại chúng ta sẽ không biết mình đang ở đâu. Chúng ta sẽ đi theo hướng nào, định hướng thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham quan các gian hàng

Theo thống kê chưa đầy đủ, đại dịch Covid-19 đã làm du lịch thế giới thiệt hại 2,4 nghìn tỉ USD. 46 quốc gia, hàng nghìn điểm đến trên toàn cầu phải đóng cửa tất cả mọi hoạt động du lịch, tỉ lệ thất nghiệp tăng gấp 4 lần. Nhìn rộng ra thế giới như vậy để thấy tổn thất của du lịch Việt Nam cũng rất nặng nề. Khi cánh cửa du lịch được mở rộng, hoạt động trở lại bình thường, chúng ta lại thấy sự kiên cường, lớn mạnh của ngành Du lịch. Nhiều cơ quan truyền thông đã khẳng định sự khôi phục trở lại của ngành du lịch là sự phát triển khá lớn, bùng nổ trở lại sau dịch như chiếc lò xo bị nén. Du lịch Việt Nam có thời gian để bù đắp khoảng trống do dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đến nay, có thể thấy bức tranh sáng màu của du lịch Việt Nam sau dịch bệnh khi chúng ta đã hoàn thành mục tiêu của lượng khách nội địa. Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách nội địa. Thời điểm hiện nay, chúng ta đã đạt trên 71 triệu khách du lịch nội địa. Điều đó chứng minh hướng đi đúng của du lịch Việt Nam khi chúng ta coi nội địa là bệ đỡ của du lịch quốc tế, đi trên “đôi chân” của mình, vừa chú ý đến thị trường nội địa, vừa từng bước tiếp cận để khai thác thị trường quốc tế. Lượng khách quốc tế chưa đạt như mong muốn nhưng với 950 nghìn lượt 7 tháng đầu năm đã, tăng gấp 10 lần năm 2021, tăng 15% so với tháng trước. Các thị trường truyền thống đã trở lại, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 37,5%. Doanh thu của lữ hành cũng tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Khánh Hòa tăng 558%, Cần Thơ tăng 238%, TP.HCM tăng 111,4%. Những con số đó cho thấy được sự cố gắng của toàn ngành, chứng minh sự đúng đắn khi mở cửa, sự quan tâm của chính quyền các cấp. Đồng thời cho thấy vai trò của các tỉnh, thành phố, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL trong việc chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, làm du lịch được khởi sắc. Có thể kể đến những địa phương đã về đích trước như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ.... Những đầu cầu tăng trưởng này làm du lịch “ấm lại”, bước đi chắc chắn hơn.

Đề xuất kiến tạo các chính sách mới để phát triển du lịch

Mặc dù thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có sự đầu tư, chính sách rất cụ thể để phát triển du lịch. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các chính sách, rất khó khăn, nhiều chính sách chưa đến được với doanh nghiệp. Trong khi đó, yêu cầu ngày càng cao hơn, trách nhiệm lớn hơn. Chúng ta phải tập trung để tháo gỡ những điểm nghẽn này.

Khái quát những điều đó để thấy, nhìn lại chặng được vừa qua du lịch không phải toàn màu hồng, phải nhìn rõ những khó khăn để vượt lên. Chưa kể, trong phạm vi nội bộ có vẻ đang đi theo phong trào, có vẻ chưa chú ý nhiều. Vì chúng ta đang khai thác du lịch nội địa với tâm lý “nội địa” và có sự dễ dãi trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Tại thời điểm này có thể khai thác khách nhưng về lâu dài có thể không đáp ứng được nhu cầu của khách.

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh nhiều điểm mạnh cũng có điểm tối trong mảng du lịch, từ khâu dịch vụ đến sản phẩm. Nếu không có sự dồn nén, chưa chắc có lượng khách như hiện nay. Điều này đặt ra với các doanh nghiệp là phải suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản, căn cơ, tính toán lại. Nếu cứ dễ dãi, cung cấp sản phẩm không chất lượng sẽ rất khó khăn. Không phải khách đến Việt Nam để mua sắm mà người ra tìm đến ta để tìm hiểu, khám phá văn hóa, tìm đến một điểm đến văn hóa. Chính vì vậy, sản phẩm du lịch phải mang tầm dấu ấn. Khách quốc tế tìm kiếm điểm đến được hình thành dựa trên tiềm năng văn hóa, giá trị văn hóa nhưng làm chưa chín, chưa tới sẽ làm méo mó những hình ảnh đẹp, nếu không muốn nói là phản văn hóa. Như thế, có để lại những sản phẩm bền vững được không? Bộ trưởng đặt câu hỏi. Trong triết lý kinh doanh, Warren Buffett, một nhà đầu tư, doanh nhân người Hoa Kỳ đã từng nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu đối thoại với các địa phương và doanh nghiệp du lịch

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đề nghị cần có tư duy mới và hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch như vừa qua. Tư duy đó là gì? "Tôi mong các đại biểu, những người trực tiếp làm nhiệm vụ du lịch từ khóa Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam là: Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối. Hôm nay chúng ta đang nhìn lại và đang nỗ lực để kết nối. Tới đây chúng ta phải tính đến số hóa ngành Du lịch mạnh mẽ hơn. An toàn chúng ta đang cố gắng nhưng hợp tác và phát triển chúng ta làm đến đâu, những từ khó này được vận hành như thế nào lại là việc rất khó. Nói thì đơn giản nhưng biến nhận thức thành hành động lại cần thời gian, xem xét với tư duy mới. Tư duy này người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra rất đầy đủ, chỉ cần các địa phương, Sở quản lý du lịch quán triệt để thực hiện", Bộ trưởng nói. 

Hành động mới bắt đầu tư duy nói trên. Bộ trưởng cho biết: "Muốn làm được du lịch đòi hỏi phải có sản phẩm. Sản phẩm quyết định việc khôi phục, thúc đẩy phát triển trở lại. Chính vì vậy, phải phát triển du lịch mới, làm mới sản phẩm du lịch hiện có. Nếu đi theo kinh nghiệm, đi theo cái ta đã có thì rất khó vì thị trường không phải bán cái ta có mà bán cái khách hàng cần. Theo tôi, phải chăng du lịch văn hóa phải đặt lên hàng đầu. Bởi lẽ, thế mạnh của Việt Nam là nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đa dạng, bắt đầu từ đó đưa đến những hiệu ứng. Trong chiều sâu của du lịch phải chạm đến trái tim du khách. Nếu ai làm được điều này thì ngành đó, công ty đó bền vững và thành công. Bởi vì, văn hóa chính là linh hồn của các sản phẩm du lịch, là thứ mà các công ty du lịch cần hướng tới".

Bộ trưởng nhấn mạnh bài toán con người rất quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển. Làm thế nào, giữ chân người làm du lịch chuyên nghiệp thế nào? Không vơ bèo gạt tép. Làm gì để kiến tạo một đội ngũ những người làm du lịch đủ tài, đủ tâm, đủ tầm. Với đà này, với dịch vụ có biểu hiện lộn xộn hiện nay, sẽ chỉ được vài lần, không thể bền vững được. Không một du khách nào chấp nhận được chuyện “chặt chém”, dịch vụ tạm bợ, chấp nhận việc cho qua chuyện. Bộ trưởng cho rằng du lịch phải sang, phải đẹp và việc của chúng ta là hành động để đạt được sự sang, đẹp đó.

“Hành động mới nữa là liên kết để phát triển. Sự liên kết này phải đi vào thực chất chứ không phải ký kết xong ai về nhà nấy. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của Hiệp hội du lịch, của các địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp du lịch phải giữ vai trò kết nối với nhau, xây dựng trên mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Có như thế du lịch mới phát triển bền vững, cùng nhau đi chứ không phải chỉ là việc riêng của tôi và của anh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác và liên kết phát triển du lịch

Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục thực hiện đề xuất với chính phủ để hoàn thiện khuôn khổ chính sách về pháp luật tạo điều kiện cho ngành phát triển. Bộ cũng đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, coi quy hoạch là gốc, vừa là giải pháp, mục tiêu, động lực.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch điểm đến, quy hoạch khu du lịch. Ở cấp Bộ, cấp quốc gia sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể để tạo điều kiện cho kết nối, thu hút đầu tư, cùng với đó rà soát lại chính sách hiện hành, xem ở đâu là điểm nghẽn để kiến nghị tháo gỡ.

Hiện nay, việc này vẫn đang rất khó. Đầu tư cho du lịch phải rất căn cơ, không có “đại bàng” thì khó mà “làm tổ” được. Vì vậy, phải dựa vào tiềm lực xã hội, huy động sức mạnh từ các nguồn lực khác nhau để tạo ra các khu du lịch, điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch tầm cỡ. Có thể nhìn thấy những “cánh chim đầu đàn” như: Sun, Vin và một số doanh nghiệp nữa. Bên cạnh đó, cần tập trung liên kết hợp tác, kết nối mạnh mẽ hơn. Ở tầm quốc gia Bộ sẽ kết nối và liên kết. Trước mắt, tại các sự kiện quốc tế chúng ta sẽ tăng cường xúc tiến, khơi thông, làm “ấm lại” thị trường du lịch như tại Hội chợ du lịch Hàn Quốc tới đây; kết nối với Mỹ, mở rộng lại thị trường; đề xuất cơ chế thành lập trung tâm xúc tiến du lịch ở các nước. Đó là trách nhiệm của Bộ, là trách nhiệm giải trình, minh bạch trong chính sách.

Với địa phương, mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc, làm tròn trách nhiệm của địa phương trong phát triển du lịch. Cùng với đó là việc xây dựng bản đồ số du lịch, tìm kiếm các nguồn lực, vai trò dẫn dắt, vốn mồi, làm tốt hơn nữa vai trò của các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm đến việc phát triển du lịch hơn nữa. Sắp tới Bộ VHTTDL sẽ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 để rà soát lại các chính sách, kiến tạo các nhóm chính sách, ưu tiên nhiều hơn cho du lịch, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Khi và chỉ khi người dân là chủ thể của các chương trình du lịch, lễ hội thì những chương trình đó, lễ hội đó mới phát huy được sức mạnh của cộng đồng.

Bộ trưởng khẳng định, doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế. Vì thế, các doanh nghiệp cần, tập trung xây dựng chiến lược phát triển một cách căn cơ và bài bản; xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, tính toán để phát biển hiệu quả, bền vững.

Bộ trưởng cho rằng, có những vấn đề không thể giải quyết ngày một, ngày hai, càng không thể giải quyết trong 1 hội nghị mà phải cùng nhau tính toán, đồng hành để phát triển.

“Tôi tin rằng, sau cuộc này, tốt hơn, xanh hơn, bền vững hơn, kết nối tốt hơn”, Bộ trưởng nói và cho biết: Hiện nay Quốc hội rất quan tâm tới việc phát triển du lịch của đất nước. Sắp tới Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng về việc phát triển du lịch và những ý kiến góp ý của doanh nghiệp trong chương trình gặp gỡ này sẽ là cứ liệu để Bộ trưởng phản ánh tới Quốc hội những vấn đề của ngành và đề xuất những những định hướng phát triển bền vững.

HOÀNG HẢI

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top