Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Vấn nạn xâm phạm bản quyền: Đau đáu câu chuyện nhận thức

Thứ Sáu 24/03/2023 | 11:09 GMT+7

VHO- “Giáo dục về bản quyền, quyền liên quan tới sở hữu trí tuệ cần được tiến hành từ trường học, các cấp học ở Việt Nam. Càng được học sớm thì càng ngấm sâu vào nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong thực thi bản quyền. Chúng ta phải coi thực thi bản quyền như thực thi luật an toàn giao thông; hậu quả của vi phạm hết sức nặng nề, làm như vậy mới tạo được hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nhận định như vậy trước tình trạng xâm phạm bản quyền đang ở mức báo động.

Nhiều trích đoạn phim truyền hình “Dưới bóng cây hạnh phúc” của VTV bị cắt ghép, đăng tải trái phép trên TikTok

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được coi là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và định vị thương hiệu quốc gia, thế nhưng, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang gặp không ít rào cản trong chặng đường phát triển do vấn nạn nghiêm trọng này.

Thất thoát hàng trăm triệu USD

Từ video, phim truyện, game, nội dung tin tức… tất cả đều có thể bị các đối tượng xấu cắt ghép, phát lại trên YouTube, Facebook, TikTok để lấy tiền quảng cáo. Chỉ cần bỏ ra 2-3 phút lướt mạng, khán giả có thể thấy hàng loạt video “nhào nặn” trái phép từ các bộ phim truyền hình đang phát sóng. Sau khi đơn vị sở hữu bản quyền bộ phim đăng tải các đoạn trích lên mạng xã hội, hàng loạt các kênh khác lập tức “ăn cắp” rồi che logo, bóp méo tiếng, làm mờ hình... để thu lợi bất chính. Chỉ tính riêng ngành sản xuất video của Việt Nam, có thời điểm đã bị thất thoát tới 350 triệu USD doanh thu vì bị vi phạm bản quyền.

Từ các nội dung này, nguồn tiền quảng cáo thu về được chia cho YouTube, Facebook, TikTok… và những kẻ chuyên đi “đạo” chất xám người khác. Còn cơ quan báo chí, cá nhân, tổ chức sáng tạo nội dung không được đồng nào, thậm chí còn bị thiệt hại rất nặng về kinh tế. Đáng lo ngại hơn, nhiều tác giả, chủ sở hữu còn “gồng gánh” thêm nỗi lo sản phẩm của mình bị bóp méo, xuyên tạc hoặc sử dụng vào các mục đích xấu khác…

Thực tế, khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Theo đó, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. YouGov, Công ty khảo sát người tiêu dùng Internet có trụ sở tại Anh vừa qua đã thực hiện khảo sát về hành vi người dùng tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, chỉ 50% số người được hỏi cho biết sẽ dừng hoặc truy cập ít hơn nếu biết trang web đó có lệnh chặn. Ngoài ra, cũng chỉ có 40% sẵn sàng trả phí để xem các nội dung hợp pháp và ủng hộ nội dung có bản quyền. Đây là những con số đáng báo động. Xem “lậu”, xem “chùa” về lâu dài ăn sâu vào nhận thức người dùng thì không còn ai muốn trả phí để xem nội dung bản quyền.

Cơ chế có, nhưng quan trọng vẫn là nhận thức

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 8.081 tỉ USD, chiếm 3,61% GDP vào năm 2018; mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động. Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với một thị trường sôi động, nhưng các ngành này đang gặp phải nhiều thử thách do vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ nghệ sĩ, những người làm sáng tạo nội dung, chủ sở hữu tác quyền... không ai không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hành vi vi phạm pháp luật trên.

“Việt Nam hiện đã có hệ thống quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Tuy nhiên, với tính chất xuyên biên giới của các hành vi vi phạm như hiện nay, dù có quy định nhưng khi triển khai vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Muốn vi phạm không xảy ra và không phải dùng quy định để xử lý thì vấn đề vẫn nằm ở nhận thức con người. Khi trao đổi với các chuyên gia nước ngoài, chúng tôi đều được khẳng định phải “đánh” vào nhận thức. Khán giả nói không với nội dung vi phạm bản quyền thì những nội dung này không thể tồn tại. Những kẻ sáng tạo nội dung không còn doanh thu từ vi phạm bản quyền cũng không muốn tiếp tục hành vi của mình nữa”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết và khẳng định, giáo dục nhận thức, chống vi phạm bản quyền là việc phải làm ngay, liên tục.

Tại khóa tập huấn về bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Cục Bản quyền tác giả tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, vi phạm bản quyền trên không gian mạng, xuyên biên giới ngày càng tinh vi. Họ sẵn sàng đổi tên miền ngay khi bị phát hiện. Mỗi lần xử lý vi phạm, cơ quan quản lý rất đau đầu vì nhiều nền tảng không có cơ quan đại diện tại Việt Nam nên việc xác minh gặp khó khăn. Chưa kể, quy trình ngăn chặn xử lý tại Việt Nam đang mất khá nhiều thời gian, từ 3 - 4 tuần hoặc có thể lâu hơn phụ thuộc vào tính chất. Thời gian này gấp đôi thời gian xử lý trung bình trên thế giới khiến chính chủ sở hữu quyền tác giả cũng mệt mỏi khi theo đuổi vụ việc.

Chỉ cần bỏ ra từ 50.000 đồng, người dùng đã có thể được xem những nội dung chất lượng cao, có bản quyền của cả các nền tảng trong nước và quốc tế. Vì vậy, cần nhận thức rõ việc xem, ủng hộ những nội dung được phát hành, phổ biến hợp pháp cũng chính là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bằng việc tự bảo vệ quyền lợi của mình, chúng ta đã góp phần vào việc chung tay chống vi phạm bản quyền, giúp ích sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và kinh tế quốc gia. 

ĐÌNH TOÁN - NGỌC QUỲNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top