Lễ hội “Khô Già Già”- nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách

VHO- Lễ hội "Khô Già Già" của người Hà Nhì huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là nét văn hóa độc đáo trong nghi lễ, tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước mang đậm bản sắc của người Hà Nhì, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Lễ hội “Khô Già Già”- nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách - Anh 1

Lễ hội “Khô Già Già” - nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29.6 . Ảnh: T.L

Năm nay, Lễ hội “Khô Già Già” của người Hà Nhì Đen với nhiều nghi lễ mang đậm bản sắc dân tộc sẽ được tổ chức từ ngày 27 – 29.6 (tức ngày 10 – 12.5 âm lịch) tại các thôn, bản của người Hà Nhì ở các xã Y Tý, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường, Nậm Pung trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 

Theo truyền thống, Lễ hội “Khô Già Già” là lễ hội cầu mùa lớn nhất trong năm của người Hà Nhì Đen trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lễ hội thể hiện nét độc đáo, đặc trưng trong nghi lễ, tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước, thần đất cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, chăn nuôi phát triển và cầu cho dân bản ấm no hạnh phúc. Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ hội Khô Già Già còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của người Hà Nhì trong mỗi thôn, bản.

Theo phong tục, Lễ hội sẽ được chức trong 3 ngày, ngày đầu tiên, đồng bào Hà Nhì ở các thôn, bản sẽ tập trung dọn dẹp công viên, lợp lại lán nơi tổ chức lễ hội. Ngày thứ hai sẽ thực hiện nghi thức mổ trâu hiến tế thần linh do đàn ông, trai tráng khỏe mạnh trong thôn đảm nhận, sau đó chia thịt trâu cho các gia đình trong thôn mang về làm, thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong cả năm và cùng ăn cơm đoàn viên gia đình. Ngày thứ ba sẽ diễn ra nghi lễ quan trọng nhất của Lễ hội như lập đu dây, bập bênh và thực hiện nghi lễ cúng tại lán của thôn. Đây là nghi lễ cúng quan trọng nhất trong lễ hội, cầu cho mùa màng bội thu, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với dân làng. 

Mở đầu Lễ hội là nghi lễ mổ trâu hiến tế thần linh. Sau nghi thức này,  thịt trâu sẽ được chia đều cho các gia đình trong làng mang về làm lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong suốt một năm. Tiếp đó, chủ các gia đình bày đặt lễ vật lên mâm, rồi đội rước mâm lễ từ nhà đến rừng, tổ chức lễ cúng chung của làng, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến các đấng thần linh, luôn theo sát cuộc sống và che chở, phù hộ cho dân làng. Phụ nữ người Hà nhì cũng sẽ thể hiện sự khéo léo của mình bằng các gói bánh dầy thơm ngon.  

Đến với Lễ hội du khách còn được khám phá không gian văn hóa bản làng của người Hà Nhì, cùng tham gia trải nghiệm hái lê Tai Nung đang vào mùa thu hoạch. Du khách sẽ được cảm nhận những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của người Hà Nhì và hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường độc đáo, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang uống lượn men theo các sườn núi đẹp đến mê hoặc, tham gia trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.

Năm 2014, Lễ hội “Khô Già Già” đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì. Hiện nay, Lễ hội “Khô Già Già” của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm, góp phần quảng bá lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn với phát triển du lịch của Bát Xát.

Nếu tới Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai dịp này, du khách đừng bỏ lỡ tham gia Lễ hội "Khô Già Già" của người Hà Nhì, bởi không chỉ độc đáo, thú vị, Lễ hội "Khô Già Già" còn mang trong mình nhiều ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc. 

Q.VY

Ý kiến bạn đọc