Tự trọng để ngăn chặn “rác”

VHO - Cần phải nói ngay, “rác” ở đây là “rác” trên không gian mạng, những “phế thải” sản sinh trong thời đại công nghệ, ở góc độ nào đó có thể coi là mặt trái của sự phát triển.

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018 về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, người dùng vi phạm trên không gian mạng có thể bị ngừng cung cấp dịch vụ trên Internet.

 Nếu Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như một sự khuyến cáo người dùng hạn chế xả “rác”, giữ gìn môi trường trong sạch, lành mạnh cho không gian mạng; các quy định của pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm trên không gian mạng là hình thức, biện pháp xử lý, răn đe những hành động xả “rác” trên không gian mạng thì động thái tiếp theo đây cho thấy sự quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc ngặn chặn dứt điểm những nguồn “phế thải” không mong muốn trên môi trường Internet.

Lâu nay, những người dùng mạng xã hội nghiêm túc, có trách nhiệm, có văn hóa đã rất khó chịu, thậm chí bức xúc với rất nhiều những bài viết, những dòng “trạng thái” (status), những bình luận (comment) vô ý thức, kém văn minh nhan nhản khắp các nền tảng mạng xã hội. Không quá chút nào khi gọi những thứ đó là “rác” trên môi trường số. Từ những khoe khoang lố lăng, phát ngôn phản cảm, thậm chí gây sốc cho đến những bêu riếu, miệt thị, xỏ xiên, xúc phạm, thậm chí là chửi bới tổ chức, cá nhân... Nghiêm trọng hơn nữa là những thông tin bịa đặt, sai lệch, giả mạo (fake news) gây nhiễu loạn xã hội, những vấn đề vi phạm đến các quy định của pháp luật. Chủ nhân của những thứ “rác” này hết sức phong phú và đa dạng, đương nhiên là đủ mọi giai tầng, giới chức, thành phần trong xã hội bởi “cõi” này đâu của riêng ai. Thế nhưng có một thực tế đáng buồn đó là trong đó không ít những “người của công chúng”, những người có thể được coi là có tri thức, có văn hóa, những “nhà” này “nhà” kia...

Những nội dung được bàn luận cũng muôn hình vạn trạng, từ những câu chuyện vụn vặt đời tư, cá nhân cho đến những vấn đề vĩ mô, đại sự như chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, xã hội... Có một điều lạ là có những người bất cứ vấn đề gì cũng có thể đưa ra bàn luận, phán xét, thậm chí là quy kết theo lối quy chụp hết sức phiến diện cho dù thông tin chỉ được tiếp nhận gián tiếp hoặc lõm bõm theo kiểu “thầy bói xem voi”, có khi là hóng hớt trong lúc trà dư tửu hậu hay chính từ mạng xã hội. Bởi vậy nên không có gì nhạc nhiên khi mạng xã hội xuất hiện không ít những bài viết, những bình luận thể hiện sự nông cạn về kiến thức, hạn hẹp về thông tin, thiển cận về tầm nhìn trước nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hay thậm chí là xúc phạm nặng nề đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức. Trong đó, không hiếm những miệt thị, xúc phạm cá nhân (thậm chí với những người đáng tuổi cha, chú) bắt nguồn từ sự đố kỵ, hằn học, ganh ghét được đem lên không gian mạng “giải quyết ân oán” bằng thứ “vũ khí ngôn từ”.

Không thể phủ nhận có rất nhiều người đã sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin hai chiều hữu ích. Về mặt tiếp nhận, đó là nơi họ tiếp thu có chọn lọc thông tin, thậm chí nguồn tri thức cho bản thân. Ở chiều ngược lại, mạng xã hội là nơi họ bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ, thậm chí là quan điểm cá nhân một cách có trách nhiệm trước mọi vấn đề của đời sống, xã hội. Cũng từ đó, mạng xã hội còn là nơi cung cấp thông tin, là kênh dự báo, phản biện tích cực của người dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian qua đã có không ít những vụ việc nổi cộm được các cơ quan chức năng vào cuộc mà thông tin bắt nguồn từ mạng xã hội. Và cũng có vô vàn những câu chuyện truyền cảm hứng, những hành động đẹp trong xã hội, những truyện cổ tích giữa đời thường được lan tỏa từ những tài khoản mạng xã hội của những công dân có trách nhiệm với xã hội.

Trở lại vấn đề “rác” trên không gian mạng. Cổ nhân vẫn nói: “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe” hay “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Trước mọi vấn đề, sự vật, hiện tượng, biết tường tận, hiểu rõ ràng, thấu đáo hãy bàn luận, phán xét, còn khi chưa trực tiếp “mục sở thị” đừng nên “gái góa lo việc triều đình”. Đừng để sự bộp chộp, nông cạn, hời hợt kiểm soát lý trí. Khi định bêu riếu, xúc phạm, miệt thị ai đó hãy luôn nhớ rằng trên hết mọi hiềm tị, ganh ghét, hơn thua đó là đạo lý làm người. Tất cả mọi nỗ lực để ngăn chặn “rác” trên không gian mạng của cơ quan quản lý nhà nước dù quyết liệt đến đâu chăng nữa vẫn chỉ là các biện pháp hành chính, chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Gốc của vấn đề ở đây chính là hành vi ứng xử văn hóa, là trách nhiệm, là lòng tự trọng của những người dùng mạng xã hội. Trách nhiệm công dân thì quá rõ ràng, đó là thượng tôn pháp luật, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Tự trọng ở đây là tự trọng với bản thân, làm sao để những phát ngôn của mình đừng trở thành một thứ “rác” gây ô nhiễm cho xã hội. 

DUY PHONG

Ý kiến bạn đọc