Trình diễn di sản Lễ cúng giao thừa Tết Nguyên đán của người Việt

VHO - Khuya 9.2 (đêm giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024), tại Cột cờ Côn Đảo, huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), đã diễn ra chương trình trình diễn di sản Lễ cúng giao thừa Tết Nguyên đán của người Việt.

Trình diễn di sản Lễ cúng giao thừa Tết Nguyên đán của người Việt - Anh 1

Nghi thức cúng giao thừa Tết Nguyên đán cổ truyền 

Hoạt động được diễn ra ngay sau chương trình nghệ thuật “Xuân Côn Đảo - Tết rồng hoa”, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng từ năm Quý Mão bước sang năm mới Giáp Thìn. Chương trình được sự chỉ đạo của BTC các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn huyện Côn Đảo; Trung tâm Văn hóa -Thông tin và Thể thao là đơn vị thực hiện. Kịch bản và đạo diễn: Tiến sĩ  Trịnh Đăng Khoa và Tiến sĩ Hoàng Duẩn. 
Theo đó, Lễ cúng giao thừa - nghi lễ thiêng liêng được dàn dựng chỉn chu, công phu là một trong những hoạt động đặc sắc chỉ có tại Côn Đảo. Chương trình bao gồm phần giới thiệu ý nghĩa Lễ cúng giao thừa trong Tết cổ truyền người Việt, dâng lễ vật, dâng hương, khấn giao thừa, trống hiệu giao thừa, thượng Quốc kỳ, Quốc ca và bắn pháo hoa chào năm mới. 

Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết cả, Tết lớn nhất của người Việt trong một năm. 

Theo quan niệm dân gian, Tết là thời điểm đặc biệt trong chu kỳ thời tiết của một năm, ứng với sự biến đổi của tiết trời chuyển từ mùa lạnh sang mùa ấm; là thời điểm giao thái của âm và dương; là thời khắc giao hòa của trời, đất và con người; là bước chuyển vận “tống cựu nghinh tân” (cái cũ, vận cũ qua đi, cái mới, vận mới đang tới).

Giao thừa là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong tiết Nguyên đán. Bởi đây là thời khắc chuyển vận giữa giờ cuối cùng (giờ Hợi) của ngày cuối cùng thuộc tháng Chạp năm cũ với giờ khởi đầu (giờ Tý) của ngày đầu tiên thuộc tháng Giêng năm mới. Theo đó, Lễ cúng giao thừa cũng trở thành nghi lễ đặc biệt thiêng liêng, không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. 

Trình diễn di sản Lễ cúng giao thừa Tết Nguyên đán của người Việt - Anh 2

Với ý niệm “tống cựu nghinh tân”, quan niệm dân gian tin rằng, mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của con người trong năm mới. Cho nên, trong tâm thức của mọi người, khi cử Lễ cúng giao thừa, họ đều thiết lễ tâm thành, quên đi, bỏ qua tất cả những gì không hay trong năm cũ và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Theo tục lễ cổ truyền thì giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Mỗi năm có một vị Hành khiển cai quản hạ giới, hết một năm vị Hành khiển cai quản năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống để cai quản hạ giới trong năm mới.

Lễ vật cúng giao thừa thường là những vật phẩm sắm cùng đôi như: nhang – đèn, trầu – cau, hoa – quả, xôi – thịt, rượu – trà, giấy vàng – bạc… Lễ vật được sắm dọn trước thời điểm cúng, để trong mâm, đặt trên bàn, bàn cúng đặt ở ngoài trời. 

Tới đúng thời điểm giao thừa thì gia chủ tiến hành nghi thức thắp đèn, thắp nhang, đọc văn khấn và hóa vàng. Trong bài văn khấn Giao thừa khi dâng hương ngoài trời đều phải khấn danh vị của các vị quan Hành khiển cùng các vị Phán quan cai quản hạ giới của năm đó.

Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. 

Trình diễn di sản Lễ cúng giao thừa Tết Nguyên đán của người Việt - Anh 3

Thuận theo lẽ trời đất, có khởi thủy phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa và cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Giao thừa là thời điểm chuyển vận đặc biệt của đất trời, cúng giao thừa là thời điểm mạnh, là cao trào của văn hóa tín ngưỡng dân gian người Việt. Lễ cúng giao thừa là thời điểm giao hòa thiêng liêng nhất giữa đất, trời và lòng người trước thềm năm mới; thể hiện tâm thức – văn hóa ứng xử hài hòa của người dân Việt đối với tự nhiên, với xã hội và với chính mình. 

Các nghệ sĩ, diễn viên đã dâng lễ vật, với các vật lễ: Mâm ngũ quả, bình hoa mai, bánh tét, bánh chưng, gà trống luộc, 3 chung rượu, 3 chung trà, cặp chân cắm đèn nến, cái lư cắm nhang, 3 cây nhang đại, 8 cây nhang trung, nhiều nhang tiểu và thực hiện màn trình diễn múa dâng hoa (hoa thật), múa dâng quả (quả thật). 

Sau khi xong phần dâng lễ vật, thực hiện nghi thức dâng hương. Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đọc văn khấn giao thừa, nghi thức trống hiệu giao thừa; nghi thức thượng Quốc kỳ, Quốc ca, cùng hát vang Quốc ca đúng thời khắc giao thừa… Cuối cùng là bắn pháo hoa chào năm mới, hòa quyện với không khí tưng bừng của pháo hoa là giai điệu ca khúc “Xuân đã về”, do tất cả diễn viên cùng hát tập thể.

Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một địa phương gắn với địa văn hóa và kinh tế biển, cũng chịu sự ảnh hưởng, tác động gián tiếp và trực tiếp từ các yếu tố tự nhiên và xã hội…  Côn Đảo tự hào là vùng đất đảo kiên trung, nơi lưu giữ biết bao chứng tích về tinh thần anh dũng, bất khuất của bao thế hệ đồng bào chiến sĩ cách mạng Việt Nam. 

Trình diễn di sản Lễ cúng giao thừa Tết Nguyên đán của người Việt - Anh 4

Bắn pháo hoa chào năm mới tại Côn Đảo

Theo phong tục cổ truyền của người Việt, ứng với mỗi quãng thời gian khi mà tiết trời có sự chuyển đổi mùa, thì người dân Việt Nam đều tổ chức Lễ, Tết. Tết Nguyên đán thường được tổ chức lớn hơn các tết khác trong năm, còn gọi là Tết Cả. Trong đó, Lễ cúng giao thừa được xem là một nghi lễ quan trọng vì nó diễn ra vào đúng thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. 

Người Việt quan niệm giao thừa là thời khắc chuyển vận của năm, thời khắc mà cái cũ sẽ mất đi và cái mới sẽ được thay vào. Theo đó, cúng giao thừa thể hiện lòng thành tâm, tôn kính của con người trước các bậc thần linh, tiên tổ và bày tỏ nguyện ước về một sự chuyển vận của thời cuộc sao cho cái cũ, cái chưa tốt đẹp sẽ qua đi theo năm cũ và cái mới, cái tốt đẹp hơn sẽ được mang tới trong năm mới… 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc