Cần hành động mạnh mẽ, hiệu quả để giải quyết những vấn đề cấp bách của trẻ em

VHO - Ngày 11.1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em chủ trì cuộc họp tổng kết nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban.

Cần hành động mạnh mẽ, hiệu quả để giải quyết những vấn đề cấp bách của trẻ em - Anh 1

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

 Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội quán triệt, nhận thức đúng đắn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; cần tạo chuyển biến thực sự đối với những vấn đề, tồn tại trong công tác trẻ em như: Xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn trên không gian mạng, sử dụng chất kích thích... “Đây là những vấn đề ngày càng cấp bách, cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nêu rõ, cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá thực chất, đo đếm được khi thực hiện các mục tiêu đặt ra trong công tác trẻ em cấp vùng, địa phương, một số ngành, lĩnh vực quan trọng (y tế, giáo dục, lao động, thương binh và xã hội), nguồn lực đầu tư…; từ đó đưa ra giải pháp đúng đắn, căn cơ, cụ thể. Các cơ chế, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải được rà soát kỹ lưỡng, có mục tiêu rõ ràng, phân công trách nhiệm cho từng cấp, ngành, kèm theo giải pháp, bố trí nguồn lực thực hiện, kiện toàn bộ máy tổ chức, chuẩn hóa nhân lực, nhất là cấp cơ sở; đồng thời, nâng cao chất lượng và cách làm sáng tạo của các tổ chức, đoàn thể trong lắng nghe, giám sát và trực tiếp chăm lo, bảo vệ trẻ em. Các văn bản pháp luật, chương trình, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, địa phương cần đánh giá tác động đến trẻ em.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các Bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục cải thiện công tác tư pháp đối với trẻ vị thành niên; cụ thể hóa các khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về cải thiện các nhóm chỉ số liên quan đến trẻ em trong phát triển bền vững; đánh giá tác động của các nền tảng xã hội trực tuyến đối với trẻ em; nghiên cứu tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc các chất kích thích khác đối với sức khỏe thể chất, tâm thần của trẻ em; rà soát thực trạng, nhu cầu sử dụng bể bơi, hồ bơi trong trường học, thiết chế văn hóa, thể thao tại cộng đồng… “Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách tổng thể, bài bản, khoa học hơn nữa trong năm 2024 nhằm giải quyết những tồn tại trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bảo đảm quyền được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ”, Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Bộ, ngành đã thảo luận, tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em như phòng ngừa, kiểm soát, kéo giảm tình hình xâm hại trẻ em cũng như vụ việc trẻ em, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật; tình hình phòng, chống dịch bệnh cho trẻ; chương trình tiêm chủng mở rộng; mạng lưới thư viện, thiết chế văn hóa thể thao cho trẻ...

P.V (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc