Đà Nẵng: Đặc sắc lễ hội cầu Ngư quận Sơn Trà

VHO - Nhằm khôi phục, gìn giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tổ chức Lễ hội Cầu ngư năm 2024, lễ hội diễn ra từ 29 đến 31.3.

Chương trình chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá, 49 năm giải phóng Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Ngày 10 tháng 3 năm 2016, “Lễ hội cầu ngư Đà Nẵng” đã được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đà Nẵng: Đặc sắc lễ hội cầu Ngư quận Sơn Trà - Anh 1

Lễ hội cầu Ngư quận Sơn Trà được tổ chức từ ngày 29 - 31.3

Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà hằng năm được tổ chức luân phiên giữa 3 phường Mân Thái, Nại Hiên Đông và Thọ Quang. Năm nay, Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà được tổ chức tại Lăng ngư Ông cửa khẩu sông Hàn phường Nại Hiên Đông, lễ hội diễn ra trong 4 ngày với các nghi lễ truyền thống cùng nhiều hoạt động hội.

Trong đó, hoạt động hội mang đậm nét sinh hoạt, văn hóa dân gian của cư dân làng biển như: Hát Bài Chòi, Tuồng, hát Bả trạo, múa lân. Kết hợp với các hoạt động thể thao như: đẩy gậy, gánh cá, đan lưới, bơi thúng, kéo co... Đặc biệt là Giải đua thuyền truyền thống trên sông Hàn.

Ban Tổ chức cũng bố trí các gian trưng bày sản phẩm lưu niệm và đặc sản miền biển của nhân dân các phường ven biển trên địa quận để du khách có dịp tham quan, mua sắm.

Lễ hội Cầu ngư là lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam bộ nói chung, và các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng. Lễ hội nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, có công lập miếu, lập lăng thờ cá Ông. cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu, ngư dân có cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc.

Thông qua lễ hội góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phát huy nét đẹp văn hóa cộng đồng trong đời sống hiện đại, trở thành điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc