Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba

MINH HÀ; ảnh: NGỌC ÁNH

VHO - Tối 17.4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ TTTT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, UBND Thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - ảnh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ

Tham dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức hàng năm với mục tiêu không chỉ tôn vinh những người viết sách, làm sách mà sâu sắc hơn, tôn vinh bạn đọc, chấn hưng văn hóa đọc.

Bốn thông điệp của Ngày sách và văn hóa đọc năm nay: Sách hay cần bạn đọc, Sách quý tặng bạn, Tặng sách hay - Mua sách thật, Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe tuy giản dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc đều hướng đến mục tiêu này với mong muốn xuất bản góp sức mình vào xây dựng hệ tri thức dân tộc, phát triển đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong lần thứ ba tổ chức, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hướng đến 3 mục tiêu quan trọng. Đó là khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - ảnh 2

Các đại biểu tham quan những gian hàng sách được trưng bày tại khu vực Hồ Văn thuộc quần thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Phát biểu chỉ đạo chương trình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội, cũng như khắp mọi miền Tổ quốc góp phần thiết thực phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Để sách đến gần hơn bạn đọc, để tri thức ngày càng được lan tỏa, văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước, như Văn kiện đại hội XIII của Đảng đã khẳng định.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành, các cơ quan chủ quản xuất bản, các nhà xuất bản và các đơn vị liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với Bộ TTTT, Bộ VHTTDL, Hội Xuất bản Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc tiếp thu, bồi đắp tri thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách. Coi việc đọc sách là phương pháp tự học hiệu quả nhất, thiết thực nhất giúp chúng ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức làm người, từ đó có cái nhìn, tâm thế tích cực hơn về cuộc sống.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - ảnh 3
Những cuốn sách đạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 được trưng bày tại Hội sách

Thứ hai, chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong hệ thống nhà trường, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, tạo lập thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân. Quan tâm phát hiện, cổ vũ những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động có liên quan đến sách và văn hóa đọc đến hệ thống trường học, nhà văn hóa, điểm văn hóa, thôn bản, cộng đồng dân cư, các địa bàn cơ sở.

Thứ ba, tăng cường vận động sáng tác những tác phẩm, cuốn sách, công trình có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của bạn đọc. Khuyến khích xuất bản các sách hay, có giá trị, bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng bạn đọc và các tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển ngành xuất bản, quảng bá sách và văn hóa đọc.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách. Gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Khai thác, sử dụng các loại hình, phương thức xuất bản phẩm điện tử, sách tinh gọn, sách nói tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn.

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba - ảnh 4
Hội sách thu hút rất đông bạn đọc

Thứ năm, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về sách, nhất là sự kiện Ngày Sách và Bản quyền thế giới (ngày 23.4 hằng năm). Tổ chức các hội sách quốc tế và tham gia các hội sách ở nước ngoài để thu hút các đơn vị xuất bản lớn trong khu vực và thế giới. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm, tác giả của Việt Nam tới bạn bè quốc tế...

“Tương lai của đất nước thuộc về thế hệ trẻ giàu tri thức, ý chí và khát vọng. Văn hóa đọc phải là nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tự thân, tự học, tự trau dồi kiến thức, được thấm đẫm trong mỗi người, mỗi tế bào của xã hội, để tâm hồn chúng ta không ngừng được bồi đắp về tri thức và những giá trị nhân văn cao cả, trở thành công dân có ích cho đất nước, đủ tự tin để bước ra toàn cầu”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc