Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khát vọng bảo tồn nhạc cụ truyền thống từ lớp... “Bình dân học nhạc”

Thứ Tư 10/08/2022 | 09:38 GMT+7

VHO- Dù chỉ là một CLB của học sinh, lại “sinh sau, đẻ muộn” nhưng CLB Cầm Ca (Trường THPT Hà Nội - Amsterdam) lại rất phát triển, trở thành địa chỉ tin cậy giảng dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí. Với việc mở các lớp Bình dân học nhạc, các thành viên của CLB Cầm Ca mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với mọi người.

 Các thành viên CLB Cầm Ca biểu diễn nhạc cụ dân tộc

Từ đó, trực tiếp tham gia vào công cuộc gìn giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của bộ môn nhạc cụ truyền thống mà cha ông ta để lại.

Những người trẻ với ý chí lớn

May mắn được gia đình cho theo học bộ môn đàn bầu từ cuối năm lớp 1, Lê Hà Thu (Chủ nhiệm CLB Cầm Ca) chia sẻ sau hơn 10 năm gắn bó với nhạc cụ dân tộc, em không muốn “ích kỷ”, giữ niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc cho riêng mình.

Sau khi được học chuyên sâu tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Thu càng quyết tâm đưa nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nói là làm, cô gái trẻ ấy bắt tay vào thành lập CLB Cầm Ca. Ngay từ những ngày đầu “chào sân”, Cầm Ca đã nhận được sự ủng hộ của rất đông các bạn trẻ, nhất là những người yêu thích, quan tâm nhạc cụ truyền thống. Kết nối sức mạnh giữa các thành viên, CLB xác định phải thực hiện được nhiệm vụ quan trọng là góp phần bảo vệ, đưa những giá trị của âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ, tiếp nối những nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản âm nhạc Việt Nam. Kế thừa những giá trị từ lớp Bình dân học vụ khi xưa, Cầm Ca đã sáng lập nên các lớp Bình dân học nhạc để ai ai cũng có thể tiếp cận với nhạc cụ truyền thống.

Đúng với tên gọi Bình dân học nhạc, các lớp do Cầm Ca tổ chức trong 2 tháng hướng đến mục tiêu phổ cập kiến thức âm nhạc cơ bản cho những người có mong muốn tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc. Với Bình dân học nhạc, mọi người đều sẽ được giúp đỡ, vượt qua những khó khăn ban đầu trong tiếp cận với nhạc cụ dân tộc. Chỉ sau thời gian ngắn, mọi học viên từ bỡ ngỡ đã có thể nhận biết từng loại nhạc cụ, nắm được nhạc lý và cách chơi đàn. Nhiều học viên chia sẻ lại sau khi “tốt nghiệp”, họ hiểu và yêu hơn về nhạc cụ dân tộc. Để rồi, những học viên đó lại tiếp tục tìm kiếm lối đi cho riêng mình để học đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc…

Điểm đặc biệt của Bình dân học nhạc là các giảng viên đứng lớp đều là những bạn trẻ. Có người hiện đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cũng có người đang là sinh viên theo học chuyên ngành khác. Nói là trẻ nhưng các giảng viên của Bình dân học nhạc đều có chuyên môn vững. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, hoàn thiện giáo trình, các “giảng viên” của CLB cũng liên tục tham khảo ý kiến chuyên môn của các giảng viên thực thụ, nghệ sĩ đàn dân tộc. Không chỉ dựa vào lực lượng “giảng viên”, các thành viên của Cầm Ca còn tự chỉ cách nhau chơi nhạc cụ. Ai biết chơi nhạc cụ gì sẽ dạy các thành viên còn lại. Dần dần, hơn 400 thành viên của Cầm Ca đều biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ.

Không để tiếng đàn bay đi vô nghĩa

Cũng vì có được lực lượng trẻ tuổi, Cầm Ca cũng có cách tiếp cận với nhạc cụ dân tộc rất “trẻ”. Yêu thích, muốn lưu giữ các giá trị của âm nhạc truyền thống nhưng cũng không tự tách mình ra khỏi thời cuộc.

Gần đây, CLB Cầm Ca đã kết hợp với CLB Âm nhạc cổ điển (Trường Đại học Kinh tế quốc dân). Với sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống của Việt Nam với các nhạc cụ phương Tây như trống, guitar, piano… học viên sẽ cảm nhận được sự mới lạ, kích thích sự tìm tòi. Thậm chí, nhóm còn mạnh dạn cho ra đời tác phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Điển hình nhất là bài Trống cơm được nhóm biến tấu, kết hợp giữa đàn bầu và beatbox, hay cover nhạc phim Mắt biếc bằng dàn nhạc cụ dân tộc… Mỗi sản phẩm được nhóm đăng tải đều thu hút từ vài trăm đến cả nghìn lượt thích, chia sẻ.

Dù trải qua khó khăn do dịch Covid-19, các thành viên của CLB Cầm Ca vẫn luôn cố gắng duy trì hoạt động. Không chỉ dừng lại ở quy mô lớp học, Cầm Ca còn đem tiếng đàn, tiếng sáo của mình đến với khán giả tại phố đi bộ, các em học sinh tại trại rèn luyện kỹ năng, hướng nghiệp, sự kiện gây quỹ từ thiện… Hình ảnh những cô, cậu học trò khoác trên mình áo dài ngũ thân, chơi nhạc cụ đã khiến không chỉ khán giả trong nước mà quốc tế ngạc nhiên vì ý thức lan tỏa tình yêu, đam mê âm nhạc truyền thống của thế hệ trẻ Việt Nam. Trở lại với Lê Hà Thu, em chia sẻ: “Em luôn tự nhủ bản thân là người chơi đàn, nhiệt huyết với nhạc cụ dân tộc, vậy tại sao mình không làm hết sức để lan tỏa tình yêu đó đến với những người xung quanh. Đây là điều khiến em luôn trăn trở và muốn được cống hiến nhiều hơn. Nhạc cụ dân tộc đang đứng trước bài toàn khó về bảo tồn, phát huy các giá trị. Ông cha ta đã cố gắng gìn giữ, nối truyền. Nếu thế hệ trẻ ngày nay không có sự kế thừa, quá trình phát triển của nhạc cụ dân tộc rất dễ rơi vào “đứt đoạn”. Càng có nhiều người biết chơi nhạc cụ dân tộc truyền thống, âm nhạc truyền thống càng trở nên phổ biến. Xa hơn, các thành viên CLB Cầm Ca còn mong muốn sẽ đưa nhạc cụ truyền thống của Việt Nam đến với nhiều bạn bè quốc tế”.

Không thu học phí, động lực để các thành viên Cầm Ca tiếp tục cố gắng, duy trì hoạt động là nụ cười của ai đó khi họ hiểu về một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc; là niềm vui của khán giả khi ngồi dưới nghe CLB chơi đàn. Quan trọng hơn cả, với việc tổ chức hoạt động thường xuyên, CLB mong muốn sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn. Những tiếng đàn, tiếng sáo… cũng vì thế không bị bay đi một cách vô nghĩa mà được giữ mãi với thời gian. Với ý nghĩa đặc biệt, Cầm Ca hiện đang không ngừng mở rộng quy mô với sự giúp sức của nhiều học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top