Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài 4) Xây dựng hình ảnh văn minh trên mỗi chuyến tàu...

VHO- Xây dựng nhân viên ngành đường sắt văn minh, lịch thiệp luôn được các đơn vị trong ngành đường sắt quan tâm và tổ chức thực hiện thông qua các phong trào thi đua. Những nỗ lực miệt mài xây dựng hình ảnh đường sắt văn minh, an toàn, thân thiện góp phần tăng thêm sự hấp dẫn đối với du khách nước ngoài với tuyến đường sắt được họ đánh giá là ngoạn mục nhất thế giới.

Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài 4) Xây dựng hình ảnh văn minh trên mỗi chuyến tàu... - Anh 1

 Tàu Thống Nhất đi qua những cảnh quan đẹp luôn thu hút du khách

 Ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, từ năm 2022, sau khi đại dịch được kiểm soát hoạt động vận tải bằng đường sắt bắt đầu hồi phục. Năm tháng đầu năm nay, tổng số hành khách đi tàu hơn 2,4 triệu lượt, đạt 114,9% so với kế hoạch.

Thay đổi để thích nghi

Sự quay trở lại ngày càng đông của khách đi tàu cho thấy, sau một thời gian tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, trong đó thay đổi nhận thức về cách phục vụ hành khách đã đem đến những hiệu quả mong đợi.

Là một trong những doanh nghiệp có số lượng cán bộ, nhân viên lớn, để có được sự đồng thuận chung sức chung lòng là không hề dễ. Tuy nhiên, sau một thời gian dài miệt mài làm việc cật lực, nắm bắt từng cơ hội nhỏ nhất, đặc biệt là thay đổi nhận thức của những nhân viên ngành đường sắt về ngành, về xây dựng văn minh, văn hóa ứng xử trên các đoàn tàu, tại phòng chờ, sân ga…, đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Hình ảnh những chuyến tàu nhếch nhác, xả rác thải ra đường tàu, xung quanh đường ray ngập rác hay cách ứng xử khiến hành khách buồn lòng… đã được thay bằng những hàng cây, bằng những chậu hoa, bằng thái độ nhã nhặn, lịch thiệp của nhân viên. Những năm gần đây, những nghĩa cử đẹp, những gương người tốt việc tốt trên các đoàn tàu đã để lại ấn tượng mạnh đối với hành khách đi tàu.

Mới đây, vào ngày 17.6, trên chuyến tàu SE12 xuất phát tại ga Sài Gòn, khi đến ga Thanh Hóa lúc 0h23, sau khi tác nghiệp đón tiễn hành khách xong, nhân viên toa số 5 là Diệp Minh Tín của Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam phát hiện một túi xách màu đen của hành khách để quên tại giường số 10. Tổ tàu đã tiến hành lập biên bản và kiểm đếm bên trong túi xách có hơn 72 triệu đồng và nhiều vật trang sức có giá trị rất cao. Qua xác minh, được biết hành khách bỏ quên tài sản tại toa số 5, giường số 10 có tên là Tống Thị T, sinh năm 1957, có lộ trình di chuyển từ ga Sài Gòn và kết thúc lộ trình tại ga Thanh Hóa. Sau đó, tổ tàu đã tiến hành làm thủ tục bàn giao tài sản cho hành khách. Trước đó, ngày 13.6, tại ga Quảng Ngãi, tổ tàu SE43 thuộc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam đã trao trả vợ chồng hành khách để quên túi xách, bên trong có hơn 18 triệu đồng. Hay trường hợp tổ tàu SE11 xuất phát từ ga Hà Nội chạy đến ga Đà Nẵng ngày 8.6. Sau khi hỗ trợ tiễn khách xuống tàu, tiếp viên Phùng Duy Thông, Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam phụ trách toa 6 tiến hành thu gom và làm vệ sinh toa xe đã phát hiện có một ví da, trong đó có tiền và nhiều tài sản có giá trị khác. Sau khi xác minh các thông tin, Trưởng tàu đã liên hệ với hành khách và gửi số tài sản trên tại ga Tam Kỳ sau đó bộ phận chuyên môn gửi ngược lại về ga Đà Nẵng để hành khách nhận lại.

Đặc biệt, trên những chuyến tàu hành trình dọc dài đất nước, nhân viên ngành đường sắt đã thành “bà đỡ” cho không ít trường hợp sản phụ sinh con trên tàu. Rạng sáng ngày 6.6, một bé gái đã chào đời an toàn, khỏe mạnh trên chuyến tàu Thống Nhất SE4 dưới sự vui mừng của người mẹ, tổ tàu và hành khách. Theo đó, khoảng gần 2h sáng, tàu chạy khu gian Thị Long - Minh Khôi (thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa) thì tiếp viên toa 6 Lê Minh Thái phát hiện hành khách Lê Thị Hồng Hoa, 38 tuổi, xuất phát từ ga Biên Hòa đi Hà Nội, đang nằm tại giường số 5 toa 6 có dấu hiệu sắp sinh em bé, đau bụng, vỡ ối. Ngay lập tức, Trưởng tàu và vệ sinh viên trên tàu đã xuống hỗ trợ nữ hành khách, đồng thời phát thanh kêu gọi hành khách có chuyên môn y tế về toa 6 để hỗ trợ cùng. Với sự hỗ trợ của nhân viên ngành đường sắt và một hành khách có chuyên môn y tế, hành khách đã sinh một bé gái an toàn trên tàu. Khi tàu đến ga Thanh Hóa, tổ tàu đã bàn giao 2 mẹ con hành khách cùng đầy đủ hành lý tư trang xuống tàu để bộ phận khách vận ga Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ hành khách, chuyển tới cơ sở y tế gần nhất.

Những hành động đó của các tiếp viên đường sắt nói riêng và các nhân viên đường sắt nói chung đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp và nâng cao uy tín của ngành đường sắt Việt Nam trong mắt hành khách nói chung và du khách nước ngoài nói riêng. Hay việc cán bộ, người lao động các đơn vị phối hợp địa phương tổng vệ sinh môi trường xung quanh ga, đồng thời chung tay thực hiện phong trào “Đường tàu - Đường hoa”, góp phần nâng cao hình ảnh đường sắt, xây dựng cảnh quan đô thị “Xanh - Sạch - Đẹp”. Nhờ những nỗ lực miệt mài này, hành khách nói chung và du khách chọn đường sắt làm phương tiện di chuyển đã thấy sự cải thiện rõ rệt về cảnh quan môi trường nơi những đoàn tàu đi qua.

Du lịch đường sắt: Làm gì để viên ngọc tỏa sáng? (Bài 4) Xây dựng hình ảnh văn minh trên mỗi chuyến tàu... - Anh 2

 Ngành Đường sắt nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình thông qua nhiều phong trào như trồng cây ven đường sắt

Nhìn về tương lai tươi sáng

Vừa trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn, với hy vọng thoát lỗ trong năm nay và nhìn về tương lai tươi sáng những năm tới, nếu không có những con người gắn bó, tận tụy với nghề thì khó mà trụ lại bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Còn nhớ, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các năm 2020, 2021 ngành vận tải đường sắt năm 2020 lỗ nặng nề, ảnh hưởng không ít đến đời sống của người lao động. Cùng với đó năm 2021, việc chậm giao nguồn vốn quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã khiến hơn 11.000 người lao động thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục gặp khó khi bị chậm lương. Nhiều lao động đứng trước nguy cơ phải bỏ việc. Tuy nhiên, những nhân viên gác chắn, bảo trì đường sắt, nhân viên trên các đoàn tàu… dù ngày đêm vất vả, thu nhập chưa cao nhưng vẫn miệt mài làm việc. Họ nhìn về tương lai và hy vọng thời gian tới, với những đổi mới từ các dự án lớn của ngành đường sắt, sự cống hiến thầm lặng của họ để hành khách có những chuyến hành trình, trải nghiệm thú vị sẽ được đền đáp xứng đáng. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm đảm bảo vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải cả nước. Trong đó, Nhà nước sẽ ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030; các tuyến đường sắt đang khai thác, việc quản lý được thực hiện theo hành lang an toàn đường sắt; các tuyến đường sắt mới đã, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư sẽ được cập nhật và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ bố trí 15.924 tỉ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Trong giai đoạn 2026-2030, dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỉ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021-2030.

Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc quy hoạch, xây dựng và triển khai các dự án đường sắt thời gian tới, cùng với nỗ lực của tự thân ngành đường sắt, “viên ngọc quý đường sắt” sẽ được mài giũa và tỏa sáng nhiều hơn nữa.

QUẢNG XƯƠNG

 (Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc