Phú Yên: Độc đáo kiến trúc di tích bằng đá vôi

VHO - Phú Yên có hệ thống lăng thờ cá coi rất nhiều và tiêu biểu lăng Hòa Lợi ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu là di tích thờ cá Ông điển hình ở tỉnh này. Độc đáo lăng Hòa Lợi được xây bằng vật liệu đá vôi, bảo lưu được nhiều ngọc cốt có giá trị lịch sử, văn hóa, đang là điểm đến thu hút khách du lịch vào dịp lễ hội cầu ngư.

Hòa Lợi thuộc xã Xuân Cảnh là vùng đất có bề dày lịch sử cùng chiều sâu văn hóa, với nhiều địa danh, cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng, có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên… Các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên kết hợp với di tích, lễ hội, hoạt động ngư nghiệp của ngư dân đã hội tụ thành lợi thế để Hòa Lợi phát triển du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa biển.

Phú Yên: Độc đáo kiến trúc di tích bằng đá vôi - Anh 1

Lăng Hòa Lợi được xây bằng vật liệu đá vôi, thời gian qua được chính quyền quan tâm tôn tạo để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch

Từ kiến trúc nhà ở, các thiết chế văn hóa, đến nghề truyền thống như: đóng, sửa chữa ghe thuyền, đan vá lưới, đánh bắt, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng… trong đó đặc sắc nhất là tín ngưỡng thờ cúng cá Ông làng biển Hòa Lợi đều thể hiện nét độc đáo của ngư dân văn hóa vùng biển miền Trung nói riêng và ngư dân cả nước nói chung .

Làng biển này có di tích lăng Ông thôn Hòa Lợi, với kiến trúc độc đáo được xây bằng vật liệu đá vôi và hợp chất vôi, cát có pha một số phụ liệu tạo độ bền vững rất cao. Lăng Hòa Lợi (hay còn gọi là lăng Ông thôn Hòa Lợi, lăng Ông Nam Hải) có mặt tiền quay về hướng Nam, nhìn về phía mặt đầm Cù Mông. Hiện tại, lăng Hòa Lợi đang lưu giữ 28 bộ ngọc cốt cá Ông, cùng 1 bộ ngọc cốt của Ông Tổ (Ông lụy đầu tiên) chôn sau chính điện và 3 bộ khác đang mai táng chưa lấy cốt.

Phú Yên: Độc đáo kiến trúc di tích bằng đá vôi - Anh 2

Tại lăng Hòa Lơi còn lưu giữ được nhiều ngọc cốt có giá trị lịch sử, văn hóa

Nhìn tổng thể những bộ phận kiến trúc chính của lăng gồm: Cổng, thành bao, bình phong, trụ biểu, nhà võ ca, tiền đường, chính điện, mộ cá Ông. Đặc biệt, kiến trúc di tích được xây bằng vật liệu đá vôi và hợp chất vôi, cát có pha một số phụ liệu tạo độ bền vững rất cao.

Theo ghi nhận của chúng tôi, di tích lăng Hòa Lợi nằm giữa khu vực đông dân cư, phía trước lăng là bến nước neo đậu tàu thuyền, trên bãi là nơi tập trung các loại ngư cụ của nghề biển. Từ phía đầm Cù Mông nhìn về hướng lăng có thể quan sát được toàn cảnh khu vực di tích lăng Hòa Lợi nằm ẩn mình dưới chòm dừa xanh và bóng cây cổ thụ.

Hiện chưa có cơ sở về tài liệu văn tự để xác định cụ thể thời điểm xây dựng lăng, nhưng theo Bảo tàng tỉnh Phú Yên thì di tích lăng Hòa Lợi đã có từ trước năm 1852, thời điểm vua Tự Đức ban sắc phong thần cho đối tượng thờ cúng ở lăng, vì chỉ khi có hoạt động thờ cúng và cơ sở thờ tự mới đủ điều kiện để vua ban sắc phong. Qua lời các cụ cao niên, lăng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII hoặc đầu thế kỷ XIX.

Do có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất Hòa Lợi sớm thu hút sự tập trung dân cư, hình thành làng ngay từ thời kỳ đầu khi người Việt vào khai phá vùng đất Phú Yên ở cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Tên gọi Hòa Lợi được sử dụng từ sau năm 1975 đến nay. Về hoạt động kinh tế, từ xưa đến nay, người dân Hòa Lợi chỉ tập trung làm nghề biển.

Phú Yên: Độc đáo kiến trúc di tích bằng đá vôi - Anh 3

Khu vực di tích lăng Hòa Lợi nằm ẩn mình dưới chòm dừa xanh và bóng cây cổ thụ

Lăng Hòa Lợi níu chân du khách đó chính là Lễ hội cầu ngư - một hoạt động văn hóa cộng đồng quan trọng nhất diễn ra tại di tích lăng Hòa Lợi hàng năm. Ông Dương Văn Sinh, người quản lý lăng Hòa Lợi chia sẻ: Tâm điểm thu hút du khách đến tham quan lăng Hòa Lợi là lễ hội cầu ngư. Lễ hội được tổ chức vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Phần hội trong lễ cầu ngư ở lăng Hòa Lợi kéo dài từ 1 - 3 ngày tùy vào điều kiện của ngư dân và vạn lạch mỗi năm, có trò diễn dân gian, hát tuồng, hát bội để nghệ thuật sân khấu truyền thống có điều kiện được duy trì, bảo tồn và phát huy.

Theo ông Sinh, Lễ hội cầu ngư là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất đặc sắc của các làng biển Phú Yên nói chung và ở Hòa Lợi nói riêng. Lễ hội cầu ngư ở Hòa Lợi phản ánh nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục của người dân địa phương, qua đó tình nghĩa xóm làng thắt chặt, tinh thần gắn kết cộng đồng được củng cố trao truyền. Bên cạnh đó, ngư dân thể hiện ước nguyện một năm mới mua thuận gió hòa, gia đạo bình an, thịnh vượng… hơn hết người đi biển gặp nhiều may mắn, bình an trở về sau những chuyến vươn khơi.  

Đề cập về công tác định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch của lăng Hòa Lợi, ông Lý Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh cho biết: Lăng Hòa Lợi được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Vì vậy, địa phương đã tiến hành cắm mốc bảo vệ vùng di tích, mỗi năm đều có kế hoạch tôn tạo, trùng tu di tích để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch mỗi khi có dịp thăm quan các thắng cảnh ở Xuân Cảnh và lễ hội cầu ngư tại lăng Hòa Lợi.

THẾ HỮU

Ý kiến bạn đọc