“Chơi” kỷ lục

VHO- Hồi những năm chín mươi của thế kỷ trước trong dân gian xuất hiện những câu đố thế này: Cây gì có rễ dài nhất thế giới? Trả lời, cây kơ-nia, vì cây kơ-nia mọc ở Tây Nguyên mà rễ vươn ra tới miền Bắc để “uống nước nguồn miền Bắc”, theo bài thơ Bóng cây kơ-nia của Ngọc Anh. Lại có câu đố: Điệu hát nào vang xa nhất thế giới? Đáp án, câu hò Nghệ Tĩnh. Vì nhà thơ Đỗ Quý Doãn đi giữa Mạc Tư Khoa (Mátxcơva) nước Nga mà còn nghe được câu hò ấy từ Nghệ Tĩnh vọng sang. Hiển nhiên những “kỷ lục” đó chỉ là sự bông đùa cho vui.

“Chơi” kỷ lục - Anh 1

Nở rộ những kỷ lục vô bổ. Minh họa: THÁI AN

Nhà văn Nguyễn Công Hoan thời trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có nhiều truyện châm biếm.

 Chẳng hạn ông viết truyện Tinh thần thể dục, tổ chức một trận bóng đá “đá hay mọi nhẽ” mà quan phải “sức” cho làng xã bắt người đi lên huyện xem, phải vắt cơm từ gà gáy để mang đi. Nông dân nghèo khổ trốn tránh tuần đinh tay dây tay thước đi bắt. Có kỷ lục gì ở đây không? Có thể có cũng có thể không, nhưng nếu có thì là kỷ lục… buồn cười!

Lại nhớ chúng tôi học đại học thời bao cấp, nhà nước cho ăn ở miễn phí nhưng thiếu thốn mọi bề, kể cả giải trí. Có lần đang đêm buồn quá có tốp bạn bè rủ nhau “đánh cuộc” ai ăn chè nhiều hơn, người thua cuộc phải trả tiền. Thế là cả hội kéo vào căng-tin của trường, hai sinh viên ngồi đối diện nhau, trước mặt mỗi người hàng chục bát chè nếp sắp lớp. Bọn sinh viên hè nhau cổ cũ cho hai người, nhưng xơi khoảng bát thứ năm, hai anh đều lè lưỡi, ai giục ăn tiếp cũng bảo… từ từ. Lại có lần một tốp sinh viên nghĩ ra trò đo ngực ai to hơn để được ăn chè. Các anh hít vào thật căng và dùng dây thước để đo. Những trò như vậy nếu tạo ra kỷ lục cũng chỉ cho vui mà thôi.

Kỷ lục hay record là những cái nhất ở một khía cạnh nào đó của sự vật, hiện tượng, hoạt động, trong một phạm vi nào đó. Chẳng hạn người ta có kỷ lục núi cao nhất thế giới, cây cầu dài nhất Việt Nam, dàn đồng ca đông nhất thế giới. Có rất nhiều kỷ lục khác nhau trong tự nhiên và trong mọi mặt của đời sống xã hội. Nói chung khi đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness thì được rất nhiều người biết. Các nhân vật, sự vật, hiện tượng nhờ được ghi vào Guinness mà trở nên nổi tiếng. Ngoại trừ thế giới tự nhiên, kỷ lục có thể thay đổi trong quá trình vận động của đời sống xã hội, chứ không hoàn toàn bất biến. Mặt khác, các tiêu chí lựa chọn kỷ lục cũng thay đổi theo thời gian. Có những kỷ lục của người trước nhanh chóng bị người sau “phá”, chứng tỏ sự tiến triển nhanh chóng của xã hội. Nhưng cũng có những đỉnh cao rất khó vượt qua, theo thiển ý của tôi chẳng hạn như Truyện Kiều chắc phải là một kỷ lục Việt Nam về số lần tái bản lẫn ảnh hưởng trong công chúng. Trong thể thao có những kỷ lục rất lâu không ai “xô đổ” nổi.

Việt Nam ta cũng đã tham gia “chơi” kỷ lục. “Chơi” kỷ lục phải từ người làm ra trên thực tế và người (cơ quan) công nhận kỷ lục ấy. Cũng có người tự xưng cái này cái nọ là “nhất” khiến thiên hạ mặc nhiên nghĩ rằng cái ấy đã xác lập kỷ lục và được công nhận. Một xã hội lập được nhiều kỷ lục, nhất là trên bình diện quốc tế là điều đáng mừng. Tuy nhiên tôi cho rằng kỷ lục chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó phản ánh những khía cạnh về những nỗ lực hay sức sáng tạo phi thường của con người, những cái”nhất” khiến ai ai cũng phải tâm phục khẩu phục hay ít ra cũng cho người ta những kiến thức thú vị. Những cái “nhất” cần đi kèm với những cái “chất”.

Chẳng hạn thời trước Cách mạng Tháng Tám 1945 không có nhà văn nào viết truyện nhiều như Lê Văn Trương, nhưng cái nhất này rốt cuộc chẳng khiến người ta nhớ vì tác phẩm của ông không tạo được đỉnh cao. Lựa chọn tiêu chí cho kỷ lục ắt phải tính toán kỹ. Nếu không vậy hẳn người ta chỉ xác lập được kỷ lục kiểu như bắt người có “tinh thần thể dục” đi xem bóng đá, người ăn chè nhiều nhất, người thở có bộ ngực to nhất. Hình như đâu đó đã có những kỷ lục kiểu kiểu như vậy. Những kỷ lục như thế nghe nó… lặt vặt, lẻ tẻ, tội nghiệp và dĩ nhiên nếu người làm kỷ lục theo kiểu ấy thì sẽ không còn ai quan tâm là cũng phải.

Muốn lập kỷ lục thì trên thực tế người ta phải nỗ lực phi thường, còn những thứ kỷ lục do “chơi chơi mà có” chẳng qua là chủ nghĩa AQ, một thứ phép thắng lợi tinh thần ảo tưởng để lòe thiên hạ mà thôi. Cho nên cũng có bao người lặng thầm làm việc, không để ý mình có lập kỷ lục hay không. 

CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc