Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mường gắn với du lịch cộng đồng

VHO - Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) là địa phương có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giàu bản sắc của dân tộc Mường với nét văn hóa độc đáo như diễn xướng Chàm đuống, múa Chạm ống, diễn tấu Cồng chiêng, hát Ví, hát Rang, hát Cầu mùa…

Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mường gắn với du lịch cộng đồng - Anh 1

Lớp tập huấn được các nghệ nhân am hiểu văn hóa Mường trực tiếp truyền dạy

Long Cốc được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp thanh bình, thuần khiến. Nơi đây có hơn 90% dân số là dân tộc Mường với nhiều nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường, con người thân thiện đã trở thành yếu tố hấp dẫn du khách. 

Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, Sở VHTTDL Phú Thọ, UBND huyện Tân Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. 

Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mường gắn với du lịch cộng đồng - Anh 2

Các học viên trình diễn tiết mục múa khăn dân tộc Mường

Từ nhiều năm qua, người dân nơi đây đã được thừa hưởng những giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc do ông cha truyền lại với nhiều nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, lưu giữ như hát Mường, các trò chơi dân gian, đánh cồng chiêng, các phong tục tập quán bản địa. Xã Long Cốc đã và đang nỗ lực xây dựng các CLB văn hóa, văn nghệ dân gian nhằm khôi phục, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường.

Các CLB tích cực tham gia biểu diễn tại các lễ hội, Tết, sự kiện diễn ra ở địa phương và biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường, tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng, miền từ các CLB trong và ngoài tỉnh.

Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mường gắn với du lịch cộng đồng - Anh 3

Các học viên trình diễn tiết mục múa Chạm ống

Cùng với sự giao lưu, giao thoa, hội nhập văn hóa, các loại hình di sản văn hóa truyền thống không được tổ chức truyền dạy bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng; việc tổ chức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa còn giản đơn, chưa khoa học. Số người biết diễn xướng chàm Đuống, hát Ví, hát Rang diễn tấu Cồng chiêng, Chạm ống... theo các điệu cổ chưa nhiều, chưa đều khắp và có nguy cơ bị mai một.

Trong năm 2023, UBND huyện Tân Sơn đã triển khai thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” với các hoạt động như hỗ trợ tuyên truyền quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường trên địa bàn huyện, tổ chức lớp tập huấn các loại hình diễn xướng dân gian cho các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Mường, Dao trên địa bàn.

Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mường gắn với du lịch cộng đồng - Anh 4

Các học viên trình diễn tiết mục hát Ví 

Để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc xã Long Cốc, mới đây Sở VHTTDL Phú Thọ đã tổ chức lớp tập huấn mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho 30 học viên là thành viên của CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mường thuộc xã Long Cốc, huyện Tân Sơn nhằm mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng động trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch. 

Tại đây, các học viên được các nghệ nhân am hiểu các giá trị di sản văn hóa Mường trao truyền các kiến thức, kỹ năng cơ bản về diễn xướng dân gian diễn tấu Cồng chiêng, Chàm đuống, Chạm ống, các làn điệu hát Ví, hát Rang dân tộc Mường, các kỹ năng dàn dựng, xây dựng chương trình văn nghệ, tổ chức sinh hoạt CLB văn hóa dân gian phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Kết thúc lớp tập huấn các học viên sẽ nắm vững và vận dụng có hiệu quả những kiến thức đã tiếp thu để triển khai thực hiện việc bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Bảo tồn văn hóa dân gian dân tộc Mường gắn với du lịch cộng đồng - Anh 5

Các học viên trình diễn tiết mục diễn tấu Cồng chiêng

Với những lợi thế thiên nhiên ban tặng Long Cốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, cùng với việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là hướng đi góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Sở VHTTDL Phú Thọ, UBND huyện Tân Sơn cần chú trọng việc khích lệ, động viên các nghệ nhân- chủ thể nắm giữ các giá trị di sản văn hóa phổ biến, trao truyền cho thế hệ trẻ. Thường xuyên tổ chức các ngày hội, hội thi, hội diễn văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian, hỗ trợ thành lập các đội văn nghệ, CLB văn hóa, văn nghệ dân gian để bà con tăng cường giao lưu, trao đổi và giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, từ đó tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến trải nghiệm tại Long Cốc.

QUỲNH VY; ảnh NGUYỄN HOÀN

Ý kiến bạn đọc