Biến di sản thành tài sản văn hóa để phát triển bền vững

VHO - Vừa qua, Hội nghị triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030” đã được tỉnh Hòa Bình tổ chức, kết nối trực tuyến đến cấp xã. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Biến di sản thành tài sản văn hóa để phát triển bền vững - Anh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã biểu dương những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đạt được trong thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người; đồng thời khẳng định, việc triển khai Đề án là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, khẳng định quyết tâm chính trị và tinh thần hành động của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24.11.2021.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hòa Bình cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại; tiếp tục phát huy giá trị hai di sản văn hóa lớn là Mo Mường và nền Văn hóa Hòa Bình để nghiên cứu, lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa thế giới. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đó là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa có tính chiến lược, lâu dài.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Hòa Bình sẽ đạt được những kết quả đột phá quan trọng trong triển khai Đề án; phát huy cao độ giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của con người nơi đây, tiếp tục đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, Đề án có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Để thực hiện hiệu quả Đề án, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ tổng thể các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng. Trong quá trình thực hiện, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa là nhân dân; xây dựng, hoàn thiện cơ chế hợp tác bền vững giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Cộng đồng chủ thể. Hòa Bình cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số; tạo cơ sở bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Mường và các dân tộc anh em, trên nền tảng giá trị đặc sắc của nền văn hóa Hòa Bình. Tỉnh thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật, gắn với phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trong sáng tạo và trao truyền các giá trị di sản phù hợp với yêu cầu của thời đại mới; tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Biến di sản thành tài sản văn hóa để phát triển bền vững - Anh 2

 Tỉnh Hòa Bình hiện có 10 di tích khảo cổ về nền Văn hóa Hòa Bình tiêu biểu được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Hang Tằm, Hang Chổ (huyện Lương Sơn); Hang Muối, Hang Bưng (huyện Tân Lạc); Hang Khoài, Hang Láng (huyện Mai Châu); Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành (huyện Lạc Sơn); Động Tiên, Hang Đồng Thớt (huyện Lạc Thủy). Trong ảnh: Khu Di tích quốc gia Hang Xóm Trại, xã Tân Lập (huyện Lạc Sơn)

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là những mục tiêu quan trọng. Đề án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình.

Để thực hiện có hiệu quả Đề án, trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp thu ý kiến chỉ đạo và các tham luận tại Hội nghị để tổ chức triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, thiết thực. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các nội dung của Đề án... Hoàn thiện Hồ sơ khoa học di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Hang Xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú là Di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt, tiến tới xây dựng Hồ sơ khoa học di sản nền Văn hóa Hòa Bình đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản của nhân loại. Lập Dự án tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích khảo cổ quốc gia Hang Xóm Trại và Mái đá Làng Vành. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được phân công để hoàn thành mục tiêu Đề án theo đúng kế hoạch... 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 24.11.2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh nhằm nghiên cứu, đánh giá việc bảo tồn giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình, bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

Hội nghị là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của Cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.

(Ông BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình)

 THANH PHONG

Ý kiến bạn đọc