Sau bàn giao “tay hòm chìa khóa”, thấy gì tại đền Chợ Củi?

VHO - Sau khi các gia đình thủ nhang bàn giao “tay hòm chìa khóa” cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng của người dân, du khách thập phương đến hành lễ ở đền Chợ Củi (Hà Tĩnh) diễn ra bình thường và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái, dâng lễ.

Sau bàn giao “tay hòm chìa khóa”, thấy gì tại đền Chợ Củi? - Anh 1

 Dịp đầu năm mới, người dân về thắp hương tại đền Chợ Củi rất đông nhưng diễn ra trật tự

 Theo ghi nhận phóng viên Văn Hóa, những ngày đầu năm mới, di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đền Chợ Củi (đền Hoàng Mười) ở xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân) thu hút hàng nghìn du khách hành hương về tham quan, chiêm bái, dâng lễ. Du khách vào làm lễ được Ban Quản lý tổ chức đón tiếp và hướng dẫn hành lễ nghiêm túc, không có cảnh tượng chen lấn, xô đây. Từ ngoài cổng, các hàng quán bán đồ hành lễ, vàng mã được sắp xếp ngay ngắn, không có hiện tượng chèo kéo du khách, đảm bảo an ninh trật tự. Theo thống kê Ban quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, bình quân mỗi ngày đền Chợ Củi đón từ 3.000 - 5.000 khách, tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Bà Nguyễn Thị Đào, TP Vinh (Nghệ An) đi lễ tại đền Chợ Củi chia sẻ, năm nay đến chiêm bái, thắp hương cầu bình an, sức khoẻ, làm ăn may mắn cho các con, các cháu tại đền chúng tôi nhận thấy các hoạt động tại đền có nhiều nét thay đổi. Nhiều bảo vệ nhắc nhở về việc đốt hương, mặc dù đông nhưng không có cảnh chen lấn khi sắp lễ. Tại các bàn đặt lễ đều có người Ban quản lý hỗ trợ. Thời gian qua, đền Chợ Củi xảy ra nhiều bất cập trong việc quản lý. Để đưa hoạt động tâm linh, tín ngưỡng tại đền được nề nếp, an toàn và minh bạch, vừa qua các “thủ nhang” đã bàn giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân. Trước đây, việc quản lý đền Chợ Củi do các cá nhân là ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa… thực hiện. Nhiều lần, chính quyền huyện Nghi Xuân đề nghị bàn giao nhưng chưa thực hiện được do các “thủ nhang” cho rằng từ rất lâu qua 8 đời gia đình đã chăm coi, trông nom đền. Năm 2011, huyện đã thành lập Ban quản lý, cho phép các gia đình “thủ nhang” quản lý mọi việc ở đền Chợ Củi và đóng góp tiền công đức cho Nhà nước.

Sau bàn giao “tay hòm chìa khóa”, thấy gì tại đền Chợ Củi? - Anh 2

 Đền Chợ Củi hoạt động sau khi chấn chỉnh các bất cập

Sau một thời gian, việc quản lý tiền công đức cũng như điều hành ở đền đã xảy ra nhiều vấn đề như xuất hiện nhiều người ăn xin, đổi tiền lẻ, chèo kéo khách, thu chi tiền công đức không minh bạch..., thậm chí xảy ra án mạng tại đền, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc và có kết luận số 07 KL- UBND ngày 5.1.2024 chỉ ra các sai phạm. Theo đó, mặc dù được giao khoán tiền công đức hằng năm phải nộp cho ngân sách Nhà nước là 2,5 tỉ đồng nhưng từ năm 2020 - 2022, các gia đình “thủ nhang” còn nợ hơn 1,7 tỉ đồng. Ông Trần Minh Đức, Phó Trưởng Ban quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân cho biết, đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Chợ Củi theo quyết định số 836/QĐ-UBND ngày 11. 4.2023. Sau khi tiếp nhận Ban đã có nhiều chấn chỉnh, đổi mới để phục vụ du khách được quy củ hơn. Về quản lý, để đảm bảo an ninh trật tự huyện đã bố trí 3 lực lượng gồm công an chính quy, vệ sĩ và lực lượng an ninh nội bộ của Ban. Về phòng cháy, chữa cháy đã được đảm bảo với việc bố trí nhân lực, phương tiện chữa cháy luôn sẵn sàng.

“Từ năm 2024, để đảm bảo quá trình tham quan, chiêm bái của quý khách được thuận lợi, Ban quản lý sẽ hỗ trợ quý khách trong toàn bộ quá trình chuyển lễ, dâng lễ lên các cung thờ và hạ lễ cho quý khách. Ban Quản lý cũng phát loa kêu gọi hạn chế đốt vàng mã. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa chấp hành, nhiều người còn sắm vàng mã bằng ngựa cồng kềnh dâng lễ, đốt gây ra nhiều khói. Ban quản lý đã bố trí đội xử lý vệ sinh, hướng dẫn người dân đốt vàng mã đảm bảo theo đúng quy định. Đặc biệt, thời gian tới, Ban quản lý sẽ tạo mã QR tiếp nhận tiền công đức, tài trợ tại đền. Đồng thời bổ sung các biển chỉ dẫn, camera giám sát, hệ thống loa phát thanh.... nhằm phát huy tốt các giá trị di sản của đền Chợ Củi, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân”, đại diện Ban quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng cũng cho hay, dịp đầu Xuân Giáp Thìn, đền Chợ Củi đã thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra nhiều triển vọng trong phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh. Từ khi giao về cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân quản lý đã đưa hoạt động tín ngưỡng tại đền Chợ Củi đi vào nền nếp hơn. Về hòm công đức, Ban quản lý đã bố trí thêm điểm ghi công đức bên ngoài điện để tránh chen chúc, lộn xộn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường có giám sát, điều chỉnh để đền hoạt động tốt, khắc phục những bất cập, tồn tại để phục vụ người dân và du khách thập phương đến chiêm bái, hành lễ.

Đền Chợ Củi thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, được xây dựng vào thời Hậu Lê thờ Thánh Mẫu, thờ quan Hoàng Mười. Đền được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm1993, là một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Hàng năm, đền Chợ Củi có ba lễ hội lớn vào dịp ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ Thánh Mẫu), ngày 20 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Đức Thánh Trần) và ngày 10 tháng 10 âm lịch (ngày giỗ Quan Hoàng Mười) thu hút du khách về chiêm bái, hành lễ.

 

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc