Vi phạm bản quyền báo chí đang diễn ra nhức nhối

VHO - Đó là thực trạng được các chuyên gia, nhà báo chỉ ra tại phiên thảo luận Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 tại Hội Báo toàn quốc 2024 vừa diễn ra mới đây tại TP.HCM.

Vi phạm bản quyền báo chí đang diễn ra nhức nhối - Anh 1

Các hành vi vi phạm bản quyền báo chí trên mạng xã hội được báo Dân Trí chỉ ra

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đều cho rằng, nếu không bảo vệ được bản quyền báo chí, sẽ không thể khuyến khích nhà báo và các cơ quan, đơn vị đầu tư vào phát triển nội dung. Đây cũng là điều kiện tiên quyết bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí và thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.

Chế tài xử lý vi phạm bản quyền còn yếu ớt?

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên phân tích: Kể từ khi báo điện tử, trang tin điện tử ra đời, mạng xã hội bùng nổ… đã kéo theo sự biến đổi hoàn toàn bức tranh truyền thông đại chúng; nạn vi phạm bản quyền báo chí gần như đã bành trướng, áp đảo những “nhà sản xuất tin tức” chân chính.

Theo ông, sự dễ dàng và nhanh chóng trong việc sao chép thông tin từ các nền tảng số là tiền đề, rồi những quy định pháp lý bất cập cho phép các trang tin điện tử (có lúc núp bóng tạp chí điện tử) mọc ra như nấm, “trích dẫn nguồn tin” để kiếm tiền quảng cáo là cú huých hiểm. Tiếp đó, sự lớn mạnh theo cấp số nhân của các nền tảng mạng xã hội, thông tin báo chí miễn phí được chia sẻ tự do là cú đánh giáng thẳng vào báo chí có bản quyền. Ai mà biết được, với làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang trỗi dậy, liệu sẽ có một ngày những người làm báo mất nốt khả năng “chỉ mặt đặt tên” kẻ ăn trộm công sức lao động, bởi sự chiếm đoạt này đã nằm trong các dòng code, câu lệnh của những cỗ máy tự tổng hợp, tự viết, tự đăng?

“Trong không gian số, nơi mà mọi tài nguyên đều là tiền bạc, tài sản, là nguồn lực, cao hơn nữa là biểu hiện của chủ quyền quốc gia về tư tưởng và văn hóa, nếu trong những không gian này, chúng ta vẫn không thượng tôn được pháp luật về sở hữu trí tuệ, thì tác động dây chuyền của nó lại càng dễ thấy”, ông Toàn trăn trở.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân Trí nhận định, thời gian gần đây còn xuất hiện tình trạng các nền tảng mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí. “Rất nhiều bài do phóng viên chúng tôi thực hiện rất kỳ công, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã thấy xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội mà không hề dẫn nguồn. Hành vi vi phạm nêu trên đã phát triển theo hướng ngày càng tinh vi, đặc biệt trên các nền tảng sử dụng video ngắn như TikTok, Facebook Reels và YouTube. Nghiêm trọng hơn, nhiều trang mạng còn làm giả nội dung, cắt xén, thêm thắt rồi mạo danh các cơ quan, đơn vị uy tín, gây hoang mang dư luận”, Tổng Biên tập Báo Dân Trí nói.

Đặt ra vấn đề về bản quyền truyền hình, bà Huỳnh Thị Hoàng Lan, Phó Trưởng ban Ca nhạc (Đài Truyền hình TP.HCM) cho rằng, hiện nay pháp luật về sở hữu trí tuệ vẫn đang trên đường hoàn thiện, chưa có quy định chi tiết nên đôi khi gây mơ hồ trong cách hiểu và áp dụng. Bà Lan kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định về sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở cho việc thực thi bản quyền trên hạ tầng truyền hình và hạ tầng số; bảo đảm quyền lợi cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ bảo vệ bản quyền tại báo đài, xây dựng quy trình bảo vệ bản quyền chặt chẽ hơn nữa.

Vi phạm bản quyền báo chí đang diễn ra nhức nhối - Anh 2

 Sinh viên Báo chí - Truyền thông tại Hội Báo toàn quốc 2024

Cơ quan báo chí cần giữ thế chủ động

Ông Dương Quang, Phó Tổng Biên tập báo Người Lao động khẳng định: Trong vài năm gần đây, các cơ quan báo chí đã bắt đầu chủ động ứng phó với nạn vi phạm bản quyền, như thành lập tổ bản quyền, xây dựng mạng lưới cảnh giới và báo tin rộng khắp trên các nhóm mạng xã hội, phát hành thông tin cảnh báo chống ăn cắp, báo cáo kịp thời với Sở TT&TT địa phương về các trường hợp vi phạm, sử dụng phần mềm rà soát, phát hiện nạn lấy cắp tác phẩm… Ông Quang cũng đề nghị cần đưa vấn đề Bảo vệ bản quyền báo chí vào chương trình dạy và học của các cơ sở đào tạo báo chí trên phạm vi cả nước.

Nhà báo Phạm Tuấn Anh đưa ra bốn nhóm giải pháp để hạn chế tình trạng các nền tảng mạng xã hội vi phạm bản quyền báo chí, trong đó nhấn mạnh vào tinh thần chủ động của chính cơ quan báo chí. Theo ông, các đơn vị cần chủ động áp dụng giải pháp công nghệ để tự bảo vệ và cảnh báo khi tin, bài của bên mình bị lấy mà chưa được sự đồng ý. Chủ động đấu tranh công khai, trực diện các cá nhân và tổ chức có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần hình thành trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm có sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước…

Tổng Biên tập báo Thanh Niên đề xuất hình thành một liên minh bản quyền báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. “Liên minh phải thống nhất được những “luật chơi” có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo chứng cũng như đứng ra làm trọng tài phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài. Hoạt động của liên minh không chỉ mang tính hướng nội giữa các thành viên, mà cần bao gồm mục tiêu giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động chính sách về bản quyền báo chí…”, ông Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, nếu không bảo vệ được bản quyền báo chí thì không thể khuyến khích nhà báo và các cơ quan, đơn vị đầu tư phát triển nội dung. Bảo vệ bản quyền còn giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp chất liệu, giả mạo báo chí để lan truyền thông tin xuyên tạc, độc hại, sai lệch.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VHTTDL) khẳng định, trong bối cảnh công nghệ 4.0, vấn đề bản quyền ngày càng trở nên cấp bách. Trình bày hệ thống pháp lý liên quan đến vấn đề bảo hộ bản quyền tác phẩm báo chí, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền cho rằng, điều tiên quyết là bản thân các cơ quan cần có biện pháp rà soát dữ liệu đầu vào, bảo đảm “sạch và minh bạch” để tránh rủi ro về pháp lý về sau. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cũng cần quyết liệt trong việc áp dụng luật Bảo vệ bản quyền để tự bảo vệ chính mình. “Nếu không xử lý triệt để, việc vi phạm bản quyền sẽ trở thành thói quen. Vậy nên, cần có những hiệp hội, đại diện tổ chức, tập thể làm cầu nối để đứng ra bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí”, bà Oanh nhấn mạnh.

Các ý kiến thảo luận cũng đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật Báo chí, hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí, thúc đẩy hoạt động kinh tế báo chí phát triển, xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa nhà báo. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc