Viết tiếp những ước mơ trên mảnh đất anh hùng

ĐINH VŨ AN

VHO - Xuất phát tại trung tâm thành phố Hà Nội lúc 5h30 sáng, nhưng chúng tôi cũng chỉ kịp đón hoàng hôn trên đỉnh đèo Pha Đin và nghỉ đêm tại thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) để hôm sau tiếp tục hành trình khám phá mảnh đất Điện Biên lịch sử.

 Viết tiếp những ước mơ trên mảnh đất anh hùng - ảnh 1

 Khách du lịch thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Pha Đin - đại đỉnh đèo trong màu áo mới

Trên đỉnh đèo Pha Đin huyền thoại, Chuyện (Công ty du lịch Ratraco) xúc động kể với chúng tôi: “Thời trẻ, tôi may mắn được làm hướng dẫn viên cho nhiều đoàn khách quốc tế lên Tây Bắc, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ. Khách lên đây chủ yếu là khách Pháp thăm lại chiến trường xưa hoặc con cháu họ. Năm 2004, Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tôi cũng vinh dự được là một trong những hướng dẫn viên đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Đại tướng là Tổng Tư lệnh chiến dịch với tài quân sự xuất chúng đã chỉ huy quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”.

Ở vùng Mường Phăng, Điện Biên, người dân gọi Bác Giáp là ông nội. Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ suốt đời. Và năm nay, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đăng cai Năm Du lịch quốc gia với nhiều hoạt động, chắc chắn sẽ càng có nhiều du khách đến để nghe và tìm hiểu các câu chuyện về chiến thắng chấn động địa cầu, những mốc son chói lọi của lịch sử Việt Nam”.

Trong kháng chiến chống Pháp, một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Minh đi qua đèo này, đã khiến đèo Pha Đin trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 thanh niên xung phong “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của Việt Minh, suốt 48 ngày đêm ròng rã giặc Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin là một trong hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống. Trên đèo Pha Đin hiện còn tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử này.

70 năm đã qua đi, đất nước muôn màu đổi mới. Không còn cảnh hò dô kéo pháo vượt qua đèo, không còn những tháng năm loạn lạc, đau thương của chiến tranh. Ngày nay du khách vô cùng thích thú khi chinh phục ngọn đèo này và xếp Pha Đin là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc. Đặt chân lên đến đèo Pha Đin, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, các cung đường uốn lượn, với những dãy núi trùng điệp nhấp nhô, trải rộng khắp không gian.

Phóng tầm mắt xuống dưới thung lũng, thấp thoáng xa xa những bản làng, cảnh vật hiện ra như bức tranh huyền ảo. Đỉnh đèo ở độ cao hơn 1.000m, sáng sớm có chút se lạnh, gió mát, không khí trong lành, đến gần trưa bầu trời trong xanh, hoa lá, cảnh vật như khoác lên mình chiếc áo mới, cảnh sắc dưới ánh nắng càng tươi xanh, tràn ngập sức sống.

Buổi tối ấy, sương mù bao phủ thị trấn, chúng tôi ngồi quây quần quanh đống lửa bên ngôi nhà sàn của người Thái Đen ở Tuần Giáo. Tiếng của cô gái Thái đọc truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) đầy da diết: “Quảy gánh qua đồng ruộng/Người đẹp anh yêu cất bước theo chồng/ Vừa đi vừa ngoảnh lại/ Vừa đi vừa ngoái trông/Chân bước xa lòng càng đau nhớ… Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở/Đợi mùa nước đỏ cá về/Đợi chim tăng ló hót gọi hè/Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/Không lấy được nhau thời trẻ ta sẽ lấy nhau lúc góa bụa về già…”.

Huyện Tuần Giáo còn có tên gọi là Mường Quài, là địa bàn có con người đến cư trú từ rất sớm. Tại các di chỉ khảo cổ học ở hang Thẩm Púa, Thẩm Khương (xã Chiềng Sinh) đã tìm thấy các công cụ bằng đá. Qua thẩm định của các chuyên gia khảo cổ cho thấy, đồ đá này thuộc thời đại đá mới, với những đặc trưng của văn hóa Hòa Bình, mang phong cách của khu vực Tây Bắc.

Tại xã Mường Đăng đã phát hiện một chiếc trống đồng được xác định thuộc loại chuyển tiếp từ Heger II sang Heger IV. Tại bản Chá, xã Quài Nưa còn phát hiện được 7 cục đồng, mặt trên phẳng, mặt dưới cong theo hình lòng bát. Đây là nguyên liệu phục vụ cho việc giao lưu buôn bán có liên quan đến sự phát triển của nghề đúc đồng thời xưa. Người Tuần Giáo tự hào rằng, qua một quá trình dài thay đổi địa giới và tên gọi nhưng địa danh Mường Quài - Tuần Giáo vẫn mãi trường tồn với lịch sử.

 Viết tiếp những ước mơ trên mảnh đất anh hùng - ảnh 2

 Tủa Chùa mùa đẹp nhất trong năm

Điểm đến hấp dẫn trong tương lai

Đến Điện Biên hôm nay, có thể thấy, mảnh đất hào hùng này đã cố gắng thoát khỏi những hào quang trong quá khứ để phát triển trong tương lai. Trong đó, về du lịch, tỉnh Điện Biên chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với sắc màu đa văn hóa của các dân tộc, quan tâm đầu tư, khai thác phát triển du lịch. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai nhằm xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025.

Ngoài thế mạnh du lịch lịch sử, Điện Biên còn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe với hệ thống suối khoáng nóng, các homestay được đầu tư quy hoạch hay du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và trải nghiệm bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng tạo nên bức tranh tổng thể đa sắc màu có sức thu hút, hấp dẫn đối với du khách.

Điện Biên cũng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là: Du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên, huyện vùng cao Tủa Chùa có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp nông thôn. Khách du lịch dường như bị mê hoặc khi tới cao nguyên đá cổ Tả Phìn, hệ thống ruộng bậc thang, chợ phiên, hội xuân; hệ thống các hang động được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; quần thể 100 cây chè Tuyết Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại xã Sín Chải… Mỗi độ tháng 9, 10 ruộng bậc thang Háng Khúa - Sín Chải, cánh đồng Chéo Tính - Tả Phìn của Tủa Chùa vào mùa lúa chín đẹp như một bức tranh.

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: “Huyện Tủa Chùa đang tập trung khai thác thế mạnh vốn có, đầu tư phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm tạo dấu ấn đặc sắc cho du khách khi ghé thăm. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến để lan tỏa nét đẹp của du lịch Tủa Chùa đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, kết nối tour tuyến với các điểm đến khác hình thành các tour du lịch hấp dẫn”.

Nhiều tiềm năng du lịch khác cũng đang được các địa phương quan tâm, khai thác, phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Sở VHTTDL Điện Biên tập trung triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế và trong khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan để hình thành các tour, tuyến du lịch quốc tế và theo vòng cung Tây Bắc. Góp phần quảng bá, xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025.

Việc Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2024 - một sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, quy mô quốc gia và tầm quốc tế sẽ góp phần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng. 

Ý kiến bạn đọc