Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía bắc: Có đầu tư mới tạo điểm sáng

VHO-Tại Hội thảo phục vụ soạn thảo Đề án Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) tổ chức mới đây tại Yên Bái, nhiều đại biểu đã nhận định: Từ nhân lực đến vật lực phục vụ phát triển thư viện cơ sở khu vực này đều đang rất thiếu và yếu. Nếu không sớm bổ sung nguồn lực, thư viện ở những vùng nhiều khó khăn sẽ mãi “giậm chân tại chỗ”.

Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía bắc: Có đầu tư mới tạo điểm sáng - Anh 1

Hội thảo đã đánh giá thực trạng phát triển thư viện cơ sở ở nhiều nơi

Khó đủ đường

Bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) bày tỏ nỗi trăn trở khi thư viện cơ sở phục vụ nhân dân ở 14 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Hầu hết các thư viện cấp xã không có trụ sở độc lập, chủ yếu bố trí ghép trong khuôn viên nhà làm việc của UBND xã hoặc trong Trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa... Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, đa số chưa đảm bảo các trang thiết bị thiết yếu cho hoạt động phục vụ bạn đọc.

“Nguồn nhân lực phụ trách thư viện cơ sở hầu hết là công chức văn hóa - xã hội, có nơi do công chức tư pháp hộ tịch, các tổ chức đoàn thể luân phiên kiêm nhiệm quản lý. Nhân sự ở cơ sở thường xuyên biến động nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý và triển khai hoạt động phục vụ bạn đọc theo đúng chuyên môn”, bà Kiều Thúy Nga nêu.

Một khó khăn khác cũng được lãnh đạo Vụ Thư viện nêu ra là những thư viện cơ sở phục vụ nhân dân thuộc miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc thường xuyên rơi vào tình trạng “khát” sách, báo, tài liệu… Định kỳ, hằng năm thư viện cấp tỉnh, cấp huyện sẽ tổ chức luân chuyển, hỗ trợ bổ sung thêm sách mới cho cơ sở. Tuy nhiên, số lượng không nhiều và cũng không phủ sóng được hết tất cả các thư viện cơ sở. Điều kiện địa hình vùng núi cao, đường sá xa xôi, thêm phần khó khăn về phương tiện vận tải nên nhiều thư viện cơ sở không nhận được các sách luân chuyển từ hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện.

Bà Hồ Thị Kim Dung, Phó giám đốc Thư viện tỉnh Sơn La cho hay, hiện chưa có sự phối hợp triển khai đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành trong việc xây dựng mới và duy trì hoạt động tủ sách thư viện xã, thư viện cộng đồng. Do đó, hầu hết các hoạt động phục vụ đọc sách tại cộng đồng được tổ chức tại các chi nhánh, trạm sách của thư viện và các trường học. Cũng vì công tác phối hợp, liên kết phát triển thư viện cơ sở ở những vùng sâu, vùng xa còn hạn chế mà việc tăng cường tổ chức các hoạt động phục vụ đọc sách, báo chưa đạt được hiệu quả cao.

Tháo gỡ khó khăn từ cơ chế đến con người

Để giải quyết tồn đọng, TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Nghiệp vụ thư viện tỉnh Bắc Giang đề xuất Bộ VHTTDL cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là các văn bản pháp quy liên ngành để chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển mạng lưới thư viện công cộng cấp huyện, xã. Trong đó có đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, chế độ phụ cấp cho cán bộ cơ sở. Đặc biệt, việc xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045” cần được đẩy nhanh tiến độ.

“Đề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ giúp ích rất nhiều trong xây dựng các mô hình thư viện cơ sở phù hợp, linh hoạt gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân khu vực miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, tri thức. Từ đó hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập”, TS Đỗ Thị Thanh Thủy nêu quan điểm.

Không chỉ TS Đỗ Thị Thanh Thủy, đại diện Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên liên tục nhấn mạnh: Để hệ thống thư viện cơ sở phát triển, phục vụ tốt công tác phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của người dân, ngoài sự quan tâm và đầu tư của các cấp chính quyền địa phương ở cơ sở, Đảng và Nhà nước cần có thêm cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp để đầu tư lâu dài về mọi mặt cho thư viện, tủ sách ở cơ sở. Đồng thời, phải luôn coi đó là một trong những thiết chế văn hóa bền vững, để có hướng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, bổ sung sách, báo, phụ cấp cho người làm công tác thư viện.

Ngoài ra, ThS Phạm Thị Thành Tâm, Khoa Thông tin, Thư viện (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định, trong mọi trường hợp, để giải quyết vấn đề, nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng nhất. Trong các thư viện, cán bộ thư viện là yếu tố cơ bản đảm bảo cho thư viện được vận hành và phát huy vai trò xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thư viện. Muốn thư viện nói chung, thư viện cơ sở nói riêng hoạt động hiệu quả thì nhân lực phải đáp ứng được cả yêu cầu về số lượng và chất lượng. Trước mắt, cần bố trí cho mỗi thư viện cơ sở ít nhất một cán bộ chuyên trách hoặc hai cán bộ nếu kiêm nhiệm. Nếu là cán bộ kiêm nhiệm thì phải có quy định rõ ràng về thời gian dành cho mỗi công việc và những nhiệm vụ cụ thể mà họ phải thực hiện. Hai cán bộ kiêm nhiệm sẽ thay phiên nhau đảm bảo thư viện hoạt động liên tục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện cơ sở cũng phải được thực hiện thường xuyên thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản trị thư viện, nhất là thư viện hiện đại. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc