Tạo thương hiệu điểm đến "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” - (Bài 1): Yên Bái - Ngạc nhiên và hấp dẫn hơn bạn tưởng

VHO - Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, các đề án phát triển du lịch của tỉnh và của một số huyện trọng điểm. Cùng với đó, để có thể sải những bước đi dài và vững chắc, biến tiềm năng thành kết quả cụ thể, Yên Bái đã định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên. Đồng thời nâng chất lượng sản phẩm du lịch (SPDL) hiện tại, phát triển sản phẩm mới có tính cạnh tranh; hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong khu vực, tạo ra tính hấp dẫn cao, xây dựng hình ảnh và “thương hiệu” điểm đến “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.

Tạo thương hiệu điểm đến

Bốn mùa ở Mù Cang Chải là bốn bức tranh phong cảnh kỳ vĩ, nên thơ thu hút du khách

“Yên Bái còn có nhiều điều thú vị, ngạc nhiên và hấp dẫn hơn bạn tưởng”. Đó là cảm nhận của ông Cao Đại Hùng, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khi ông có chuyến khảo sát và tham gia trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái cuối tháng 5.2023. Gìn giữ và tô điểm, làm cho tiềm năng sẵn có thêm quyến rũ cùng sự dung dị trong chính tâm hồn, con người cũng như vùng đất Yên Bái là sức hút tự nhiên đối với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Biến tiềm năng thành lợi thế du lịch

Ngoài cảnh quan nguyên sơ, thiên nhiên phong phú tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ của vùng núi cao, Yên Bái còn tự hào bởi tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia với Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng hương vị ẩm thực Tây Bắc độc đáo; con người Yên Bái thân thiện, mến khách… Những yếu tố đó đã trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng xanh, bản sắc, hấp dẫn với các SPDL chủ đạo: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, ...) ở bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh: Vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận; vùng du lịch miền Tây; vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên. SPDL đặc thù ở bốn vùng được tỉnh xây dựng với sự độc đáo và khác biệt so với các tỉnh trong khu vực bởi có sự tổng hòa giá trị tài nguyên du lịch và các nguồn lực riêng có của điểm đến, tạo điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách. 

Đã đi du lịch nhiều nơi, lần này anh Phạm Văn Lăng và những người bạn ở Hưng Yên đã lựa chọn Lau Camping Phình Hồ, huyện Trạm Tấu là điểm đến cho những ngày nghỉ cuối tuần. Mê mẩn với vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, anh Lăng chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng, không chỉ bởi quang cảnh, không gian thiên nhiên hòa vào mây trời rất đẹp mà những ngôi nhà nghỉ dưỡng, những chiếc lều được thiết kế, bố trí gần gũi thiên nhiên, mang đậm bản sắc, tôi rất thích. Thực sự xứng đáng khi chúng tôi đã dành thời gian và quãng đường dài để có trải nghiệm săn mây nơi đây”.

Bên cạnh tiềm năng lợi thế thì sự quan tâm của Trung ương và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy đã đưa du lịch tỉnh Yên Bái có bước phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp; cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng; một số khu, điểm du lịch được đầu tư hoàn thiện, đa dạng hóa SPDL, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế. Du lịch Yên Bái đã tăng cả về lượt khách và doanh thu. Năm 2022, tuy bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Yên Bái vẫn đạt mốc trên 1,5 triệu lượt khách du lịch, vượt 44,4 % kế hoạch năm, tăng 100,2 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Khách quốc tế đạt gần 30 nghìn lượt, doanh thu đạt 1.100 tỉ đồng, vượt 30,2% kế hoạch năm, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, du lịch Yên Bái đã đón gần 1 triệu lượt khách với doanh thu gần 725 tỉ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ.

Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch

Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc cùng di sản văn hóa đã được xếp hạng như: Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng cơm mới của người Mông…, Mù Cang Chải đã xây dựng và đưa vào khai thác một số loại hình du lịch phù hợp với địa hình, khí hậu, cảnh quan và văn hóa như: Du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe; du lịch khám phá; du lịch lễ hội. Trong đó, loại hình du lịch văn hóa là trụ cột trong phát triển du lịch của địa phương.

Tạo thương hiệu điểm đến

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ đẹp tựa một bức bích họa giữa đại ngàn Tây Bắc

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: “Thực hiện chủ trương xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch với triết lý là điểm đến “Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”, địa phương xác định lấy tự nhiên và văn hóa làm giá trị nền tảng, hướng đến xây dựng một nền du lịch xanh, hài hòa và bền vững”. Với thị xã Nghĩa Lộ - nơi có Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hội Hạn Khuống được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng nhiều nét tinh hoa của văn hóa bản địa đã tạo ra những SPDL đặc trưng của mảnh đất miền Tây “gạo trắng, nước trong”. Xây dựng du lịch từ văn hóa bản địa là mục tiêu mà thị xã Nghĩa Lộ đã và đang thực hiện để làm nên thương hiệu của thị xã miền Tây trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Cùng với thị xã Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải, huyện Văn Yên đang nỗ lực nâng cao chất lượng SPDL tâm linh đặc trưng để thu hút du khách đến với địa phương. Đặc biệt, với tiềm năng từ sắc thái văn hóa đặc trưng, độc đáo của 12 dân tộc cùng lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và vị trí địa lý, huyện cũng tập trung phát triển loại hình và SPDL sinh thái - cộng đồng. Với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông, Nà Hẩu chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Ông Giàng A Châu, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu chia sẻ: “Nà Hẩu đã có chín hộ đăng ký hoạt động du lịch cộng đồng. Điển hình có hộ ông Tráng A Nhà, thôn Trung Tâm đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để nâng cấp, tân trang ngôi nhà sàn thành 6 phòng nghỉ với đầy đủ tiện nghi và một số dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch trong nước và quốc tế…”.

Tạo thương hiệu điểm đến

Du khách thích thú khi chinh phục được đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu

Hay huyện Trạm Tấu, từ lợi thế về cảnh quan thiên nhiên với đỉnh Tà Chì Nhù và Tà Xùa 2.875m so với mực nước biển, huyện đã hình thành sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm tạo nên sự mới mẻ, ấn tượng cho du khách. Ông Vũ Lê Chung Anh, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: “Trạm Tấu đặt mục tiêu chung là phát triển du lịch xanh, hài hòa, bản sắc, bền vững và trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng góp phần xây dựng Trạm Tấu là “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”. 

Cụ thể đến năm 2025, Trạm Tấu tập trung phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du lịch, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các dịch vụ về lữ hành, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí… nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách tại các khu du lịch trọng điểm. Phấn đấu đón trên 120.000 lượt khách, trong đó 20.000 lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 9,4%/ năm”.

Yên Bái có nhiều lợi thế về phát triển du lịch, song phải thẳng thắn nhìn nhận, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn hạn chế; một số địa phương phát triển tự phát chưa đáp ứng được yêu cầu của phân khúc thị trường khách cao cấp; nhân lực còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao; chưa có nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn. Đặc biệt, SPDL vẫn mang tính mùa vụ... dẫn đến lượng khách tuy có tăng nhưng chưa cao. Mặt khác, Yên Bái chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược để đầu tư phát triển những khu du lịch mang tính động lực, có sức lan tỏa. Do đó, để hóa giải những “cái khó”, giúp du lịch Yên Bái “bứt phá”, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo điều hành, nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.

Chiến lược "Mỗi địa phương trong tỉnh một SPDL đặc trưng" trở thành đích đến để các huyện, thị, thành phố nỗ lực đổi mới, phát triển các SPDL sẵn có, đặc biệt là không ngừng tìm kiếm, xây dựng các sản phẩm mới để phát triển du lịch của địa phương theo hướng xanh, bền vững, ấn tượng và hấp dẫn.

THANH CHI

Ý kiến bạn đọc