Điện Cần Chánh dự kiến sẽ được phục hồi và tôn tạo trong vòng 4 năm

VHO - Chiều ngày 12.1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức cuộc họp báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” (Đại Nội Huế).

Điện Cần Chánh dự kiến sẽ được phục hồi và tôn tạo trong vòng 4 năm - Anh 1

Cuộc họp báo cáo dự án "Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh"

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư gần 200 tỉ đồng, được tổ chức thi công theo từng giai đoạn và sẽ triển khai trong vòng 4 năm. Dự kiến, quý IV năm 2024 sẽ khởi công dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh”.

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế, đơn vị tư vấn thiết kế dự án, cho biết: dựa trên các cơ sở khoa học từ sử liệu, Châu bản triều Nguyễn, kết quả khảo cổ, ảnh hiện trạng, ảnh tư liệu, công trình cùng thời kỳ đồng dạng và thông qua phương pháp Hình học họa hình để phân tích chiều cao và kiến trúc từ ảnh tư liệu (giai đoạn 1924-1943), từ đó xây dựng phương án phục hồi và tôn tạo phù hợp.

Cụ thể, về nền móng: Tháo dỡ toàn bộ bó vỉa nền, tận dụng tối đa vật liệu gốc; tháo dỡ nền móng chân đá táng đến độ cao thiết kế, chống mối và đào đất xung quanh công trình đến cao độ bó vỉa; gia cố nền tại bó vỉa bằng bê tông đá, xây phục hồi bó vỉa bằng gạch vồ vữa; gia cố chân móng đá táng, lắp đặt và cân chỉnh chân táng đá Thanh... Đồng thời, đào đất ngoài nhà và đổ cát, chống mối toàn bộ nền móng; xây phục hồi bậc cấp; gia cố toàn bộ nền nhà; phục hồi nền lát gạch hoa thời Thành Thái 1899; phục hồi chân táng quả bồng xuất hiện từ năm 1923 thời vua Khải Định...

Điện Cần Chánh dự kiến sẽ được phục hồi và tôn tạo trong vòng 4 năm - Anh 2

Nền móng của di tích điện Cần Chánh bên trong Tử Cấm thành

Phục hồi hệ tường bao hai bên tả hữu điện Cần Chánh bằng gạch vồ, vữa tam hợp;  phục hồi màu sắc theo màu sắc những công trình tương tự kết hợp với đối sánh ảnh tư liệu thời vua Khải Định.

Với hệ khung gỗ, sẽ phục hồi toàn bộ hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa ván, liên ba, cửa pano kính bằng gỗ lim nhóm II. Bảo quản chống ẩm lỗ mộng, vị trí tiếp xúc với khối xây bằng vật liệu chống ẩm; bảo quản chống mối toàn bộ cấu kiện gỗ bằng quét thuốc chống mối Cislin với dung môi dầu hỏa.

Phục hồi mái lợp ngói ống và ngói liệt hoàng lưu ly theo kiến trúc truyền thống; phục hồi bờ mái, tường cổ diềm bằng gạch chỉ, vữa TH75#, bả màu truyền thống; phục hồi trang trí con giống bờ mái theo phương pháp truyền thống… Đồng thời sơn son thếp vàng toàn bộ hệ khung gỗ, hệ mái và vách ván; đối với hai chái Đông - Tây thì phục hồi sơn son thếp bạc phủ hoàng kim.

Theo nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu, việc triển khai dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh” là rất cấp thiết và cần được thực hiện sớm. Đây là khu điện đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu hàng chục năm qua, trong đó nổi bật là các chuyên gia của Đại học Waseda, Nhật Bản.

Điện Cần Chánh dự kiến sẽ được phục hồi và tôn tạo trong vòng 4 năm - Anh 3

GS Hoàng Đạo Kính góp ý tại cuộc họp

GS Hoàng Đạo Kính cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để phục hồi điện Cần Chánh, bởi chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý báu trong tu bổ di tích nhiều năm qua, có nguồn lực tài chính phù hợp. Nếu không triển khai sớm thì ngày càng đẩy dự án xa hơn và sẽ gặp khó khăn hơn. Đây là công trình kiến trúc gỗ đặc trưng, nhưng nguồn gỗ bây giờ rất khan hiếm, phần lớn phải sử dụng gỗ của Nam Phi.

“Các công trình di tích ở Hoàng thành Huế mất mát nhiều nhưng chúng ta có cơ sở để phục hồi, để từ đó từng bước “kiện toàn” khối lượng di sản đồ sộ ở Huế, điều mà khu di sản nơi khác khó thực hiện được”, GS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.

Điện Cần Chánh được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long. Theo sử liệu mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có được, từ khi xây dựng đến khi bị phá hủy vào năm 1947, điện Cần Chánh đã trải qua 20 tu sửa lớn, nhỏ khác nhau. Đây là một trong những công trình nằm trên trục thần đạo của Hoàng thành Huế, cùng với Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung…

Điện Cần Chánh dự kiến sẽ được phục hồi và tôn tạo trong vòng 4 năm - Anh 4

Điện Cần Chánh được khai quật khảo cổ trong năm 2023 vừa qua

Đơn vị tư vấn dự án cũng thông tin về việc nghiên cứu khi hạ giải để trùng tu di tích điện Thái Hòa (xây dựng sau điện Cần Chánh 1 năm) và đã có nhiều so sánh, đối chiếu về sự tương đồng của hai công trình này. Qua đó, góp phần cho việc xác định được tiết diện các cấu kiện gỗ của điện Cần Chánh, độ dốc mái và đô thu thách bộ khung.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chủ đầu tư dự án, cho biết các ý kiến góp ý của các chuyên gia sẽ được tiếp thu, chọn lọc để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ của dự án trình các cấp thẩm quyền nhằm sớm triển khai dự án. Qua đó, góp phần phát huy giá trị của Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Dưới thời Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi nhà vua thiết triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng; đồng thời đây cũng là nơi tổ chức tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình. Theo sử liệu, trước khi bị phá hủy, điện Cần Chánh có kết cấu: chính điện có 5 gian và 2 chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc