Ngành VHTTDL: Truyền thông chính sách giữ vai trò vô cùng quan trọng

VHO - Đó là nhận định tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật ngành VHTTDL năm 2023 (khu vực phía Nam) do Bộ VHTTDL tổ chức tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ngày 20.7. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL); đại diện các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên Huế trở vào.

Hệ thống văn bản pháp luật bám sát hoạt động thực tiễn của ngành

Tại đây, các đại biểu đã được tập huấn, phổ biến nội dung cơ bản trong công tác hoàn thiện thể chế pháp chế và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ban hành từ tháng 6.2022-6.2023; kinh nghiệm tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngành VHTTDL.

Ngành VHTTDL: Truyền thông chính sách giữ vai trò vô cùng quan trọng - Anh 1

Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại Hội nghị

Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) thông tin: “Lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch hiện nay đang có 8 Luật, 47 Nghị định, 35 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 250 Thông tư, Thông tư liên tịch điều chỉnh trực tiếp”. 

Nhìn chung, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện chủ động, hoàn thành đúng tiến độ kế hoạch đề ra, bám sát thực tiễn hoạt động của ngành, bảo đảm chất lượng, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước. Các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về công tác gia đình đã tạo cơ chế để xây dựng, duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thể dục, thể thao đã thể chế hoá đường lối của Đảng về phát triển thể dục, thể thao theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020. Từ đó, tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, tạo điều kiện cho thể thao thành tích cao phát triển, lập nhiều thành tích chưa từng có, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Hệ thống pháp luật về du lịch cơ bản đã đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài hoạt động du lịch; tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch.

Bộ VHTTDL được giao nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới 6 luật. Đến nay, có 3 luật đã hoàn thành vào năm 2022 (Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Còn lại 3 luật đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, rà soát (trong đó, 1 luật đang xây dựng là Luật Di sản văn hóa sửa đổi; 1 luật đang nghiên cứu, xây dựng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và 1 luật chưa đưa vào chương trình, đề nghị tiếp tục nghiên cứu là Luật Nghệ thuật biểu diễn).

Ngành VHTTDL: Truyền thông chính sách giữ vai trò vô cùng quan trọng - Anh 2

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định: “Đã là chính sách pháp luật thì cái nào cũng có tác động đến xã hội ở mức độ khác nhau, và về nguyên tắc, chính sách nào cũng cần được truyền thông. Tuy nhiên, những chính sách tác động lớn thì yêu cầu về truyền thông phải gắn với sự sống còn của chính sách”. Với ngành VHTTDL, mục đích cuối cùng của các chính sách là hướng về con người, về dân tộc và đây cũng là cội nguồn của những chính sách cơ bản của ngành. Do đặc thù, phần lớn các chính sách đều liên quan, tác động đến tinh thần của con người, không chỉ hiện tại, tương lai mà cả quá khứ, thậm chí cả truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm. Nhìn một cách tổng thể, các chính sách cốt lõi của ngành đều có tác động lớn đến xã hội, nhưng vì nó có tính trừu tượng nên không nhìn thấy ngay được kết quả hay hệ quả, mà có thể đến thế hệ sau mới nhận thấy được. Chính sách của ngành mặc dù tác động lớn, nhưng chưa thiết yếu, trực tiếp, nhận diện thấy ngay được trong xã hội, từng nhà, từng người như đi lại, ăn mặc, ở, y tế, giáo dục… Để đến được với nhân dân thì công tác truyền thông pháp luật giữ vai trò vô cùng quan trọng. 

Nhiều vướng mắc được đưa ra thảo luận, giải quyết

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra các ý kiến đóng góp, đề nghị điều chỉnh, sửa đổi một số Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật ngành VHTTDL. Đa số các đại biểu cho rằng: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa đã thể chế hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa vẫn còn những tồn tại cần được điều chỉnh. 

Ngành VHTTDL: Truyền thông chính sách giữ vai trò vô cùng quan trọng - Anh 3

 Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu

Đại biểu Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Thanh tra Phụ trách Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu nêu ý kiến: “Luật Thanh tra ngành văn hóa hiện nay còn chưa rõ ràng, nhiều điểm mơ hồ, nên công tác thanh tra ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo quy định trong thời gian tới các Sở sẽ không còn tồn tại cơ quan Thanh tra, nên chúng tôi khá hoang mang”. Theo ông Kiên, nhân lực thanh tra trong các Sở VHTTDL hiện nay khá mỏng, nhưng khối lượng công việc lại rất lớn. Vì vậy, kiến nghị Bộ VHTTDL có văn bản gửi UBND các tỉnh nên duy trì cơ quan thanh tra để thực hiện công tác thanh tra ngành hiệu quả.

Ông Nguyễn Trung Kiên còn cho rằng, công tác xét tuyển, thi tuyển viên chức trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hiện tồn tại vướng mắc, bất cập dẫn đến việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Ông Kiên đưa ra ví dụ, tuyển viên chức lĩnh vực nghệ thuật phải có trình độ trung cấp trở lên, thế nhưng khi tuyển dụng lại nảy sinh vấn đề, người có trình độ văn hóa cao lại không có năng khiếu nghệ thuật, ngược lại, người có trình độ văn hóa hạn chế thì năng khiếu nghệ thuật lại rất tốt. Mức lương của của viên chức ngành văn hóa quá thấp, dẫn đến khó tuyển dụng và thu hút người tài năng để cống hiến cho ngành.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở VHTTDL TP.HCM đề nghị Bộ VHTTDL cần sớm sửa đổi Nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài. Theo ông, một số quy định về điều kiện, thủ tục tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật biểu diễn tại Nghị định còn điểm vướng mắc, chưa chặt chẽ, rõ ràng… Nhiều đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Kiên Giang, Cà Mau kiến nghị nên quy định rõ hơn về điều kiện đảm bảo hoạt động dịch vụ như karaoke, quảng cáo, biểu diễn…

Ngành VHTTDL: Truyền thông chính sách giữ vai trò vô cùng quan trọng - Anh 4

Toàn cảnh Hội nghị

Giải đáp nhiều câu hỏi, thắc mắc của đại biểu, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái cho biết, muốn giải quyết tốt công việc, trước tiên chúng ta phải xác định được chức năng, nhiệm vụ của mình đến đâu để thực thi nhiệm vụ đến đó. Những vấn đề ngoài phạm vi thì phải xin ý kiến của Bộ VHTTDL. Phát biểu tổng kết, ông Phạm Cao Thái gửi lời cảm ơn những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu dự Hội nghị lần này, đồng thời ghi nhận, tổng hợp những ý kiến chưa thể trả lời gửi Bộ VHTTDL để có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. 

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc