Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn

VHO - Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ VHTTDL đang tích cực xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 (Chương trình). Đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, sống còn, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 1

 Dự án bảo tồn tu bổ và phục hồi điện Kiến Trung (Đại nội Huế) từ nguồn chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: SƠN THÙY

LÀ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, được Bộ VHTTDL thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Triển khai các định hướng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội về việc “khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã rà soát, nghiên cứu các tài liệu về Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020; các tài liệu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Hội thảo 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam…

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 2

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT TƯ

Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ VHTTDL đã khẩn trương soạn thảo, gửi Công văn tới các Bộ, ngành, viện nghiên cứu… xin ý kiến về đề xuất chính sách làm cơ sở xây dựng Chương trình. Đồng thời, xin ý kiến các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chương trình, đề nghị các địa phương đề xuất nhiệm vụ cụ thể, kinh phí để đưa vào Chương trình.

Khẳng định việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cho đến nay, căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ VHTTDL đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, trong đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035).

Về nguồn kinh phí 350.000 tỉ đồng, Bộ VHTTDL khẳng định, cần nhìn nhận chính xác, khách quan về nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng cho những mục tiêu cụ thể nào, tránh tạo dư luận tiêu cực về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Theo đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035) sẽ được sử dụng để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng; đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.

Việc xây dựng Chương trình thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng. Bộ VHTTDL cho biết, trong thời gian tới, còn nhiều nội dung cần tiếp tục triển khai, gồm: Chính phủ thẩm định, trình Quốc hội Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Quốc hội thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình. Bộ VHTTDL lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.

Trong đó, căn cứ ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ VHTTDL hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình và dự thảo quyết định đầu tư chương trình gửi Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc xây dựng Chương trình là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành Văn hóa, thực hiện theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong quá trình xây dựng Chương trình, Bộ VHTTDL đã bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022.

“ĐÁNG LẼ CHƯƠNG TRÌNH NÀY PHẢI ĐƯỢC TRIỂN KHAI SỚM HƠN”

Trao đổi về Chương trình này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng cho biết: Trong các giai đoạn trước, đầu tư tổng thể cho văn hóa được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc vào năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp trung ương và địa phương và từ kinh phí nguồn sự nghiệp hằng năm (giai đoạn 2017-2021 chi chưa đến 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước) nên không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa, bảo tồn, nâng cấp các di tích văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học…

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 3

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD của Quốc hội Phan Viết Lượng

Trong thời gian qua, một số Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt có hướng tới mục tiêu an sinh xã hội nhưng chưa tạo được động lực, nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa một cách hiệu quả tổng thể. “Chính vì vậy, nhiều mục tiêu ngành Văn hóa đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trước đây cho đến nay vẫn chưa đạt được. Vì thế để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, cần sớm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trong xu thế mới hiện nay khi thế giới đang phát triển đa cực, phức tạp, bất định khiến cho những vấn đề liên quan về kinh tế, chính trị - xã hội, tư tưởng cũng sẽ bị tác động theo. Vì vậy yêu cầu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tôi rất mong Chương trình sớm được cơ quan chuyên môn xây dựng và Chính phủ sớm tham mưu để Quốc hội có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và cho ý kiến toàn diện, sâu sắc hơn. Chương trình được phê duyệt sẽ giải quyết được bài toán về nguồn lực để đầu tư cho con người là chủ thể để chấn hưng văn hóa và nguồn lực về tài chính để bảo tồn, tôn tạo các di tích, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang có nguy cơ xuống cấp và mai một”.

Tương tự, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng cho rằng, Chương trình là hết sức cần thiết bởi đầu tư cho văn hóa hiện nay còn quá thấp, phấn đấu đến năm 2030 mới đạt 2% GDP. Trong khi đó, văn hóa được xem vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển; các Nghị quyết của Đảng cũng đặt mục tiêu phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội.

Đầu tư cho văn hóa được hiểu ở quy mô rộng, từ thiết chế văn hóa, bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể, đầu tư cho con người, các hoạt động văn hóa nghệ thuật… Chỉ riêng thực tế về công tác bảo tồn, tu bổ hệ thống di tích đồ sộ (với hơn 10.000 di tích đã được công nhận) thì cần có nguồn kinh phí từ chương trình này, bởi hiện nhiều di tích rất khó huy động các nguồn lực xã hội hóa.

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 4

 PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch các Hội VHNT Việt Nam

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 2010-2020, riêng hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế đã có tiến hành bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo hơn 170 công trình, hạng mục công trình với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.433 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước gần 1.390 tỉ đồng; vốn tài trợ, xã hội hóa hơn 44 tỉ đồng. Hiện còn rất nhiều di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã và đang xuống cấp nghiêm trọng cần được bảo tồn, tu bổ; trong đó có các di tích đã được lập kế hoạch như: di tích Thái Miếu, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, di tích đàn Xã Tắc, điện Cần Chánh… Ngoài di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới là Quần thể Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế còn di tích cấp quốc gia đặc biệt hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; hệ thống đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) qua địa bàn tỉnh; và 89 di tích quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh; cùng nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể…

Từ sau năm 2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa (giai đoạn 2012-2015) để đầu tư cho công tác trùng tu di tích hằng năm đã không còn, trong khi Thừa Thiên Huế là vùng đất có hệ thống di tích dày đặc, quy mô lớn với nhiều loại hình di tích khác nhau và đòi hỏi nhiều nguồn lực. Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn sắp tới sẽ là cơ hội để các cấp Trung ương, Bộ VHTTDL quan tâm xem xét nâng mức đầu tư cho di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh để bảo tồn sự toàn vẹn di sản và phát huy giá trị phục vụ công tác đối ngoại văn hóa của Việt Nam.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng ban Thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội khẳng định: “Việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là thật sự cần thiết. Chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước.

Ở nhiều nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Thái Lan… họ đều có những chủ trương, chính sách để dồn lực cho giữ gìn, chấn hưng, phát triển văn hóa. Dù cách thức thực hiện khác nhau nhưng tinh thần đều giống với những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đáng lẽ chúng ta phải triển khai Chương trình này sớm hơn”.

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 5

 Đại biểu QH Nguyễn Thị Sửu

 

Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến sự phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung. Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chính là sự cụ thể hóa sự quan tâm đó. “Nhờ có Chương trình, giới văn nghệ sĩ sẽ có thêm động lực sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Các cuộc thi, trại sáng tác văn học, nghệ thuật và chương trình nghệ thuật quốc tế ở Việt Nam sẽ có cơ hội được tổ chức thường xuyên hơn nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, giới văn nghệ sĩ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của thế giới. Đồng thời, một hệ sinh thái phát triển văn học, nghệ thuật với các hoạt động tổ chức giảng dạy, không gian nghệ thuật, nhà ở nghệ thuật… sẽ được hình thành. Nền văn học, nghệ thuật nước nhà cũng từ đây nhận được “cú hích” để phát triển bài bản, chuyên nghiệp hơn”, nhà thơ Đoàn Văn Mật chia sẻ.

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 6

Nhiều Di tích quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt… đang xuống cấp trầm trọng, phải đối diện với áp lực ngày càng lớn trong việc trùng tu, tôn tạo trong khi nguồn kinh phí gần như chưa có. Trong ảnh: Di tích quốc gia đặc biệt Km số 0 ở Nghệ An mòn mỏi chờ nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Ảnh: PHẠM NGÂN

“ĐỪNG NÊN CHỈ NHÌN ĐỒNG TIỀN MÀ CÁI CHÍNH LÀ SỬ DỤNG NÓ NHƯ THẾ NÀO”

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Đừng nên chỉ nhìn đồng tiền ở số lượng mà cái chính là sử dụng nó như thế nào cho đúng mục đích; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tạo ra cú hích và bước đột phá để phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra.

Như ý kiến tôi đã phát biểu tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc về Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, tôi đã khẳng định sự cần thiết xây dựng Chương trình này, nói đúng hơn là cấp thiết.

Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, trong đó có bài phát biểu hết sức quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn…”. Sau sự kiện văn hóa nổi bật này, năm 2023, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943). Trong quãng thời gian hơn hai năm qua nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa được các cấp ủy, chính quyền và cả xã hội quan tâm đầy đủ và sâu sắc hơn. Đã có những chuyến biến rõ rệt và đáng mừng. Tuy nhiên, vấn đề thể chế hóa, cụ thể hóa, tạo nguồn lực cho văn hóa phát triển cần được quan tâm hơn nữa.

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 7

 TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế

Có một điều mọi người đều thấy, đều nêu ý kiến là đầu tư cho văn hóa những năm qua và hiện nay đang ở mức thấp. Muốn tạo được bước chuyển, nhất là bước đột phá thì không thể “tay không bắt giặc” mà phải có nguồn lực, phải có tiền. Nguồn lực này phải có đầu tư có trọng điểm, ra tấm, ra miếng chứ không thể đầu tư nhỏ giọt, dàn trải, rồi không tạo ra cú hích. Nói đến văn hóa là nói đến con người, đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển.

Gần đây chúng ta đều chung nhận thức, quan điểm là phải đầu tư nhiều hơn cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa phải tương xứng với sự phát triển của kinh tế… Nói rõ hơn và giản dị hơn, mỗi bước đi của kinh tế phải coi trọng bước đi tương ứng và phù hợp của văn hóa. Có không ít người quan tâm, lo lắng khi ngân khố quốc gia chi ra một khoản tiền khá lớn cho văn hóa. Suy nghĩ, lo lắng của họ cũng có phần đúng vì chúng ta đã có những bài học nhỡn tiền về đầu tư công. Với tôi, bằng suy nghĩ bình tĩnh, bằng sự soi xét thấu đáo, tôi cho rằng đừng chỉ nhìn đồng tiền ở số lượng mà cái chính là sử dụng nó như thế nào cho đúng mục đích; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tạo ra cú hích và bước đột phá để phát triển văn hóa, xây dựng con người trong triển khai thực hiện.

Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam: Đáng lẽ phải được triển khai sớm hơn - Anh 8

 Nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng ban Thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng đã được Văn Hóa đăng tải trong số báo này. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng: Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 là một công việc hệ trọng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đây là công trình thế kỷ, sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, không phải là nhiệm vụ của riêng một Bộ, ngành nào.

Tôi cho rằng con số 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035) trên phạm vi cả nước của Chương trình không hề lớn, nếu đầu tư đúng và trúng trọng điểm. Nếu ai đó cho là nhiều thì họ cần hiểu đầu tư cho văn hóa là đầu tư chiều sâu đòi hỏi phải có thời gian dài. Các sản phẩm về văn hóa cũng không thể nhìn cụ thể kiểu như sản phẩm nghiệm thu, quyết toán hằng năm được. Không thể mang các sản phẩm văn hóa ra để đong đếm như các lĩnh vực khác trong xã hội”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh. 

NHÓM P.V

Ý kiến bạn đọc