Thanh Hóa: Chấn chỉnh hoạt động làm sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

VHO – Liên quan đến hiện tượng vi phạm quy định của pháp luật cũng như vi phạm nguyên tắc trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản được UNESCO ghi danh, Sở VHTTDL Thanh Hóa vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Chấn chỉnh hoạt động làm sai lệch di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - Anh 1

Hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng thuộc di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế Engaging With Vietnam diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 2.8.2023 đã làm sai lệch di sản

Theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, trong thời gian qua, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về cơ bản đã tuân thủ được các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa, và đạt được một số kết quả tích cực; nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai được các đề án, dự án phục dựng và phát huy giá trị di sản, tôn vinh di sản; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang có hiện tượng vi phạm quy định của pháp luật cũng như vi phạm nguyên tắc trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản được UNESCO ghi danh: Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và có xu hướng gia tăng, thậm chí được thực hiện bởi một số Nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân đã tổ chức các hoạt động hầu đồng, hầu bóng không đúng bản chất, không gian thiêng của di sản, không đúng nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ “tính thiêng”, “tập tục”, “kiêng kỵ” của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản; làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể... chưa đảm bảo Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Một số nơi tự ý đưa các yếu tố văn hóa ngoại vào thực hành với di sản văn hóa truyền thống, nhất là trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, như: Âm nhạc, trang phục, đạo cụ, đồ lễ dâng cúng... Việc thực hành tín ngưỡng tùy tiện ở nhiều không gian chưa phù hợp như: Đình, Chùa, Miếu... người thực hành nghi lễ có biểu hiện lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, nội dung hát văn hầu đến vũ đạo… mang tính chất thương mại hóa, đưa màu sắc mê tín vào các giá đồng như: Sắm đồ lễ đắt tiền, được sản xuất nước ngoài, sử dụng tiền Việt Nam đồng mệnh giá lớn, số lượng nhiều để dâng lễ hầu, phát lộc...

Sở VHTTDL Thanh Hóa nhấn mạnh, những hiện tượng này đã và đang làm lệch lạc những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa. Hiện tượng lạm dụng đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường, rút quẻ, xem tướng số, một số thanh đồng lợi dụng việc “nhập thánh” phán truyền, gây hoang mang cho nhân dân để trục lợi, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trang phục trình diễn của các thanh đồng, cung văn đã và đang bị “hiện đại hóa” ít nhiều; không ít bộ trang phục, hoa văn trang trí mới đã được thiết kế mới, đưa vào hoạt động diễn xướng khiến cho người xem không nhận ra chủ nhân của các bộ lễ phục đó là vị thần nào trong văn hóa dân tộc của người Việt. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng giúp các thanh đồng “thăng bóng”, “nhập đồng”; nhưng gần đây đội ngũ cung văn xuất hiện không ít người mới học nghề dăm ba tháng gia nhập các ban cung văn ở các đền phủ, dẫn đến tình trạng biến dạng nhiều lời hát, vần điệu trong Hát văn... Với số lượng cung văn đông, cộng với thiết bị âm thanh chuyên dụng được mở hết công suất, không gian của từng cung hầu chật hẹp, cung nọ lấn át cung kia tạo nên khối tiếng ồn hỗn độn, mất đi vẻ tôn nghiêm nơi bản đền, bản phủ…

Sở VHTTDL Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn chấn chỉnh, rút kinh nghiệm từ những sự việc đã xảy ra; tăng cường công tác tham mưu, quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo đúng Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt và chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình cụ thể; gửi Sở VHTTDL để được hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ trước khi thực hiện đối với các hoạt động có quy mô lớn, quan trọng hoặc có tính chất nhạy cảm. Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, những hành vi làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc