Nghệ An hỗ trợ hơn 4,8 tỉ đồng hỗ trợ người trông coi di tích

VHO - Hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định trích ngân sách số tiền hơn 4,8 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ trông coi, bảo vệ tại các di tích đã được xếp hạng.

Nghệ An hiện có 2.602 di tích, trong đó, có 492 di tích đã được xếp hạng, gồm: 6 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 145 di tích cấp quốc gia, 341 di tích cấp tỉnh. Qua rà soát, tổng hợp, toàn tỉnh có 596 người trông coi các di tích đã được xếp hạng thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND, trong đó có 6 người ở các di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 197 ở các di tích cấp Quốc gia và 393 người ở các di tích cấp tỉnh.
Từ năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 5542/QĐ-UBND ngày 27.11.2015 về việc điều chỉnh và phân cấp trả phụ cấp bảo vệ di tích. Theo đó, định mức hỗ trợ chi trả phụ cấp bảo vệ di tích là 200.000 đồng/tháng đối với di tích cấp Quốc gia, 150.000 đồng/tháng đối với di tích cấp tỉnh. Mức chi trả này được coi là quá ít so với công sức, trách nhiệm người trông coi di tích. Dù vậy, những người trông coi di tích đã rất trách nhiệm, tâm huyết trong nhiệm vụ của mình. Ngày 1.12 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3961/QĐ-UBND về việc giải quyết kinh phí hỗ trợ đối với người trông coi di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó trích ngân sách số tiền hơn 4,8 tỉ đồng cấp bổ sung cho ngân sách các huyện, thành phố, thị xã để thực hiện chính sách hỗ trợ trông coi tại các di tích đã được xếp hạng theo Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND.

Nghệ An hỗ trợ hơn 4,8 tỉ đồng hỗ trợ người trông coi di tích - Anh 1

Đình Hoành Sơn, di tích Quốc gia đặc biệt ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, Nghệ An là một trong những đình có người trông coi được hỗ trợ để bảo vệ tại di tích

Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND quy định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho người trực tiếp trông coi tại các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ban/tổ quản lý di tích hoặc thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý các di tích có văn bản phân công nhiệm vụ. Đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt 1.000.000 đồng/người/tháng (mỗi di tích tối đa không quá 3 người). Đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia 700.000 đồng/di tích/tháng. Đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh 500.000 đồng/di tích/tháng. Đối với các cụm di tích (có từ 2 đơn vị di tích trở lên) thì mỗi đơn vị di tích được hưởng chế độ như các di tích nêu trên.

Bà Trần Thị Kim Phượng, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An cho biết: Qua tìm hiểu thực tế ở một số di tích trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy dù mức hỗ trợ rất ít ỏi, nhưng những người trông coi di tích đã rất trách nhiệm, tâm huyết trong nhiệm vụ của mình. Tại những di tích có người trông coi, dọn dẹp chu đáo thì tình trạng mất cắp hiện vật, xâm hại di tích được hạn chế, cảnh quan di tích sạch đẹp, một số di tích thiếu sự trông coi, bảo vệ thì có tình trạng nhếch nhác, xuống cấp. Bên cạnh đó, ở nhiều di tích, những người trông coi, bảo vệ còn rất am hiểu về lịch sử, văn hóa, về những phong tục, lễ hội gắn với di tích, sẵn sàng làm hướng dẫn viên cho khách tham quan. Như ở đình Hoành Sơn – Di tích Quốc gia đặc biệt ở trên địa bàn xã Khánh Sơn (Nam Đàn), có 2 cụ ông dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn thường xuyên túc trực tại di tích, quét dọn, đèn hương, dành thời gian trò chuyện, giới thiệu với khách tham quan về giá trị công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh của ngôi đình… Thời gian qua, các địa phương đã tiến hành rà soát, kiện toàn các tổ trông coi, bảo vệ ở các di tích, từ đó có tờ trình về việc đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ cho người trông coi di tích đã xếp hạng trên địa bàn. Đây là một chính sách quan trọng trong việc động viên, hỗ trợ cho người trông coi di tích, lực lượng quan trọng trong việc hỗ trợ bảo tồn di sản”.                                                                                                                                                                       

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc