Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại  di sản thành nhà Hồ (Thanh Hóa): Vướng mắc từ những mũi khoan khảo sát địa chất?

VHO - Nếu tính từ thời điểm HĐND tỉnh Thanh Hóa ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư, đến nay “Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại di sản thành nhà Hồ” đã chậm tiến độ so với thời gian thực hiện ít nhất là... 2 năm.

Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại  di sản thành nhà Hồ (Thanh Hóa): Vướng mắc từ những mũi khoan khảo sát địa chất? - Anh 1

 Một đoạn tường thành phía cổng Bắc đang bị “phình” ra

Nguyên nhân khách quan chiếm phần lớn, nhưng chậm vì yếu tố chủ quan cũng không ít, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc “ngăn chặn tình trạng xuống cấp, sạt lở trước tác động của thiên tai, thời tiết” của hệ thống tường thành đá nhà Hồ. Với những diễn biến tiến độ của việc chống đỡ cấp thiết tường thành đá như hiện nay theo hướng “phình” ra một số yêu cầu mới, tính chất chứa đựng sự phức tạp; nhiều trường hợp sẽ phát sinh những vấn đề khó lường trước, không biết dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết tường thành đá bao giờ mới được triển khai.

Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn...

Thực hiện nội dung văn bản của UBND tỉnh, ngày 3.1.2024, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã có buổi làm việc với phóng viên Văn Hóa xung quanh nội dung bảo tồn hệ thống tường thành đá di sản văn hóa thành nhà Hồ.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của di sản thế giới thành nhà Hồ, Sở đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản và đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Trong đó đáng chú ý, trên cơ sở bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của di sản được đảm bảo, UNESCO đã ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn di sản thành nhà Hồ...

Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại  di sản thành nhà Hồ (Thanh Hóa): Vướng mắc từ những mũi khoan khảo sát địa chất? - Anh 2

 Giải pháp gia cố chống đỡ tại vị trí tu sửa cấp thiết

Đối với “Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại di sản thành nhà Hồ” được Văn Hóa rất quan tâm, ông Hồng cho biết sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Sở đã ngay lập tức lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật (KTKT); lập dự toán chuẩn bị dự án, chỉ định đơn vị thẩm tra dự toán đầu tư. Sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn khảo sát, lập báo cáo KTKT đã khẩn trương tổ chức khảo sát; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung, giải pháp thiết kế lập hồ sơ báo cáo KTKT. Tiếp đó, trên cơ sở hoàn thiện hồ sơ báo cáo KTKT, Sở đã báo cáo UBND tỉnh trình Bộ VHTTDL và được Bộ thẩm định về chuyên môn lĩnh vực di sản tại văn bản số 2809/BVHTTDL-DSVH ngày 28.7.2022. Cũng theo ông Phạm Nguyên Hồng, ngày 27.10.2022 Sở có tờ trình đề nghị Sở Xây dựng Thanh Hóa thẩm định báo cáo KTKT đầu tư xây dựng công trình. “Trong quá trình thẩm định hồ sơ về chuyên môn xây dựng, Sở Xây dựng đã yêu cầu bổ sung báo cáo kết quả khảo sát địa chất làm cơ sở tính toán kết cấu hệ thống gia cố, chống đỡ. Vì thế, Sở có văn bản giao đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo KTKT dự án theo ý kiến của Sở Xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ báo cáo KTKT cho dự án đã gặp một số khó khăn, vướng mắc nên Sở đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Hồng cho biết.

Lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng cho hay, dự án có nhiệm vụ gia cố, tu sửa đối với công trình kiến trúc đặc biệt, liên quan đến kết cấu nền móng công trình nên việc tổ chức thực hiện cần phải được tính toán hết sức thận trọng, tránh sai sót trong việc lựa chọn phương pháp khảo sát (địa chất, địa hình); đánh giá hiện trạng, mức độ xuống cấp, sạt lở để đề xuất giải pháp tối ưu cho việc thi công tu sửa, gia cố không làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình. “Sở VHTTDL đã phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu theo hướng không tổ chức khoan trên mặt tường thành mà thực hiện lấy mẫu địa chất thủ công tại vị trí thuộc dự án tu bổ cấp thiết 15m tường thành đá, xin ý kiến theo quy định”, ông Hồng nói.

Qua nghiên cứu hồ sơ “Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại di sản thành nhà Hồ”, chúng tôi nhận thấy một vấn đề rất đáng được quan tâm nghiên cứu, xem xét dưới nhiều góc độ, đó là đơn vị tư vấn thiết kế của dự án cho rằng, việc tổ chức khảo sát địa chất phục vụ cho việc triển khai, thực hiện dự án là không phù hợp.

Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại  di sản thành nhà Hồ (Thanh Hóa): Vướng mắc từ những mũi khoan khảo sát địa chất? - Anh 3

 Lãnh đạo Sở VHTTDL làm việc với phóng viên Văn Hóa

Lưu ý: Dưới các tầng đất di tích dày đặc các di vật khảo cổ

Về nội dung thăm dò địa chất “Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại di sản thành nhà Hồ”, tại văn bản số 1023/SXD-HĐXD, Sở Xây dựng Thanh Hóa kiến nghị, di sản văn hóa thành nhà Hồ có quy mô lớn, kết cấu, kỹ thuật xây dựng công phu, dưới các tầng di tích nhiều di vật khảo cổ, hơn nữa nhiều đoạn tường thành đang bị hư hỏng, có nguy cơ sập, sạt lở. Do đó việc khảo sát địa chất để có cơ sở tính toán, lựa chọn phương án chống đỡ các đoạn tường thành đá có nguy cơ sạt lở là cần thiết. Để đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Sở Xây dựng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư (Sở VHTTDL) khẩn trương chỉ đạo nhà thầu thiết kế lập nhiệm vụ khảo sát địa chất đảm bảo theo quy định của pháp luật; khi lập nhiệm vụ khảo sát phải xem xét các kết quả khảo sát có liên quan được thực hiện trước đó cũng như kết quả khảo cổ di tích.

Trước đó, ngày 13.2.2023, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) có văn bản số 79/DSVH-DT gửi Sở VHTTDL Thanh Hóa về phương án khảo sát địa chất phục vụ lập báo cáo KTKT công trình gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá thành nhà Hồ. Cục Di sản văn hóa đã cho rằng, “việc khoan khảo sát cần hết sức thận trọng, bảo đảm không ảnh hưởng tới cấu trúc tường thành, các tầng khảo cổ dưới chân thành”. Đồng thời, để hoàn thiện hồ sơ, phương án khảo sát địa chất, Cục Di sản văn hóa đề nghị cần phải đánh giá tác động của quá trình thực hiện khoan khảo sát (di chuyển, tập kết, bố trí các phương tiện, máy móc, vật liệu, thi công) ảnh hưởng tới cấu trúc tường thành tại các vị trí được lựa chọn khoan và giải pháp giảm thiểu tác động tới tường thành cũng như hiện trạng di tích. Việc khoan khảo sát cần được thực hiện từng bước, có sự giám sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, để có sự điều chỉnh phù hợp trước khi triển khai các mũi khoan tiếp theo.

Dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết các đoạn tường thành đá có nguy cơ đổ sập, sạt lở tại  di sản thành nhà Hồ (Thanh Hóa): Vướng mắc từ những mũi khoan khảo sát địa chất? - Anh 4

 Nếu áp dụng những biện pháp "cần thiết" thì dự án gia cố, chống đỡ cấp thiết hệ thống tường thành đá di sản thành nhà Hồ sẽ bị chậm trễ. Trong ảnh: Một đoạn tường thành phía cổng Bắc đã bị phình ra (ảnh chụp tháng 10.2023) Ảnh: NGUYỄN LINH

Tuy nhiên, ở đây xin lưu ý, nếu các ngành chức năng cho rằng “việc khảo sát địa chất để có cơ sở tính toán, lựa chọn phương án chống đỡ các đoạn tường thành đá có nguy cơ sạt lở là cấn thiết” thì cũng cần phải cân nhắc kỹ trước ý kiến của Cục Di sản văn hóa: “Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ có quy mô, kết cấu, kỹ thuật xây dựng công phu, dưới các tầng đất di tích dày đặc các di vật khảo cổ, hơn nữa, nhiều đoạn tường thành đang bị hư hỏng, có nguy cơ đổ sập”. Nếu tiến hành khoan khảo sát địa chất tại 16 điểm sạt lở, xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng hệ thống tường thành đá thành nhà Hồ với hàng chục, thậm chí hàng trăm mũi khoan sâu vào lòng đất, lúc đó ai dám đảm bảo sẽ không bị “đụng độ” dưới các tầng đất di tích chứa dày đặc các di vật khảo cổ. Lấy một ví dụ, trong quá trình khai quật khảo cổ học, kết quả đã có nhiều sai lệch và phát sinh so với dự kiến ban đầu như trường hợp đối với khu Đông Thái Miếu dự kiến xây dựng là 1.000m2 nhưng khi khai quật nền móng đã lên đến khoảng 5.000m2.

Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là tại vị trí của hàng chục, hàng trăm mũi khoan sâu vào lòng đất, các ngành chức năng có tiến hành thám sát thăm dò khảo cổ trước khi triển khai thực hiện hay không. Nếu không thực hiện bước thám sát, thăm dò khai quật trước khi mũi khoan xuyên sâu vào lòng đất thì ai sẽ dám bảo đảm rằng ở dưới đó không có sự dày đặc các di vật khảo cổ. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định có liên quan, đây là bước đi quan trọng để tránh tác động gây ảnh hưởng đến di sản dưới lòng đất. Thêm nữa, hiện nay ở khu di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ vẫn chưa có bản đồ quy hoạch chi tiết khảo cổ học, và vì vậy không thể nắm bắt được dưới lòng đất ở đâu có di vật khảo cổ, chỗ nào không. Cũng bởi vấn đề này, Cục Di sản văn hóa đã đưa ra khuyến cáo hết sức quan trọng: “Việc khoan khảo sát cần hết sức thận trọng, bảo đảm không ảnh hưởng tới cấu trúc tường thành, các tầng khảo cổ dưới chân thành”.

Trên cơ sở khuyến cáo này, thiết nghĩ các Sở, ngành chức năng cần có sự tính toán kỹ lưỡng về giải pháp thực hiện khoan khảo sát địa chất, nếu sự việc đặng chẳng đừng thì cũng cần nghĩ đến phương án mời các nhà khảo cổ học đi trước một bước tiến hành thám sát, thăm dò để xác định dưới lòng đất có hay không có di vật, cổ vật, kiến trúc… sau đó mới cho đặt mũi khoan. 

 Nếu các ngành chức năng cho rằng “việc khảo sát địa chất để có cơ sở tính toán, lựa chọn phương án chống đỡ các đoạn tường thành đá có nguy cơ sạt lở là cần thiết” thì cũng cần phải cân nhắc kỹ trước ý kiến của Cục Di sản văn hóa: “Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ có quy mô, kết cấu, kỹ thuật xây dựng công phu, dưới các tầng đất di tích dày đặc các di vật khảo cổ, hơn nữa, nhiều đoạn tường thành đang bị hư hỏng, có nguy cơ đổ sập”. Nếu tiến hành khoan khảo sát địa chất tại 16 điểm sạt lở, xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng hệ thống tường thành đá thành nhà Hồ với hàng chục, thậm chí hàng trăm mũi khoan sâu vào lòng đất, lúc đó ai dám đảm bảo sẽ không bị “đụng độ” dưới các tầng đất di tích chứa dày đặc các di vật khảo cổ.

LÂM SƠN - NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc