Hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản thế giới

VHO –UBND tỉnh An Giang vừa làm việc với các chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) và các chuyên gia của Việt Nam về Chương trình khảo sát, đánh giá Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê (huyện Thoại Sơn) trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản thế giới - Anh 1

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các chuyên gia quốc tế ICOMOS đã giới thiệu tổng quan, kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học và việc quy hoạch khoanh vùng bảo vệ Khu Di tích khảo cổ  Óc Eo - Ba Thê. Theo đó, từ ngày 6 – 10.11, đoàn chuyên gia ICOMOS và các chuyên gia của Việt Nam đã khảo sát các bộ sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng An Giang, nhà trưng bày và kho lưu trữ hiện vật của Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc phát hiện, kiến trúc, chất liệu… các di vật nền văn hóa Óc Eo. Đồng thời, tiến hành thực địa tại các địa điểm di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang, để xác định niên đại cho từng lớp văn hóa, di tích, địa tầng từng giai đoạn phát triển, cũng như không gian, đặc điểm phân bố trong từng địa điểm di tích. Từ đó, xây dựng hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước ghi nhận và đánh giá cao phương pháp làm việc cùng các ý kiến quý báu của các chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế và các chuyên gia của Việt Nam trong việc khảo sát, đánh giá Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê. Đồng thời đề nghị Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các ngành khẩn trương chuẩn bị, cung cấp thêm các thông tin tới các chuyên gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO ghi danh là Di sản thế giới. Qua đó, đề nghị Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các ngành khẩn trương chuẩn bị, cung cấp thêm các thông tin mà các chuyên gia đã đặt ra.

Trong thời gian qua, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách và sự đầu tư quan trọng để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ, điều tra, bảo tồn và quy hoạch di tích được triển khai thực hiện tại Óc Eo - Ba Thê.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đó là xây dựng hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

Hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản thế giới - Anh 2

Chuyên gia quốc tế ICOMOS phát biểu tại buổi làm việc

Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê nằm ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; cách thành phố Long Xuyên 40km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Rạch Giá 40km về hướng Tây Nam.Là tên một gò đất trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê, thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Óc Eo đi vào lịch sử khảo cổ học Việt Nam như một vùng đất văn hóa khảo cổ đầy hấp dẫn. Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Mekong; đồng thời, nó còn có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ.Vùng này phân bố trên một khu vực rất rộng ở miền châu thổ sông Cửu Long, trong miền đất trũng Tây sông Hậu bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh An Giang (Óc Eo-Ba Thê), Kiên Giang (Đá Nổi, Nền Chùa, Tân Long), Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười), vùng ven biển Tây Nam (U Minh, Năm Căn) kéo đến vùng rừng Sác duyên hải (Cần Giờ, Giồng Am...) và vươn ra tận Biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau).

Ngoài ra, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, một phần Long An, Bình Thuận và TP.HCM.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo-Ba Thê thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Do sự phong phú của loại hình, sự độc đáo của chất liệu và vẻ đẹp rực rỡ của mỹ thuật chế tác nên ngay từ lúc bấy giờ, các di vật của văn hóa Óc Eo đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều học giả nổi tiếng người Pháp như G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier…Tuy nhiên công cuộc nghiên cứu văn hóa này chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944 và những năm sau đó. L.Malleret đã công bố kết qủa khám phá và nghiên cứu của mình trong bộ sách có nhan đề “Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long” lần lượt xuất bản từ 1959-1964. Công trình này được coi là thành tựu Khảo cổ học chủ yếu về Văn hóa Óc Eo cho đến trước năm 1975.

Trên cơ sở các cuộc khai quật vào năm 1944, Louis Malleret cho rằng cánh đồng Óc Eo là một thành thị cổ và đặt tên là thành thị Óc Eo hay thị cảng Óc Eo, có diện tích rộng tới 450ha với một tiền cảng có tên là Tà Keo, cách Óc Eo 12km về phía Tây Nam.

Hoàn thiện hồ sơ đề cử Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản thế giới - Anh 3

Di tích Gò Cây Thị B nằm trong quần thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê

Vùng này không chỉ có hình ảnh của một đô thị quy củ mà còn có nhiều dấu tích của một trung tâm tôn giáo-văn hóa lớn với 3 cụm quần thể kiến trúc là Vùng Linh Sơn Tự, vùng Đông Bắc núi Ba Thê và vùng Giồng Cát, Giồng Xoài. Trong các cuộc khảo sát và khai quật đã tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo các loại tượng to nhỏ, nhẫn, hoa tai, hạt đá quý, mã não, hạt thủy tinh, con dấu, bùa đeo, công cụ bằng đồng và bằng đá; các loại hiện vật bằng đất nung như dọi xe sợi, bếp lò, đĩa đèn, chậu, nồi, vò...Các sưu tập hiện vật của Óc Eo thể hiện tính phong phú và đa dạng của nền văn hóa này; tính bản địa, sự giao thoa và đan xen giữa các nền văn hóa trong khu vực cũng như với các vùng khác. Óc Eo là một di tích rất lớn, một trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long, một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự phát triển; một vốn quý và điểm chốt quan trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử văn hóa của đất nước và khu vực Đông Nam Á. Do đó, cần phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo - một di sản văn hóa -lịch sử quan trọng của Việt Nam nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.

HOÀNG CÚC

Ý kiến bạn đọc