Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội: Nói không với tiêu cực, phản cảm

VHO - Cách đây 5 năm, mùa lễ hội 2019, lần đầu tiên quyết định tạm dừng đánh phết tại hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) do chính quyền địa phương đưa ra đã được xem là động thái quyết liệt, đúng tinh thần của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội: “Tạm ngừng tổ chức nếu lễ hội truyền thống bị sai lệch giá trị”. Quy định này cũng được xem là rào chắn hữu hiệu với những biểu hiện xấu xí, phản cảm trong các lễ hội.

Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội: Nói không với tiêu cực, phản cảm - Anh 1

Lễ hội Tịch Điền (Hà Nam) ngày càng thu hút du khách Ảnh: TR.HUẤN

Qua từng năm, hành lang pháp lý quan trọng cùng các văn bản chỉ đạo liên tục được ban hành trước mỗi mùa lễ hội đã hình thành nên những giải pháp chấn chỉnh tiêu cực, tạo diện mạo văn minh, an toàn. Chuyển biến tích cực, trách nhiệm được nâng cao, các địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó kiên quyết “nói không” với tiêu cực, phản cảm.

Trở về với các giá trị truyền thống

Những mùa lễ hội gần đây, dư luận dành nhiều sự quan tâm đến các lễ hội đông người, “điểm nóng”. Hội Phết Hiền Quan sau những hình ảnh phản cảm từ những mùa lễ hội trước đây, cho đến nay vẫn tạo vết tò mò. Năm ngoái, dù đại dịch Covid-19 đã được khống chế nhưng chính quyền địa phương vẫn đưa ra quyết định không tổ chức phần đánh phết. Lễ hội diễn ra trang trọng với các nghi lễ truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Dù phần đông vui nhất hội là đánh phết không được tổ chức, thế nhưng không khí vui vẻ cũng không vì thế mà giảm đi.

Năm nay, từ sớm, chính quyền địa phương xã Hiền Quan, huyện Tam Nông tiếp tục duy trì kế hoạch chỉ tổ chức phần nghi lễ trang trọng, phần hội chỉ diễn ra với các hoạt động như giao lưu văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao có thi đấu cờ tướng, cờ bỏi, bóng chuyền hơi; hội chợ quê… Theo UBND xã Hiền Quan, căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, UBND huyện Tam Nông đã ban hành các văn bản về tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn, văn minh trong tổ chức hội Phết Hiền Quan. “Lễ hội phải đảm bảo trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, gắn với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, nhằm giáo dục cho các thế hệ về truyền thống yêu nước, anh dũng đấu tranh của nhân dân, đồng thời bảo đảm các quy định, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn”, theo kế hoạch tổ chức lễ hội Phết Hiền Quan 2024 do UBND xã ban hành.

Hiền Quan không là địa chỉ duy nhất nhưng là tiêu biểu về những thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và BTC lễ hội. Nghiên cứu, tìm giải pháp đổi mới, loại bỏ nội dung “đánh phết” vốn được xem là nhiều sức hút nhất, hẳn là quyết định được đưa ra sau nhiều cân nhắc, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội. Đây cũng chính là tinh thần của “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ VHTTDL ban hành trước mùa lễ hội năm nay. Trên địa bàn Hà Nội, nơi hội tụ nhiều lễ hội lớn như hội chùa Hương, hội Gióng đền Sóc, lễ hội đền Hai Bà Trưng…, ngay từ sớm, công tác chuẩn bị cũng đã được chính quyền các địa phương lên dây cót sẵn sàng. Theo Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, trước Tết Giáp Thìn, Sở đã tham mưu với UBND TP Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội; qua đó phát hiện, xử lý các vi phạm trong công tác tổ chức lễ hội; các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, dịch vụ đổi tiền lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống; hiện tượng ép giá, chèo kéo du khách... Trong Tết, đoàn kiểm tra đã làm việc liên tục và yêu cầu các địa phương tăng cường lực lượng, thường xuyên giám sát ở những khu vực đông người như bến xe, bến thuyền…, kịp thời phát hiện bất cập để xử lý.

Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội: Nói không với tiêu cực, phản cảm - Anh 2

Cảnh “tranh cướp” manh chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) có diễn ra hơi lộn xộn nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương và BTC lễ hội Ảnh: N.HUẾ

“Gần 6.000 di tích lịch sử, hơn 1.600 lễ hội diễn ra quanh năm là nguồn lực để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Sở VHTT Hà Nội luôn đề nghị các địa phương nỗ lực, phát huy trách nhiệm, khai thác tiềm năng văn hóa từ di sản, lễ hội để thu hút du khách. Bên cạnh đó, ở từng nơi, BQL các di tích, BTC các lễ hội cũng luôn cần nâng cao trách nhiệm, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các sai sót trong hoạt động tổ chức lễ hội”, theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội.

Dẹp bỏ biến tướng, tiêu cực

Cùng với sự trở lại của lượng khách đông đúc, BQL di tích, BTC nhiều lễ hội lớn cũng nỗ lực dẹp bỏ các biến tướng, tiêu cực, đưa lễ hội trở về với giá trị, bản chất truyền thống. Hội vui nhưng vẫn thảnh thơi, hầu hết các không gian lễ hội lớn trong những ngày qua được quản lý tốt, với giải pháp thường trực đảm bảo an toàn, trật tự, người đi hội không còn bức xúc vì cảnh tượng hỗn độn, chen lấn, xô đẩy, phản cảm.

“Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp rất rõ ràng. Cấp ủy và chính quyền các cấp cũng đã nhận thức rất rõ về mục đích, vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của địa phương trong vấn đề quản lý trực tiếp các lễ hội. Thực tế cho thấy ở các mùa lễ hội gần đây, trách nhiệm của địa phương được tăng cường rõ nét. Một số nơi tự đánh giá công tác đảm bảo an ninh, an toàn của lễ hội chưa được đảm bảo đã chủ động tạm dừng tổ chức để có các phương án tốt hơn, điển hình như hội Phết Hiền Quan…”, theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương. Cùng với việc phân cấp quản lý lễ hội về cơ sở, việc tăng trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương trong quản lý và tổ chức lễ hội cũng là giải pháp mang đến nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, cùng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Các lễ hội đều hướng đến mục tiêu tổ chức bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, tránh phô trương, hình thức, lãng phí…

Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quản lý, tổ chức lễ hội: Nói không với tiêu cực, phản cảm - Anh 3
 

Du khách thảnh thơi tham gia lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)

Để chấn chỉnh, ngăn chặn tiêu cực trong lễ hội một cách hiệu quả, công tác thanh, kiểm tra được xem là một giải pháp quan trọng. Hoạt động này trong những ngày đầu Xuân Giáp Thìn tiếp tục được Thanh tra Bộ VHTTDL, Thanh tra Sở các địa phương tích cực đẩy mạnh. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, mê tín dị đoan, cờ bạc… Cùng với đó, lực lượng thanh tra cũng tăng cường kiểm tra đột xuất tại các điểm di tích có lễ hội lớn, lễ hội dài ngày, lễ hội có tính chất phức tạp tại một số địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Nội.... Qua đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội.

Theo đánh giá từ các đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL, trong những ngày đầu tiên của mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn, BQL di tích, BTC lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động lễ hội, điển hình như việc quản lý tiền công đức được đảm bảo công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời. Bên cạnh đó, sắp xếp hàng quán dịch vụ hợp lý tại các khu vực tổ chức lễ hội, niêm yết bán đúng giá. Chuyển biến này được ghi nhận tại các điểm di tích, lễ hội như tại chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Trần (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Sòng (Thanh Hóa), chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương), Đền Thượng (Lào Cai), đền Cửa Ông (Quảng Ninh)… 

 Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp rất rõ ràng. Cấp ủy và chính quyền các cấp cũng đã nhận thức rất rõ về mục đích, vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của địa phương trong vấn đề quản lý trực tiếp các lễ hội. Thực tế cho thấy ở các mùa lễ hội gần đây năm nay, trách nhiệm của địa phương được tăng cường rõ nét. Một số nơi tự đánh giá công tác đảm bảo an ninh, an toàn của lễ hội chưa được đảm bảo đã chủ động tạm dừng tổ chức để có các phương án tốt hơn, điển hình như hội Phết Hiền Quan…

(Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở NINH THỊ THU HƯƠNG)

 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc