Tình trạng tháp Chăm Khương Mỹ bị “muối hóa” sau gần nửa năm trùng tu: Hiện tượng khách quan và khó xử lý triệt để?

VHO- Liên quan đến tình trạng gạch tháp Chăm Khương Mỹ (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có hiện tượng “muối hóa”, rêu mốc trên bề mặt sau gần nửa năm trùng tu, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có báo cáo kết quả khảo sát và xác định nguyên nhân xuất hiện tình trạng trên.

Tình trạng tháp Chăm Khương Mỹ bị “muối hóa” sau gần nửa năm trùng tu: Hiện tượng khách quan và khó xử lý triệt để? - Anh 1

 Đơn vị thi công tiến hành vệ sinh bề mặt, chùi rửa những vị trí bị rêu muối tại tháp Chăm Khương Mỹ

Nguyên nhân xuất hiện hiện tượng nổi muối, rêu mốc và mủn bề mặt gạch trên bê mặt tháp được xác định là hiện tượng khách quan, xảy ra trên các tháp Champa nằm ở gần biển (tháp Khương Mỹ cách biển 7km theo đường chim bay). Hiện tượng này cũng xuất hiện ở các tháp Champa ven biển và trong khu vực ăn mòn khí quyển biển (tùy theo khoảng cách đến bờ biển) khi có sự xuất hiện của một số yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm…

Có hiện tượng “dịch chuyển” muối từ gạch cũ sang gạch mới

Theo báo cáo gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc di tích tháp Chăm Khương Mỹ), Viện Khoa học công nghệ xây dựng (đơn vị thi công) cho biết, cuối tháng 5.2023, sau khoảng 6 tháng dự án trùng tu tháp Bắc, tháp Giữa thuộc di tích Khương Mỹ được bàn giao, trên bề mặt khối xây được tu bổ có hiện tượng nổi muối trắng, nổi rêu xanh và một số bề mặt viên gạch phục chế bị mủn.

Nhận định ban đầu thì đây là hiện tượng có tính phổ cập và tồn tại ở mọi khối xây tháp Champa ở dọc khu vực ven biển. Viện Khoa học công nghệ xây dựng cũng đã thành lập đoàn công tác khảo sát một số tháp Champa dọc các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận để kiểm chứng, khảo sát nhận định trên. Ngày 21.6.2023, Trung tâm Tư vấn chống ăn mòn và xây dựng thuộc Viện này bắt đầu tiến hành nghiên cứu các mẫu gạch được đưa về từ ngôi tháp Bắc Khương Mỹ. Kết quả phân tích cho thấy, đất sản xuất gạch phục chế có hàm lượng muối hòa tan rất thấp nên không chứa tác nhân gây muối và mủn gạch. Gạch phục chế đưa vào tháp hầu như không chứa muối hòa tan vì vậy gạch phục chế không phải nguyên nhân để khối xây mới bị nổi muối và mủn. Trên bề mặt gạch cổ bị mủn ở tháp Khương Mỹ tồn tại lượng muối hòa tan rất cao và giảm dần theo chiều sâu. Có sự dịch chuyển muối hòa tan trên bề mặt từ khối xây cũ sang khối xây mới và tập trung ở khu vực tiếp giáp giữa 2 khối xây vì vùng tiếp giáp này thường xuyên duy trì độ ẩm lớn.

Trên bề mặt tháp Khương Mỹ tồn tại lượng muối rất lớn. Lượng muối này tràn vào bề mặt khối xây mới do dẫn ẩm và nước mưa theo chiều từ cao xuống thấp. Khu vực ăn mòn lây lan xuất hiện mạnh ở mặt ngoài khối xây, mặt trong tốc độ xâm lấn chậm. Vùng chịu tác động mạnh nhất của ăn mòn do muối hòa tan là vùng tiếp giáp giữa hai khối xây cũ và mới vì khu vực này thường xuyên duy trì độ ẩm lớn. Gạch sẽ bị mủn dần từ mép ngoài vào khối xây theo chiều rộng, sau đó mới dần ăn sâu vào khối xây theo thời gian.

Từ những thông tin ghi nhận tình trạng của tháp Khương Mỹ trước khi tu bổ về hiện tượng mủn gạch, nổi muối trắng, rêu xanh và sự xuất hiện trở lại của chúng ở các khối xây mới, có thể nhận định đây là hiện tượng có tính phổ cập và tồn tại ở mọi khối xây tháp Champa dọc khu vực ven biển và trong khu vực ăn mòn khí quyển biển (tùy theo khoảng cách đến bờ biển), nhất là khi có sự xuất hiện của các yếu tố liên quan như nhiệt độ (dao động quanh 32,5 độ C) và độ ẩm (dao động quanh 85%).

Tình trạng tháp Chăm Khương Mỹ bị “muối hóa” sau gần nửa năm trùng tu: Hiện tượng khách quan và khó xử lý triệt để? - Anh 2

 Hiện tượng “muối hóa”, rêu xanh xuất hiện ở những mảng tường gạch mới vừa trùng tu của khu vực tháp Giữa, tháp Bắc

Khó khắc phục triệt để tình trạng nổi muối, mủn gạch

Theo Viện Khoa học công nghệ xây dựng, hiện tượng nổi muối và mủn gạch là hiện tượng khách quan và gần như không thể khắc phục được nếu vẫn sử dụng giải pháp gia cường khối xây bằng gạch phục chế.

Đối với việc khắc phục hiện tượng mủn bề mặt gạch (phong hóa) hiện nay ở tháp Khương Mỹ, Viện Khoa học công nghệ xây dựng kiến nghị 3 giải pháp cần thực hiện song song, gồm: Vệ sinh định kỳ bề mặt khối xây phục chế để loại bỏ lượng muối bám trên bề mặt, giảm bớt nguy cơ muối tích tụ ăn sâu vào trong khối xây. Thay thế cục bộ một số viên gạch phục chế bị mủn ở vùng tiếp giáp giữa khối xây cũ bằng gạch nung già hơn tới nhiệt độ bắt đầu kết khối (khoảng 1.000-1.0500C); Tăng thời gian bảo hành công trình lên 3 năm. Ngoài ra, Viện này cũng đưa ra một số kiến nghị: Việc gạch phục chế sẽ bị mủn vì thế phải ghi rõ trong hồ sơ thiết kế, đồng thời cần phải quy định gia tăng hơn mức độ kết khối của gạch để đảm bảo tính chất cơ lý của gạch phục chế lớn hơn nhiều gạch cổ. Ngoài ra hồ sơ thiết kế cũng cần phải quy định rõ hơn về quy trình bảo trì định kỳ bề mặt khối xây gia cường để loại bỏ rêu mốc, thực vật và muối hòa tan trên bề mặt gạch. Đối với các dự án gia cường chưa thực hiện, tư vấn thiết kế cần đưa quy trình bảo quản chống thấm ẩm và rêu mốc toàn bộ tháp. Đối với chống rêu mốc nên sử dụng quy trình 4 bước. Khi thấy muối/vôi trắng xuất hiện nhiều trở lại thì cho bảo quản lặp lại.

Như Văn Hóa thông tin, chỉ sau nửa năm kết thúc Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc Khu di tích quốc gia tháp Chăm Khương Mỹ, trên bề mặt khối xây bằng gạch phục chế tại các khu vực tháp nói trên xuất hiện hiện tượng nổi muối trắng, rêu mốc và nổi vẩy, mủn gạch. Gạch mủn xuất hiện ở bề mặt vùng tiếp giáp giữa khối xây cũ và khối xây mới, tập trung ở vùng phía trên đỉnh. Bề mặt gạch nổi muối trắng xuất hiện ở nhiều chỗ, chủ yếu ở vùng bị ẩm, khô thay đổi. Rêu mốc trên bề mặt gạch xuất hiện nhiều ở khu vực thiếu ánh sáng, cửa và lòng trong của tháp, vùng tường bị ẩm ướt. Dự án được triển khai vào tháng 10.2019, hoàn thành vào tháng 12.2022, còn thời gian bảo hành một năm, do đó, những vấn đề phát sinh sau trùng tu sẽ được đơn vị thi công xử lý và công bố dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học cụ thể. Hơn 10 năm trước, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đã tiến hành tìm hiểu hiện tượng ẩm ướt tại tháp Khương Mỹ, đồng thời đưa ra nhận định dưới chân tháp Khương Mỹ có mạch nước ngầm. Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam (nay là Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam) cũng đã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi tỉnh khoan thăm dò làm rõ nguyên nhân. Kết quả, khi khoan xuống độ sâu 4 - 6m trên nền đất sét pha cát đã phát hiện mạch nước ngầm đi qua đế tháp. Đây được xác định là nguyên nhân chính gây nên việc thấm nước cụm tháp Chăm Khương Mỹ. Năm 2012, tỉnh Quảng Nam cũng đã triển khai dự án xử lý nước ngầm nhằm giảm mực nước ngầm tầng nông chảy qua 3 kiến trúc Chăm này.

Tuy nhiên, nền đất ở khu vực tháp Khương Mỹ khá ẩm, khối tường gạch dày nên không thể nào có biện pháp ngăn chặn hơi ẩm, hơi nước dưới đất thoát lên một cách triệt để. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc