Nâng cao nhận thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Những mô hình điểm ở các vùng, miền

VHO- Việc nhân rộng những mô hình điểm, với tinh thần lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, hướng đến xây dựng đời sống văn hóa tinh thần văn minh, lành mạnh, không còn những hủ tục đeo bám… đang là giải pháp được nhiều địa phương triển khai, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội.

Nâng cao nhận thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Những mô hình điểm ở các vùng, miền - Anh 1

 Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022 được tổ chức với nhiều điểm mới, an toàn, văn minh

Lấy mô hình điểm làm hạt nhân

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh cho biết, hưởng ứng phát động của Bộ VHTTDL về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua luôn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về bảo tồn di sản văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh. Theo đánh giá, cơ bản các đám cưới trên địa bàn đã thực hiện theo đúng quy định, tuy nhiên vẫn có một số đám cưới làm cỗ mời khách tràn lan, phô trương, hình thức, lãng phí. Về việc tang, tỉ lệ thực hiện hỏa táng, điện táng ngày càng tăng, giảm các hủ tục lạc hậu.

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, việc phát hiện và nhân rộng các các mô hình điểm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lành mạnh được xem là một giải pháp quan trọng. Theo ông Nguyễn Xuân Trung, cùng với các mô hình điểm về bảo tồn di sản như “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề làng tranh dân gian Đông Hồ”, “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát Trống quân”… môi trường văn hóa cơ sở tại vùng quê Kinh Bắc trong những năm gần đây ngày càng được chú trọng xây dựng, với sự xuất hiện của nhiều mô hình điểm trong xây dựng nếp sống văn minh.

Thôn Phú Mỹ (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) là một trong những mô hình điểm về duy trì và phát huy nếp sống văn minh trong việc tang tại Bắc Ninh. Đây là địa chỉ đi đầu trong thực hiện hỏa táng, đám tang đầu tiên của thôn thực hiện hỏa táng vào năm 2012 và từ năm 2014 đến nay 100% các đám tang trong thôn đều được tổ chức theo hình thức này. Bên cạnh đó, việc tổ chức đám tang của thôn cũng chú trọng thực hiện theo nếp sống văn minh. Từ năm 2012, các đám hiếu trong thôn không còn mời phường kèn mà dùng băng nhạc hiếu. Nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang lễ, thôn còn vận động các gia đình không rải vàng mã trên đường, ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, gần chục năm nay, việc làm cỗ, mời khách trong các đám tang đã không còn.

Cũng là mô hình điểm trong việc duy trì và phát huy nếp sống văn minh trong việc tang, Tuyên Bá là thôn đi đầu trong thực hiện hỏa táng của xã Quảng Phú và của huyện Lương Tài (Bắc Ninh). 100% các đám tang trong thôn đều thực hiện hỏa tang, thực hiện nếp sống văn minh. Để thực hiện tốt mô hình này, chính quyền và nhân dân trong thôn luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào các cuộc họp của thôn để nhân dân cùng tham gia, bàn bạc và đưa vào các quy ước, hương ước của thôn.

Tại Hải Phòng, cùng với các mô hình điểm nhằm duy trì, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo Sở VHTT TP Hải Phòng, việc tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đảm bảo các yếu tố trật tự, an toàn, tạo không khí vui tươi, hào hứng, trang trọng, tiết kiệm không để xảy ra những vấn đề phức tạp, nổi cộm. Các lễ hội truyền thống đã thực sự trở thành sinh hoạt tinh thần, nét đẹp văn hóa, có tác dụng giáo dục truyền thống, đạo đức, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Một số lễ hội đã gắn với việc quảng bá du lịch, tạo cơ hội thúc đẩy dịch vụ phát triển như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; Lễ hội kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải…

Đặc biệt, đối với lễ hội nhận được sự quan tâm của dư luận trong nhiều năm qua là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, công tác tổ chức có nhiều điểm mới, ghi nhận những chuyển biến tích cực. Tiếp tục mạch thể thao đầy tinh thần thượng võ của người Hải Phòng, lễ hội được tổ chức đáp ứng các tiêu chí văn minh, lành mạnh. Công tác bảo đảm an ninh trật tự; việc sắp xếp, bố trí lại khu vực giết mổ, kiểm soát thịt trâu chọi được đảm bảo, tránh phản cảm. BTC lễ hội chú trọng không để xảy ra hiện tượng thương mại hóa, khai thác nguồn lợi kinh tế làm sai lệch bản chất, ý nghĩa, nội dung của lễ hội.

Những bài học kinh nghiệm

Để có được những mô hình điểm, các thôn Phú Mỹ, Tuyên Bá của Bắc Ninh luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, Nghị quyết, quy định của Đảng, Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đồng thời, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào các cuộc họp của thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia, bàn bạc và đưa vào các quy ước, hương ước. Tạo sự đồng thuận từ cấp ủy Đảng, chính quyền đến nhân dân trong thôn, nhất là sự ủng hộ của những người cao tuổi trong các dòng họ…

Tại Hải Phòng, thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức lễ hội được các địa phương đặc biệt quan tâm. Công tác thanh, kiểm tra hoạt động lễ hội được tổ chức thường xuyên, kịp thời. Qua kiểm tra, Sở VHTT TP Hải Phòng đã trực tiếp hướng dẫn các BQL di tích, BTC lễ hội tăng cường quản lý, vận động nhân dân và du khách thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Các BQL di tích, BTC lễ hội cũng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là việc thực hiện nếp sống văn minh. Do vậy, các lễ hội không còn hiện tượng mê tín dị đoan, bói toán, xóc thẻ, cờ bạc trá hình, ăn xin…BQL di tích, BTC lễ hội cũng đã bố trí các hòm công đức phù hợp, tránh gây phản cảm. Hoạt động kinh doanh dịch vụ được bố trí sắp xếp ngoài khuôn viên di tích, có biện pháp thu gom rác thải, nghiêm cấm không kinh doanh các ấn phẩm, văn hóa phẩm trái phép, có nội dung mê tín dị đoan, không tổ chức đánh bạc trá hình, đổi tiền lẻ chênh lệch…

Tại Hà Nội, địa phương có mật độ dầy đặc các lễ hội, kinh nghiệm được chia sẻ cũng là chú trọng công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến về nhận thức và chuyển đổi hành vi của các chủ thể tham gia lễ hội. Đặc biệt, với các lễ hội lớn và thu hút đông du khách, giải pháp là tác động vào nhận thức của du khách, làm thay đổi hành vi, thói quen của người tham gia lễ hội; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về thực hiện chống lãng phí, mê tín dị đoan, kinh doanh vụ lợi trong tổ chức lễ hội.

Sở VHTT Hà Nội cũng nhấn mạnh giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội. Cùng với việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước là đẩy mạnh hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật, đảm bảo các yếu tố an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lễ hội. Đặc biệt, chỉ đạo xây dựng mô hình lễ hội hình mẫu, tổ chức phù hợp với truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh ở địa phương để tổng kết, nhân rộng. 

 Phú Thọ chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ

Nâng cao nhận thức trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội: Những mô hình điểm ở các vùng, miền - Anh 2

 Hội Phết Hiền Quan ngày càng được quản lý và tổ chức chặt chẽ, bài bản, không còn diễn ra nhiều cảnh tranh cướp phản cảm

Sau nhiều năm là điểm nóng bởi những lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, những mùa gần đây, Phú Thọ đã nghiên cứu, chuyển đổi hình thưc thực hành nghi lễ đối với các lễ hội này, có thể kể đến như lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (huyện Tam Nông) đã không tổ chức nghi lễ đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn. Lễ hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông) thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội, giới hạn khu vực chơi Phết. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được phương án đánh Phết đảm bảo yêu cầu, UBND huyện Tam Nông đã dừng hoạt động tranh phết từ năm 2020.

Bên cạnh đó, BTC các lễ hội trên địa bàn đều xây dựng các phương án đảm bảo cơ sở vật chất, tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông; đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội. PHƯƠNG THẢO

 

MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc