Kinh nghiệm​​​​​​​ Bảo tồn di tích kiến trúc gỗ ở Việt Nam: Khảo sát, nghiên cứu phải giữ vị trí số một

VHO- Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL), Văn phòng JICA Việt Nam và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm Hội An) vừa phối hợp tổ chức chương trình tập huấn “Bảo tồn di tích kiến trúc gỗ Hội An - Việt Nam”. Các nội dung tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp cho những người làm công tác bảo tồn tại các địa phương có nhiều di tích, di sản kiến trúc gỗ.

Kinh nghiệm​​​​​​​ Bảo tồn di tích kiến trúc gỗ ở Việt Nam: Khảo sát, nghiên cứu phải giữ vị trí số một - Anh 1

 Hạng mục nhà bao che tu bổ di tích chùa Cầu được xem là mô hình thí điểm trong quá trình tôn tạo kiến trúc gỗ

 Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hội An cho biết, trong kho tàng di sản kiến trúc Việt Nam, các di tích kiến trúc gỗ giữ vị trí rất đặc biệt, không chỉ phản ánh lịch sử phát triển đa dạng về nghệ thuật kiến trúc của dân tộc, mà qua đó còn khẳng định bề dày lịch sử văn hóa của cộng đồng dân cư, sự sáng tạo và tài hoa của các thế hệ nghệ nhân.

Cẩn trọng trong bảo tồn di tích kiến trúc gỗ

Kinh nghiệm trong công tác bảo tồn quần thể khu phố cổ Hội An với hơn 1.130 di tích kiến trúc và khảo cổ học cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều dự án bảo tồn nhà cổ Hội An đã được triển khai thận trọng, chuyên nghiệp và khoa học, đến nay hầu như không còn di tích nhà cổ nào đối diện nguy cơ sụp đổ. Hội An trở thành “điển hình” trong công tác bảo tồn di sản, được UNESCO đánh giá cao.

Theo KTS Đặng Khánh Ngọc, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, công tác khảo sát, nghiên cứu di tích đóng vai trò quan trọng, phải là bước đầu tiên, có tính chất cốt lõi của quy trình tu bổ bảo tồn di tích. Khảo sát, nghiên cứu di tích phải kéo dài trong suốt quá trình can thiệp vào di tích. Nếu khảo sát chỉ dừng ở thời điểm lập dự án thì nhiều khi sẽ cho các thông số về di tích không chính xác, ảnh hưởng đến việc đưa ra phương án, giải pháp tu bổ và ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tu bổ di tích. Với tầm quan trọng như vậy, cần chú ý một số vấn đề trong công tác khảo sát như: Cần phân biệt rõ những đánh giá, nhận định khách quan và chủ quan. Những đánh giá khách quan về đặc điểm, giá trị và hiện trạng của di tích được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các số liệu khảo sát, có tính chính xác, rõ ràng. Các đánh giá chủ quan mang tính cảm tính cần được tách biệt để có thể xem xét lại vấn đề dưới những cách tiếp cận khác hoặc khi có dữ liệu bổ sung, tránh những nhận định, kết luận chung chung, không xác định, không phải của riêng di tích đã khảo sát.

Chia sẻ về công tác bảo tồn và khôi phục kiến trúc gỗ ở Nhật Bản, ông Toyoki Hiriyuki, Trưởng nhóm nghiên cứu về công trình văn hóa, kiến trúc và các công trình khác (Tổng cục Văn hóa Nhật Bản) cũng nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản về bảo tồn và sửa chữa di tích gồm: Tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ, bảo tồn giá trị lịch sử và lượng thông tin khổng lồ ẩn chứa trong cấu kiện (ngay cả khi buộc phải thay thế thì cũng cần bảo tồn cấu kiện cũ); Nghiên cứu và tái tạo các phương pháp và kỹ thuật cổ; Rà soát chính sách về bảo tồn và khôi phục, chỉ tiến hành khôi phục sau khi đã có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của hội đồng chuyên gia; Lưu trữ hồ sơ chi tiết về kết quả nghiên cứu, khảo sát, chính sách bảo tồn và khôi phục, kỹ thuật áp dụng phải được đưa vào báo cáo tiến độ sửa chữa để đảm bảo minh bạch.

“Gỗ rất dễ bị mục nát, mối mọt và dễ cháy, do đó nếu không có biện pháp bảo trì và quản lý thích hợp thì không bền. Cũng như Hội An, các công trình cổ bằng gỗ tại Nhật Bản có thể tồn tại đến ngày nay là nhờ được bảo trì và sửa chữa định kỳ”, ông Toyoki Hiroyuki chia sẻ.

Kinh nghiệm​​​​​​​ Bảo tồn di tích kiến trúc gỗ ở Việt Nam: Khảo sát, nghiên cứu phải giữ vị trí số một - Anh 2

 Các đại biểu thực địa tại công trình tu bổ di tích chùa Cầu

Từ trường hợp điển hình di tích chùa Cầu

Được tổ chức đúng vào thời điểm dự án tu bổ di tích chùa Cầu đang diễn ra, các đại biểu đã dành thời gian khảo sát thực địa tại công trường; nghe báo cáo của Viện Bảo tồn di tích về phương án thiết kế tu bổ; trao đổi của chuyên gia Nhật Bản về kết quả khảo sát di tích chùa Cầu và cùng thảo luận các nội dung liên quan thực tế để soi chiếu với những kiến thức được tập huấn.

Đặc biệt, hạng mục nhà bao che tu bổ di tích vừa hoàn thành với công năng bảo quản di tích, bảo vệ công trình và phục vụ công tác thi công, đảm bảo giao thông qua lại, tạo điều kiện cho khách tham quan quá trình tu bổ. Đây được xem là mô hình thí điểm để tiến đến xây dựng các quy trình tu bổ kiến trúc gỗ tại Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần hết sức quan trọng trong sự thành công của kết quả tu bổ di tích chùa Cầu trong thời gian tới. Ông Hiraoka Hisakazu, Phó trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, chia sẻ: Với đặc thù là di sản sống, các di tích kiến trúc gỗ ở Hội An gợi mở rất nhiều kinh nghiệm thực tế cho công tác bảo tồn đặc thù đối với các công trình kiến trúc gỗ. Đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua tập huấn lần này, những cơ quan, tổ chức liên quan đến những công việc bảo tồn kiến trúc gỗ sẽ có thêm những kiến thức cần thiết, đặc biệt là qua những khảo sát trên thực tế “di sản sống” Hội An, dự án tu bổ di tích chùa Cầu để sau này có thể áp dụng hiệu quả vào công việc bảo tồn gỗ.

Câu chuyện tu bổ di sản kiến trúc văn hóa vật thể tại Nhật Bản mà các chuyên gia Nhật Bản trình bày cũng gợi mở nhiều kinh nghiệm quý giá để các địa phương có công trình kiến trúc gỗ ở Việt Nam có thể tham khảo. Theo ông Inagaki Tomoya, chuyên gia cao cấp về di sản văn hóa (Tổng cục Văn hóa Nhật Bản), trong quá trình thi công, việc đảm bảo quảng bá và chia sẻ đầy đủ thông tin về dự án tu bổ các di tích, di sản văn hóa sẽ khiến người dân địa phương, du khách thêm yêu mến di sản. Điều này có thể giúp tăng thêm sức hút của công trình di sản đó với vai trò là một tài nguyên du lịch, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Di tích chùa Cầu là một điển hình thực tế đang thực hiện rất tốt công tác quảng bá trong quá trình thi công tu bổ hiện nay. Để tạo điều kiện cho du khách và người dân nắm bắt thông tin, nhìn thấy hình ảnh, tìm hiểu hoạt động trùng tu của di tích trong khi hoạt động tu bổ vẫn đang diễn ra, các thông tin trên được in ấn và lắp đặt tại các vị trí thuận lợi và phù hợp. Bên cạnh đó cũng bố trí lối đi; nơi thờ tự mới để người dân và du khánh thực hiện các nghi thức tín ngưỡng, đi lại, tham quan…

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc