Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Phát biểu tại phiên thẩm tra dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) vào sáng 3.5, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, dự án luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét.

Tham dự phiên thẩm tra của Uỷ ban VHGD của Quốc hội còn có các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD: Phan Viết Lượng, Tạ Văn Hạ, Nguyễn Thị Mai Hoa, Đinh Công Sỹ; các uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Uỷ ban VHGD; đại diện các Uỷ ban, Hội đồng của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành…

Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trình bày báo cáo dự án luật.

Ban soạn thảo đã vất vả đêm, ngày

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc - ảnh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của cơ quan chủ trì soạn thảo.

“Ban soạn thảo đã vất vả ngày, đêm để dự án luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét. Trong quá trình phối hợp thẩm tra dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý; có báo cáo tiếp thu, giải trình đối với các nội dung cụ thể”, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD đánh giá.

Đồng thời cho biết, để phục vụ cho công tác thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động ban hành kế hoạch, tiến hành thẩm tra theo quy trình, quy định; tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia về dự thảo Luật. Qua nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, có một số vấn đề cần tiếp tục được thảo luận kỹ lưỡng.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Di sản văn hóa(sửa đổi)

Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD cho biết, về sở hữu di sản văn hóa, so với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi “sở hữu nhà nước” thành “sở hữu toàn dân”; đồng thời xác định thêm 2 hình thức sở hữu “sở hữu chung”, “sở hữu riêng”.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung này. Việc quy định hình thức “sở hữu toàn dân” đã phù hợp chưa? Cơ quan nào có thẩm quyền xác định, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu? Cơ sở nào để giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có)?

Về khu vực bảo vệ di tích: Các ý kiến đều có sự thống nhất quan điểm cần phải quy định các biện pháp để bảo vệ di tích tại khu vực bảo vệ I (vùng lõi của di tích) và khu vực bảo vệ II (vùng đệm của di tích). Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích tại khu vực bảo vệ I, II có liên quan tới nhiều quy định tại Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...

Như vậy, mức độ bảo vệ, thẩm quyền quản lý đối với các khu vực bảo vệ nên được quy định như thế nào để vừa bảo vệ tối đa giá trị di tích, vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhu cầu chính đáng của người dân (nhất là các di tích đã có dân cư sinh sống).

Dự thảo luật đã được nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc - ảnh 3
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương báo cáo tại phiên họp

Trình bày báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề cập đến sự cần thiết xây dựng dự án Luật là nhằm thể chế hóa văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa và xây dựng pháp luật. 

Khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hoá 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hoá sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá 2009, như: Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật;

Rà soát các luật có liên quan trực tiếp với Luật Di sản văn hóa có quy định liên quan đến di sản văn hóa hoặc gián tiếp có liên quan để quy định trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Nội luật hóa các Công ước quốc tế, Chương trình về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tương thích và thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hoá sửa đổi là cần thiết, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc - ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Hải Nam góp ý cho dự thảo Luật

Về nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương thông tin, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị Luật.

Trong đó hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu đối với di sản văn hoá, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương; Quy định cụ thể nội dung phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Về các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý hồ sơ dự thảo Luật, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, về tính thống nhất với hệ thống pháp luật, Bộ VHTTDL đã rà soát dự thảo Luật với các Luật có liên quan như Luật Lưu trữ, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật Ngân sách nhà nước…

Bộ cũng đã tiếp tục bổ sung, rà soát một số Luật mới được ban hành như Luật Điện ảnh, Luật Thuế nhập khẩu, Luật Đê diều; Luật Doanh nghiệp, Luật Thư viện để xây dựng các quy định tại dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, khả thi; đồng thời, hoàn thiện Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc - ảnh 5
Các ý kiến ghi nhận sự cố gắng của ban soạn thảo 

Riêng đối với vấn đề giao thoa giữa Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ VHTTDL  đã chủ động nghiên cứu kỹ 2 Luật, rà soát, quy định rõ 3 vấn đề then chốt giải quyết giao thoa.

Về bố cục Dự thảo Luật, đối với vấn đề cân nhắc thêm việc tách thành 1 chương riêng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu vì di sản tư liệu là 1 loại hình của di sản văn hoá vật thể hoặc di sản văn hoá phi vật thể, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu và nhận thấy, di sản tư liệu là 1 loại hình di sản độc lập, nội hàm bao gồm cả 2 yếu tố vật thể và phi vật thể, mang giá trị về thông tin có tính lan tỏa tầm quốc gia và quốc tế; đồng thời, UNESCO cũng quy định di sản tư liệu là 1 loại hình di sản mang tính độc lập, thông qua Chương trình Ký ức thế giới để ghi danh di sản tư liệu thế giới và di sản tư liệu của các khu vực (châu lục).

Vì vậy, để bảo đảm tính tương thích với các Chương trình, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ VHTTDL đề nghị quy định di sản tư liệu trong một chương riêng; đồng thời, đã chỉnh lý, quy định rõ về khái niệm, tiêu chí nhận diện, các hình thức thể hiện để thấy rõ di sản tư liệu ko trùng lắp với các loại hình di sản văn hoá khác, cũng như rõ các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị (tại khoản 5 Điều 3 và các Điều từ 51 đến Điều 61 dự thảo Luật).

“Đồng thời, Bộ VHTTDL đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo các ý kiến góp ý tại Báo cáo Thẩm tra sơ bộ, ý kiến của các đại biểu, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao ban soạn thảo đã dày công xây dựng, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật. Các đại biểu cũng đã đóng góp cụ thể vào một số nội dung cần ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban VHGD Nguyễn Đắc Vinh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp, rà soát các vấn đề xung đột pháp lý giữa dự thảo luật Di sản văn hoá (sửa đổi) với một số luật khác, nhất là Luật Lưu trữ, Luật Khoáng sản như ý kiến của các đại biểu.

Ban soạn thảo cũng cần rà soát thêm các nội dung quy định về sở hữu, quy hoạch, về mức đãi ngộ của các nghệ nhân, về việc xếp loại và tổ chức bộ máy của bảo tàng, việc thành lập Quỹ di sản…