Nhiều hoạt động kỷ niệm lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu

VHO - Lễ giỗ lần thứ 288 Đức Khai trấn Mạc Cửu (1735-2023) được TP. Hà Tiên tổ chức trong hai ngày 13 và 14.7 (nhằm ngày 26 và 27.5 âm lịch) tại khuôn viên đền thờ họ Mạc và công viên tượng đài Mạc Cửu.

Nhiều hoạt động kỷ niệm lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu - Anh 1

Lễ rước sắc thần từ đền họ Mạc về tượng đài Mạc Cửu

Nhằm ghi nhớ công lao của Đức Khai trấn Mạc Cửu, người có công trong việc khai phá và mở mang vùng đất Hà Tiên, hàng năm, Đảng bộ và nhân dân TP. Hà Tiên đều tổ chức lễ giỗ. Các hoạt động của lễ giỗ được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, chặt chẽ. Bên cạnh đó, thành phố đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra lễ giỗ.

Hà Tiên vùng đất cuối trời Tây Nam của tổ quốc Việt Nam luôn gắn liền với thân thế và sự nghiệp của ngài Mạc Cửu. Tên tuổi của ông luôn gắn liền với lịch sữ hình thành và phát triển của vùng đất Hà Tiên. Mùa thu năm Mậu Tý 1708, Mạc Cửu dâng biểu xưng thần, thuần phục chúa Nguyễn xin sát nhập vùng đất Hà Tiên vào nước Đại Việt mãi mãi là sự kiện trọng đại, là chân lý của lịch sử hình thành bờ cõi của dân tộc của đất nước Việt Nam.

Để ghi nhận công lao to lớn đó của ngài Mạc Cửu, ngay sau khi ông qua đời, triều đình nhà Nguyễn đã truy phong cho ông tước vị “Khai trấn Thượng trụ quốc, Đại tướng quân, Vũ nghị công” và cho nhân dân xã Mỹ Đức, trấn Hà Tiên thờ phụng. Sau đó năm Minh Mạng thứ III, ngày 24 tháng 9, vua Minh Mạng đã ban Sắc tiếp tục truy phong thêm tước vị “Thụ công – Thuận nghĩa – Trung đẳng thần”.

Nhiều hoạt động kỷ niệm lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu - Anh 2

Tượng đài Công viên Đức Khai trấn Mạc Cửu ở TP. Hà Tiên

Lễ giỗ Mạc Cửu là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân Hà Tiên từ xưa đến nay, thể hiện sự tri ân sâu sắc của người dân Hà Tiên đối với công đức của bậc tiền nhân có công khai mở, xây dựng nên trấn Hà Tiên. Thông qua hoạt động lễ giỗ góp phần lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, tuyên truyền, giáo dục các thế hệ phát huy truyền thống của quê hương, làm việc và cống hiến, góp phần xây dựng Hà Tiên ngày càng giàu đẹp.

Về phần lễ, thành phố giao Ban bảo vệ di tích danh thắng núi Bình San xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nội dung chương trình lễ tế thần và lễ thỉnh sắc. Ngày 13.7 (nhằm ngày 26.5 âm lịch) diễn ra nghi thức khai chung cổ, lễ nghinh thần, lễ tế sanh. Trong ngày giỗ chính 14.7 (27.5 âm lịch), đoàn thỉnh sắc đi từ đầu cầu Tô Châu đến tượng đài Đức Khai trấn Mạc Cửu; thực hiện nghi thức cúng tế; biểu diễn lân sư rồng, đánh trống hội; đọc sắc phong; dâng hương tưởng niệm tại đền thờ họ Mạc. Phần lễ không thay đổi nhiều so năm trước, tuy nhiên về quy mô thì lớn hơn với sự tham gia của nhiều người hơn.

Năm nay, TP. Hà Tiên tổ chức nhiều hoạt động dịp lễ giỗ như giải kéo co khổng lồ Hà Tiên, giải cờ tướng mở rộng và trò chơi dân gian; giải cầu lông TP. Hà Tiên lần thứ I; giải bóng chuyền bãi biển nữ Đại hội thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX - Hậu Giang. Trò chơi dân gian có ném vòng, nhảy bao bố, đập trúm tre, bịt mắt bắt vịt. Bên cạnh đó còn có hoạt động trưng bày, triển lãm ảnh về Hà Tiên xưa và nay.

Việc tổ chức lễ giỗ Đức khai trấn Mạc Cửu là để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và phát huy truyền thống, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” đã được hun đúc trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đồng thời nhắm tôn vinh công lao to lớn của Mạc Cửu, người có công trong việc quy tập dân chúng, khai phá mở mang vùng đất Hà Tiên.

THẾ HẠNH

Ý kiến bạn đọc