Nhà hát Tuổi Trẻ​​​​​​​: Khai thác những cách thức mới để tiếp cận khán giả

VHO - Liên hệ mua bản quyền tác giả ở nước ngoài; Thổi luồng gió mới để các tác phẩm kịch kinh điển trong nước và quốc tế đến gần hơn với khán giả; Xây dựng các vở nhạc kịch dành cho tuổi mới lớn; Tăng cường tiếp cận công chúng trên nền tảng mạng xã hội... những nỗ lực của Nhà hát Tuổi Trẻ đều hướng tới đích: Làm sao để phù hợp với thị hiếu, tâm lý của người xem. Đặc biệt, góp phần giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cho thế hệ trẻ.

Nhà hát Tuổi Trẻ​​​​​​​: Khai thác những cách thức mới để tiếp cận khán giả - Anh 1

 Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến đã có cuộc trao đổi cởi mở với Văn Hóa về những nỗ lực, những cách làm mới để mang đến quyền lợi tối ưu cho khán giả.

 P.V: Sân khấu kịch đang thưa vắng khán giả là một thực tế không thể phủ nhận. Đối thủ của sân khấu ngày càng mạnh hơn, đó có thể là điện thoại thông minh hay các nền tảng giải trí hiện đại… và việc khán giả ngại đến sân khấu, không mặn mà với sân khấu là một tất yếu. Nhà hát Tuổi Trẻ đã làm gì để đối diện với bài toán này, đặc biệt là việc bán vé doanh thu?

- NSƯT Sĩ Tiến: Thật ra bán vé chưa bao giờ là dễ dàng. Giai đoạn trước đại dịch Covid-19, Nhà hát đi diễn ở các tỉnh, thành rất nhiều, nhưng hiện tại, phải thẳng thắn thừa nhận rằng khán giả chưa thật sự trở lại với thói quen đến rạp hát như trước kia. Chúng tôi đang nỗ lực thay đổi điều này. Mới đây, khi Nhà hát lưu diễn tại Hà Tĩnh, người dân địa phương rất hào hứng và chia sẻ rằng, lâu lắm mới có đoàn diễn từ Trung ương về. Vì vậy, việc khảo sát các địa bàn, nắm bắt thị hiếu khán giả là điều mà chúng tôi quan tâm để đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Không khó để chúng tôi duy trì hoạt động biểu diễn định kỳ hằng tuần dựa vào lượng khán giả quen thuộc, đặc biệt là giới trẻ thường xuyên cập nhật thông tin biểu diễn trên các kênh truyền thông và mạng xã hội. Hiện nay, số lượng đặt vé trên hệ thống trực tuyến của Nhà hát chiếm tới 90% tổng lượng vé bán ra. Khán giả mua vé online có thể chủ động lựa chọn chỗ ngồi, thời gian, phương thức thanh toán mà không mất công đi lại. Mục đích của chúng tôi là tăng suất diễn hằng tuần thường xuyên từ 2 đến 3 suất/tuần.

Nhà hát Tuổi Trẻ​​​​​​​: Khai thác những cách thức mới để tiếp cận khán giả - Anh 2

 Rất nhiều gương mặt nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ đã thành công với các vai diễn trên truyền hình

 Nhà hát Tuổi Trẻ có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phù hợp với thị hiếu, tâm lý của tuổi trẻ, góp phần giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cho thanh, thiếu niên và nhi đồng… Đối tượng khán giả trẻ hiện nay có gu thưởng thức đa dạng và ngày càng cao, Nhà hát đã có những giải pháp gì để tiếp cận đối tượng này?

- Chúng tôi luôn quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu một nhà hát quốc gia với hơn 50% hoạt động biểu diễn là dành cho đối tượng khán giả thanh, thiếu niên, nhi đồng. Các vở diễn đều có ý tưởng, thông điệp tích cực, nội dung được chắt lọc, đánh giá kỹ càng những tác động đối với thế hệ trẻ. Ngay cả với hài kịch, ngôn ngữ và thủ pháp nghệ thuật cũng được điều tiết để không xa rời giá trị thẩm mỹ và giáo dục. Trong năm nay, Nhà hát sẽ đẩy mạnh phát triển marketing trực tuyến để truyền thông, quảng bá nghệ thuật. Tuy nhiên, hoạt động này cũng phải dựa vào chất lượng của tác phẩm, chúng tôi không lôi kéo khán giả bằng mọi giá, họ rất nhạy cảm, nếu nói sai, nói quá sự thật thì họ sẽ phản ứng và nghệ thuật sẽ đánh mất người xem. Nhiều năm nay, thông qua truyền hình, một số nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ đã trở thành “ngôi sao” trong lòng công chúng như Thu Quỳnh, Thanh Sơn, Lương Thu Trang... Họ đã tiếp nối truyền thống của Nhà hát, làm tốt vai trò cả trên sân khấu lẫn trên truyền hình. Sức hút của họ cũng giúp cho các vở diễn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Nhà hát Tuổi Trẻ​​​​​​​: Khai thác những cách thức mới để tiếp cận khán giả - Anh 3

 Nhà hát Tuổi Trẻ bền bỉ cho ra những tác phẩm phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ

 Việc mua bản quyền tác giả để dàn dựng cho một tác phẩm kịch nói là cách thức rất mới mẻ đối với những đơn vị sân khấu hiện nay. Phải chăng đây là hướng đi để làm phong phú kịch mục của Nhà hát Tuổi Trẻ?

- Đúng vậy. Nếu có kịch bản hay, phù hợp với tiêu chí nghệ thuật, Nhà hát Tuổi Trẻ sẵn sàng thương thảo để mua bản quyền. Năm 2022, Nhà hát đã có được bản quyền tác phẩm Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chile Luis Sepulveda với chi phí khá “dễ chịu”. Tác phẩm được khán giả nhỏ tuổi yêu thích và lượng vé bán khá tốt. Năm nay, chúng tôi tiến hành mua bản quyền vở Người lạ hoàn hảo, kịch bản gốc của Ý, được chuyển thể từ bộ phim cùng tên đã đạt kỷ lục “được làm lại nhiều nhất trên thế giới”. Việc liên hệ mua bản quyền kịch bản này không dễ dàng và chi phí cũng không hề rẻ, nhưng tôi tin chắc Người lạ hoàn hảo sẽ chinh phục được người xem với trải nghiệm nghệ thuật mới mẻ, đầy sức hút.

Vào dịp mùa thu hằng năm, Nhà hát Tuổi Trẻ thường tổ chức đợt công diễn các vở kịch “để đời” của tác giả Lưu Quang Vũ. Dù được làm mới hay phục dựng, những vở diễn đều được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng cùng khát khao sáng tạo của các nghệ sĩ khi đứng trước thách thức “cải tổ” chính mình trong việc ứng xử với những tác phẩm có tầm vóc. Đơn cử, cuối năm 2022, Nhà hát dựng vở Sống mãi tuổi 17 phục vụ Đại hội Đoàn toàn quốc với gần 1.000 đại biểu tới xem, và tại các diễn đàn của Đại hội đều nói về vở diễn với nhiều thiện cảm. Năm nay, Trung ương Đoàn phối hợp với Nhà hát đưa vở diễn này đến với thanh niên các tỉnh, thành cả nước. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc, Nhà hát Tuổi Trẻ đã phối hợp với Nhà hát SangsangMaru của nước bạn tổ chức cuộc thi Sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em mang chủ đề Câu chuyện của Việt Nam chạm tới thế giới với giải thưởng cao nhất trị giá 100 triệu đồng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tìm ra những tác phẩm kể câu chuyện của Việt Nam đủ sức lay động và chạm tới trái tim bạn bè trên khắp năm châu, trả lời cho câu hỏi “Bạn muốn kể gì với thế giới?”. Đây cũng là nguồn kịch bản mà Nhà hát Tuổi Trẻ kỳ vọng sẽ tạo nên những tác phẩm chất lượng phục vụ khán giả trong thời gian tới. 

 Chúng tôi luôn quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu một nhà hát quốc gia với hơn 50% hoạt động biểu diễn là dành cho đối tượng khán giả thanh, thiếu niên, nhi đồng. Các vở diễn đều có ý tưởng, thông điệp tích cực, nội dung được chắt lọc, đánh giá kỹ càng những tác động đối với thế hệ trẻ. Ngay cả với hài kịch, ngôn ngữ và thủ pháp nghệ thuật cũng được điều tiết để không xa rời giá trị thẩm mỹ và giáo dục.

(NSƯT SĨ TIẾN, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ)

 THÚY HIỀN - THANH MAI

 

Ý kiến bạn đọc