AI sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật?

VHO- Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng tiến sâu vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, “địa hạt” từng được coi là bất khả xâm phạm của con người. Không ít ý kiến đã bàn đến viễn cảnh các lĩnh vực sáng tạo rồi đây cũng sẽ dần được “tự động hóa”, “AI hóa”!

AI sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật? - Anh 1

 Nữ ca sĩ ảo Ann đã ra mắt MV đầu tiên mang tên “Làm sao nói thương anh”

Liệu thế giới có còn cần nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia… nữa không khi mà trí tuệ nhân tạo có thể viết văn, vẽ tranh, sáng tác nhạc và tạo nên những bức ảnh? Chưa bao giờ câu hỏi về vai trò, vị thế của những người sáng tạo trong đời sống văn học nghệ thuật được đưa ra bàn thảo nhiều như hiện nay.

AI có thể sáng tác nhạc, thơ, biểu diễn…

Nam ca sĩ kỳ cựu Paul McCartney vừa cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tham gia sáng tác ca khúc cuối của The Beatles. Theo đó, trước khi qua đời vào năm 1980, huyền thoại John Lennon từng thực hiện băng cassette mang tên For Paul, gồm bản thu âm nháp (demo) một số ca khúc. Sau khi ông mất, vợ ông, bà Yoko Ono, tặng lại băng nhạc này cho Paul McCartney. Paul đã học theo đạo diễn Peter Jackson, dùng công nghệ bóc tách giọng John Lennon ra khỏi demo, từ đó làm thành bản phối của một ca khúc mới có đủ giọng hát của các thành viên The Beatles, dự kiến phát hành cuối năm nay.

Trước đó, trong phim tài liệu Get Back (2021), Peter Jackson dùng AI nhận dạng và trích xuất giọng John khỏi nhạc nền. Kỹ thuật này cũng giúp McCartney “song ca” với Lennon tại buổi diễn vào tháng 4.2022 trong một bản phối mới của I’ve got a feeling.

Có thể thấy, không chỉ ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống, AI ngày càng tiến sâu vào nhiều khía cạnh của văn hóa nghệ thuật. Trước đó, đầu năm nay, công cụ ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo gây sốt trên toàn cầu, thu hút hàng triệu người dùng. Ngoài khả năng như một công cụ tìm kiếm trực tuyến hay trợ lý ảo, thì chỉ cần nhận được vài dòng lệnh từ người dùng, ChatGPT có thể nhanh chóng tự động làm thơ, viết sách, thậm chí là sáng tác nhạc, tóm tắt kịch bản, kiến tạo nhân vật trong điện ảnh... Không chỉ viết tiểu thuyết, làm thơ, tại Nhật Bản, cuốn truyện tranh đầu tiên do trí tuệ nhân tạo sáng tác đã ra mắt tháng 3 vừa qua. Tác giả đã sử dụng các công cụ AI để minh họa các nội dung theo cốt truyện của mình.

Ở Việt Nam, trí tuệ nhân tạo cũng đã bắt đầu chinh phục “địa hạt” nghệ thuật. Chẳng hạn, Ann là nữ ca sĩ ảo được BoBo Studio tạo nên dựa trên thuật toán AI cùng kỹ xảo âm thanh sống động. Vào ngày 14.3, Ann chính thức ra mắt MV đầu tiên mang tên Làm sao nói thương anh, sáng tác mới của Kim Ngân do ca sĩ ảo thể hiện đã đạt hơn 208 nghìn lượt xem trên YouTube. Trong lĩnh vực âm nhạc, kỹ sư công nghệ Nguyễn Hoàng Bảo Đại cũng xây dựng mô hình AI giúp viết 10 bài hát trong 1 giây…

Vài năm trước, công chúng đã biết tới trí tuệ nhân tạo với Thơ Máy. Từ một số gợi ý, Thơ Máy có thể làm ra những bài thơ đọc có vần điệu, niêm luật chặt chẽ, cung cấp các cấu trúc thơ quen thuộc với người Việt Nam như song thất lục bát, lục bát, thất ngôn bát cú... Vừa qua, Zalo AI cũng phủ sóng mạng xã hội khi người dùng có thể dễ dàng truy cập tính năng này trên ứng dụng Zalo và có thể chọn lựa để AI làm thơ phù hợp với mục đích của mỗi người.

AI sẽ “lấn sân” sang lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật? - Anh 2

 Một bức ảnh do AI tạo ra Ảnh: ABSOLUTE AI

Nghệ thuật đích thực thăng hoa nhờ cảm xúc

Sự ra đời của người máy vẽ tranh, trí tuệ nhân tạo làm nên các bức ảnh “siêu thực” chỉ trong vài giây, sáng tác tiểu thuyết đoạt giải cao tại các cuộc thi văn chương... đang làm tăng lên những lo ngại rằng tương lai không xa, AI sẽ “lấn sân” lĩnh vực nghệ thuật cũng như thách thức những quan niệm về sự sáng tạo?

Nói về vấn đề này, họa sĩ Phạm Hà Hải cho rằng, AI đang được xem là công cụ giúp các tác giả thể hiện được ý tưởng của mình. Nhưng như vậy, chủ thể sáng tạo vẫn là con người, trí tuệ nhân tạo có vai trò là các thuật toán truy tìm, đề xuất và pha trộn dựa trên nguồn tư liệu do con người đã tạo ra trước đó. Điều đó cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo chỉ càng làm rõ hơn nữa vai trò của con người là sáng tạo.

Đồng tình với ý kiến trên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tuấn Ngọc cho rằng, tiến bộ của khoa học công nghệ cho phép chúng ta ngồi một chỗ gõ lệnh và sau vài giây nhanh chóng có một hình ảnh như ý muốn mà không phải đi tới địa điểm, chờ đợi trong nhiều giờ đồng hồ để “bắt” được một khoảnh khắc. Trong tương lai không xa, có thể sẽ có nhiều triển lãm nhiếp ảnh được ghi rõ ảnh do con người chụp, không phải ảnh do AI tạo ra. Vậy khi hình ảnh có thể tạo ra bằng nhiều cách như vậy, thì nhiếp ảnh gia có còn đóng vai trò không thể thay thế? Điều này nhắc chúng ta nhớ một thời nhiếp ảnh ra đời đã thay thế cho hội họa trong việc ghi lại hình ảnh cuộc sống. AI cũng sẽ thay thế cho nhiếp ảnh ở góc độ nào đó. Tuy nhiên, cũng như họa sĩ giỏi, hội họa có giá trị vẫn khẳng định được vị trí và tiếng nói riêng. Các nhiếp ảnh gia nếu không muốn bị trí tuệ nhân tạo “vượt mặt” thì phải luôn đổi mới, không ngừng nâng cao tư duy, kiến thức và tìm kiếm những ý tưởng mới và ngày càng sáng tạo hơn.

Nghệ thuật do AI tạo ra đang là một trong những phát minh vĩ đại của lịch sử đương đại. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành phương tiện tối ưu để phục vụ con người, giúp nghệ sĩ tăng khả năng sáng tạo, tuy nhiên không thể thay thế con người, đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lý giải: Văn chương nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung là sản phẩm và tiếng nói của tâm hồn, máy móc không thay thế được. Cho dù có những cỗ máy biết viết văn và làm thơ, có thể tạo ra sản phẩm theo khuôn mẫu được định sẵn, tuy nhiên, sáng tạo nghệ thuật hay sáng tạo văn chương chân chính chỉ có thể thăng hoa nhờ cảm xúc và sáng tạo không ngừng nghỉ của văn nghệ sĩ trước những vấn đề của thời đại. 

TRUNG NGHĨA

Ý kiến bạn đọc