“Đường lưỡi bò”, chiêu bài gây tổn thương văn hóa: Cảnh giác trước muôn vàn cách cài cắm tinh vi

VHO- Liên tiếp trong thời gian qua, dư luận bức xúc trước nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình bị cơ quan chức năng cấm phát hành, yêu cầu gỡ bỏ vì có “đường lưỡi bò”; hàng loạt sản phẩm, ấn phẩm từ sách, đến bản đồ, ứng dụng trên ô tô, hộ chiếu cũng bị cài cắm hình ảnh phi pháp này, với muôn vàn phương cách tinh vi.

“Đường lưỡi bò”, chiêu bài gây tổn thương văn hóa: Cảnh giác trước muôn vàn cách cài cắm tinh vi - Anh 1

 Liên tiếp có nhiều bộ phim cài cắm “đường lưỡi bò” bị gỡ bỏ, cấm chiếu tại Việt Nam

Giới chuyên gia nhận định, cảnh giác với những chiêu bài, kiên quyết xử lý sai phạm, tuy nhiên, để chặn đứng âm mưu xâm lăng văn hóa, không gây tổn hại đến an ninh văn hóa quốc gia, cần có những giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, các kênh truyền thông văn hóa trong và ngoài nước, đặc biệt là từ chính những người dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia, vì an ninh văn hóa quốc gia và lòng tự tôn dân tộc.

Cài cắm tinh vi trong phim ảnh

Liên tiếp ban hành những “lệnh cấm”, yêu cầu gỡ phim trên các nền tảng trực tuyến vì hình ảnh “đường lưỡi bò”, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) thời gian gần đây “gánh” áp lực lớn khi số lượng phim cần thẩm định trước khi chiếu rạp và đặc biệt là phim trên không gian mạng quá nhiều, đến mức không đếm xuể. “Ngày càng nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật, nhất là phim ảnh bị cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp. Trách nhiệm của cơ quan quản lý về điện ảnh, Hội đồng thẩm định và Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng ngày càng nặng nề…”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành bộc bạch.

Theo Luật Điện ảnh năm 2022, việc phát hành phim trên không gian mạng, nền tảng mạng xã hội được thực hiện theo hình thức hậu kiểm. Trường hợp nhà quản lý kiểm tra, nếu phát hiện sai sót vi phạm Điều 9 Luật Điện ảnh, bộ phim sẽ bị xử lý theo quy định. Nhằm góp phần phát hiện những sai phạm, Cục Điện ảnh thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, Tổ công tác chia hai ca sáng, chiều để kiểm tra. Tuy nhiên, bởi số lượng phim phát hành trên không gian mạng quá lớn nên có thể nói là không xuể.

Phim điện ảnh Barbie, phim truyền hình Hướng gió mà đi là hai tác phẩm gần nhất bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Điều đáng nói, sự xuất hiện của hình ảnh “đường lưỡi bò” trong mỗi bộ phim cho thấy sự cài cắm rất tinh vi. Đơn cử, trong Hướng gió mà đi trên nền tảng Netflix, cảnh phim xuất hiện trong nhiều tập phim, thậm chí còn có cảnh kèm lời thoại ngang ngược: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”. Trên nền tảng FPT Play, hình ảnh tấm bản đồ được làm mờ nhưng khán giả vẫn nhận ra đây là bản đồ có chứa “đường lưỡi bò”. Với Netflix, đây không phải lần đầu tiên chiếu phim có hình ảnh phi pháp này. Với FPT Play, dù nhà phát hành đã biết bộ phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” nhưng vẫn chiếu, chỉ xử lý làm mờ hoặc cắt bỏ hình ảnh. Trước đó không lâu, bộ phim Mỹ Barbie cũng bị Cục Điện ảnh ra lệnh cấm từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần. Hội đồng duyệt phim cũng từng nhiều lần “tuýt còi” bộ phim cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp như Uncharted (Thợ săn cổ vật) có Tom Holland thủ vai. Everest: Người tuyết bé nhỏ từng khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng và buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn một tuần ra rạp.

Năm 2021, bộ phim Em là thành trì doanh lũy của anh trong tập 15 cũng có cảnh bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” phi pháp. Bộ phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder) là phim chiếu mạng của Trung Quốc năm 2019, trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) trong văn bản gửi Netflix đã yêu cầu rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam. Trước đó, trên mạng xã hội, phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta cũng bị cư dân mạng chỉ trích, kêu gọi báo cáo vi phạm trên web xem phim. Tháng 3.2018, phim Trung Quốc Điệp vụ biển đỏ cũng bị rút khỏi rạp Việt do tranh cãi về hai phút cuối phim. Hai phút phim này bị cho là hoàn toàn không ăn nhập với nội dung phim nhưng lại được gài cắm hình ảnh phi pháp một cách vô lý. Cũng năm 2018, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện Pine Gap - series phim đề tài gián điệp do Australia sản xuất, chiếu trên Netflix từ năm 2018 có các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cục này sau đó đã ra văn bản yêu cầu đơn vị phát hành gỡ bỏ phim.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cho rằng, ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim có cài cắm một cách tinh vi những hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Việc đưa những thông tin sai lệch cài cắm, lan truyền thông qua các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là những bộ phim điện ảnh, truyền hình rất nguy hại. Trong đó, ngày càng có nhiều phim hoạt hình bị cài cắm với thủ đoạn hết sức tinh vi, tạo áp lực nặng nề lên cơ quan quản lý.

 Trước bối cảnh có nhiều thách thức này, cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia. Đồng thời, cần phát huy sự ủng hộ của quốc tế, tranh thủ bất cứ sự kiện quốc tế lớn nhỏ nào để tuyên truyền thông tin chính xác về chủ quyền, thông qua các ấn phẩm, pano, áp phích…

Đặc biệt, kêu gọi sự lên tiếng từ chính những người dân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, vì an ninh văn hóa quốc gia và lòng tự tôn dân tộc.

(Cục trưởng Cục Điện ảnh VI KIẾN THÀNH)

“Tổn thương” văn hóa

Dư luận còn nhớ những ngày cuối năm 2019, xuất hiện một hình thức vi phạm chủ quyền biển đảo khi ô tô nhập khẩu Volkswagen Touareg dùng bản đồ có “đường lưỡi bò” được bày nhiều ngày tại một triển lãm về ô tô. Năm 2020, Công ty TNHH Công nghệ điện mặt trời Segatech Việt Nam nhập khẩu chiếc ô tô điện có bản đồ “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên hệ thống dẫn đường của sản phẩm.

Còn nhiều năm trước nữa, năm 2012, dư luận từng phẫn nộ, bức xúc khi Trung Quốc phát hành mẫu hộ chiếu phổ thông mới, trong đó có in hình bản đồ “đường 9 đoạn”. Nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng là địa chỉ cài cắm những hình ảnh phi pháp, đưa thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo. Điều đáng nói là việc cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp một cách công khai đang diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi hơn. Mới đây, đêm diễn hứa hẹn đình đám của ban nhạc BlackPink tiếp tục lùm xùm khi BTC concert BlackPink ủng hộ “đường lưỡi bò”. Công ty TNHH Âm nhạc IME (IME Vietnam) chính thức lên tiếng xin lỗi và cho biết, đã làm việc trực tiếp và gửi công văn giải trình đến Sở VHTT Hà Nội cùng các Bộ, ban, ngành liên quan. Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin về vụ việc, nhiều khán giả bày tỏ sự phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay đêm biểu diễn của nhóm nhạc này. Website của Công ty IMe Entertainment sau đó thông báo bảo trì, đường link cũng đã được gỡ khỏi Fanpage.

Nhìn lại những ví dụ trên đây cho thấy, dù hệ quả diễn ra theo chiều hướng như thế nào như đêm nhạc đình đám của BlackPink vẫn sẽ diễn ra sau những ồn ào, hay những bộ phim không được cấp phép, phải nhanh chóng rời khỏi rạp chiếu, gỡ khỏi các nền tảng; những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có bản đồ vi phạm bị xử lý, thậm chí tiêu hủy… thì đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất, bị tổn hại nhiều nhất vẫn là đời sống văn hóa nghệ thuật. Công chúng, khán giả trong nhiều trường hợp bị đẩy vào tình thế khó khi một bên là những bộ phim, đêm nhạc, ban nhạc yêu thích và một bên là những hình ảnh phi pháp, vi phạm chủ quyền được cài cắm một cách tinh vi. Đã có nhiều diễn đàn kêu gọi tẩy chay những đêm nhạc, bộ phim, ấn phẩm vi phạm, nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, tổng quát.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội từng chia sẻ với Văn Hóa, những bộ phim nước ngoài có bản đồ “đường lưỡi bò” xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam không chỉ là một việc làm không tôn trọng dân tộc và văn hóa Việt Nam mà còn có thể gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và an ninh văn hóa. Ông lưu ý, bảo vệ chủ quyền văn hóa là phần cấp bách của việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Việc vi phạm và xâm phạm lãnh thổ qua các bộ phim nước ngoài có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của quốc gia. Vì thế, các cơ quan liên quan cần triển khai thật tốt quy định mới của Luật Điện ảnh (sửa đổi) để hạn chế tối đa việc tái diễn sử dụng các bản đồ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; thúc đẩy việc tạo ra một môi trường nghệ thuật và truyền thông trung thực, tôn trọng và tôn vinh văn hóa và chủ quyền Tổ quốc.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng, trước bối cảnh có nhiều thách thức này, cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia. Đồng thời, cần phát huy sự ủng hộ của quốc tế, tranh thủ bất cứ sự kiện quốc tế lớn nhỏ nào để tuyên truyền thông tin chính xác về chủ quyền, thông qua các ấn phẩm, pano, áp phích… Đặc biệt, kêu gọi sự lên tiếng từ chính những người dân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, vì an ninh văn hóa quốc gia và lòng tự tôn dân tộc.

 Những bộ phim nước ngoài có bản đồ “đường lưỡi bò” xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam không chỉ là một việc làm không tôn trọng dân tộc và văn hóa Việt Nam mà còn có thể gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và an ninh văn hóa. Bảo vệ chủ quyền văn hóa là phần cấp bách của việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Việc vi phạm và xâm phạm lãnh thổ qua các bộ phim nước ngoài có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của quốc gia. Vì thế, các cơ quan liên quan cần triển khai thật tốt quy định mới của Luật Điện ảnh (sửa đổi) để hạn chế tối đa việc tái diễn sử dụng các bản đồ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

(PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

PHƯƠNG ANH

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc