Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống"

VHO- Nằm ở phía Nam của tỉnh Nam Định, Xuân Trường là huyện có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Keo – Hành Thiện và các di tích, di sản của huyện, những vùng văn hóa dân gian cổ truyền… đã tạo nên vùng đất văn hiến, nơi lưu giữ nhiều giá trị tư tưởng, đạo đức giàu tính nhân văn.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

 Bơi chải ở làng Hành Thiện

Những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống đặc trưng, đậm nét của vùng đồng bằng Bắc Bộ của các di sản của huyện Xuân Trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Nam Định “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”, Huyện Xuân Trường luôn đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn để tập trung phát triển; nhất là thường xuyên quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, coi đây là động lực để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Xuân Trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trưởng phòng VH-TT huyện Đinh Văn Trâm cho biết: “Hiện Xuân Trường có 113 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 41 di tích được xếp hạng, gồm 1 di tích Quốc gia đặc biệt (chùa Keo, Hành Thiện), 9 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội chùa Keo Hành Thiện).

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

Tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh tại trung tâm huyện Xuân Trường

 Trên địa bàn huyện còn có nhiều di tích, công trình tôn giáo, các nhà thờ tổ… đậm nét kiến trúc đặc trưng, có giá trị văn hóa đặc sắc. Các di tích đã và đang được đầu tư, cải tạo, nâng cấp ở nhiều mức độ khác nhau để giữ gìn những giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và nhân cách cho thế hệ trẻ. Chi hội Di sản văn hóa Xuân Trường được thành lập vào tháng 11.2020, đến tháng 6.2022, chi hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” của huyện được kiện toàn với 87 thành viên, đã và đang phát huy những giá trị văn hóa – tín ngưỡng, những nét đẹp của di sản văn hóa”.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo - Hành Thiện (xã Xuân Hồng)

Những di tích, di sản của huyện Xuân Trường có giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống đặc trưng, đậm nét của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, Khu di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo - Hành Thiện là một tổng thể các công trình kiến trúc có quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ XVII - XVIII. Sự tồn tại của chùa Keo góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Chùa Keo có giá trị kiến trúc nghệ thuật, trang trí điêu khắc cao, thể hiện bàn tay lao động cần cù và khối óc sáng tạo của những công trình sư và nghệ nhân dân gian, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Khu di tích chùa Keo Hành Thiên còn lưu giữ được nhiều giá trị di sản văn hoá phi vật thể quý giá thể hiện qua hệ thống thác bản Hán Nôm (bia ký, sắc phong, thần tích, câu đối, đại tự…), Lễ hội truyền thống, những truyền thuyết về Đức Thánh Dương Không Lộ… Đây là những nguồn tư liệu phong phú, hấp dẫn và quý báu giúp các nhà nghiên cứu khoa học lý giải và nhận diện giá trị to lớn của các di tích này đối với hệ thống di sản văn hoá của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo - Hành Thiện (xã Xuân Hồng)

 Hằng năm, tại chùa Keo Hành Thiện diễn ra nhiều ngày lễ liên quan đến Phật, Đức Thánh tổ, các vị thần làng, hậu thần được thờ phụng tại đây, trong đó có 2 kỳ lễ trọng diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu. Lễ hội mùa Xuân được tổ chức vào 2 dịp: tháng Giêng đối với chùa Keo trong và tháng Hai đối với Chùa Keo ngoài, với các nghi thức: dâng hương, rước kiệu, yến lão và trò chơi thổi cơm thi… Lễ hội mùa Thu được tổ chức vào trung tuần tháng Chín (Âm lịch), đây là kỳ lễ hội lớn nhất trong năm để kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh tổ Dương Không Lộ. Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi thức và trò chơi dân gian đặc sắc như: phụng nghinh, bơi trải, phục miều y, dựng phướn, rước đèn, Thánh đản, múa rối, chèo cạn, cờ tướng, cầu đu, chọi gà, làm bánh dầy…

Các di tích, di sản văn hóa được phát huy thường gắn với lễ hội truyền thống. Là vùng đất văn hiến, huyện Xuân Trường có hàng chục lễ hội truyền thống vừa mang yếu tố tín ngưỡng dân gian vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú của cộng đồng, vừa mang tính tâm linh, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các lễ hội không chỉ có các trò chơi dân gian sôi động, mà còn có nhiều tập tục độc đáo riêng, đặc trưng, gắn với những điển tích, truyền thống của cha ông như đấu vật, thi thổi cơm, bơi chải... Hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp được tổ chức 2 năm một lần vào dịp Rằm tháng Giêng đầy đủ phần lễ, phần hội và độc đáo nhất lễ hội là màn thi 5 giải truyền thống: giải giã thóc, giải nước, giải lửa, giải cá, giải trứng. Màn thi nhằm tưởng nhớ công ơn Thánh Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng công chúa thời Trần có công mang lương thảo cứu giúp dân đinh làng Hoành Vực và 16 vùng quê Phủ Thiên Trường xưa vượt qua cơn hoạn nạn, mất mùa đói kém, đồng thời dạy bảo người dân “biết lấy việc nông trang làm gốc, lấy lễ nhượng làm đầu”. 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

Lễ hội chùa Keo - Hành Thiện

Hay như tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng lên cúng thánh thần tổ tiên cũng là nét đẹp độc đáo của hội làng Ngọc Tiên của xã Xuân Hồng với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Thành hoàng làng Tướng quân Hoàng Văn Quảng triều Lê khi dấy binh trấn ấp, thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân, vừa lo hậu cần và phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói. Tục thổi cơm thi trong hội làng Ngọc Tiên diễn ra theo một quy trình khép kín từ việc lấy nước, tạo lửa, đến thổi cơm làm bánh. Tham dự cuộc thi có 6 giáp, mỗi giáp đủ 14 nam giới, tuổi từ 18 trở lên, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đạo đức tốt, gia đình toàn vẹn. Cuộc thi gồm hai phần thi “địch thủy” và “địch hỏa”.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

Tục thổi cơm thi với nhiều nét văn hóa cổ truyền tại làng Ngọc Tiên,  xã Xuân Hồng

Ở phần thi “địch thủy”, mỗi giáp cử ra 2 người, tay cầm một chiếc nậm nhỏ, đồng loạt chạy ra dòng sông Ninh lấy cho đầy nậm nước mang về đổ vào nồi đáy của chõ đồ. Ở phần thi “địch hỏa”, mỗi giáp mang theo một bộ dụng cụ dùng thanh tre khô cọ vào nhau tạo ma sát thành lửa nấu cỗ, làm bánh thổi cơm. Sự khéo léo của người thi thể hiện ở chỗ, mọi công việc từ đeo cần trúc lên vai, cố định niêu cơm, vừa đi vừa nấu, giữ lửa cho cơm chín. Cùng thổi cơm, các đội còn làm cỗ chay gồm 4 loại bánh khác nhau: bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo và một bát chè đường. Sau 2 tiếng rưỡi, các đội phải hoàn thành mâm cỗ chay phải hoàn tất có đủ 4 loại bánh, một bát chè đường, một bát cơm lồng, một cút rượu trắng, một đĩa trầu cau, và một quả bưởi dâng lên cúng đức Thành hoàng làng. Thổi cơm thi, nấu cỗ chay là một lễ tục đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa làng quê Xuân Hồng, thể hiện nét tài hoa, chăm chỉ của những người dân nơi đây.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

Lễ hội Truyền thống làng Xuân Bắc, xã Xuân Bắc

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Vỵ khẳng định: “Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn huyện góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, ý chí vượt khó vươn lên, ham học hỏi và học giỏi của người Xuân Trường. Sức mạnh tổng hợp để huyện Xuân Trường phát triển theo hướng bền vững có đóng góp to lớn từ các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Hiện nay, 19/20 xã, thị trấn của huyện Xuân Trường được công nhận Nông thôn mới nâng cao, 03 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về tiêu chí Giáo dục (xã Xuân Kiên, Xuân Hòa và Xuân Thường), 118 khu dân cư kiểu mẫu và cùng với huyện Giao Thủy, huyện Nam Trực; huyện Xuân Trường đang tích cực, phấn đấu xây dựng, đến năm 2025 về đích huyện Nông thôn mới nâng cao. Diện mạo nông thôn huyện Xuân Trường thay đổi căn bản, toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiến bộ vượt; thực hiện có hiệu quả thực chất nếp sống văn minh, văn hóa, nơi đây đã và đang trở thành “miền quê đáng sống”. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội xuất hiện ở một số nơi; chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội chưa cao; việc tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể còn hạn chế, chưa tạo thành và phát huy tiềm năng du lịch của các di sản văn hóa…

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên “miền quê đáng sống

Trung tâm huyện Xuân Trường

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là việc làm hết sức cần thiết bởi di sản văn hóa không chỉ là những tài sản quý giá của quốc gia, dân tộc, là bộ phận của di sản văn hóa nhân loại mà còn là nguồn lực to lớn, là một phần quan trọng trong tổng thể sức mạnh nội sinh của mỗi dân tộc, quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, đó là “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”; “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là nội dung được nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước. Trong thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương nói chung, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói riêng để trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trở thành địa chỉ của các giá trị văn hóa, văn hiến, hiếu học, “miền quê đáng sống”, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh, phát triển bền vững, xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

TRẦN XUÂN BÁCH (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Xuân Trường)

Ý kiến bạn đọc