Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng

VHO - Lễ hội kỷ niệm 288 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2024) vừa diễn ra tại TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang từ ngày 22-24.2 (nhằm ngày 13-15.1 âm lịch). Đây là một trong những sự kiện, lễ hội tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang, mang nhiều giá trị về văn hóa - lịch sử, có tính cố kết cộng đồng và giáo dục thế hệ trẻ. Đặc biệt, với những giá trị độc đáo, Lễ hội đang mở rộng tiềm năng khai thác du lịch rất lớn.

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 1

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 288 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các

Niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa Hà Tiên

Đã từ lâu, Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) hàng năm đã trở thành dịp có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân thành phố Hà Tiên. Tết Nguyên tiêu càng có ý nghĩa hơn khi trùng vào dịp Ngày Thơ Việt Nam, cũng là ngày kỷ niệm sự ra đời của Tao đàn Chiêu Anh Các. Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các góp phần bảo tồn truyền thống văn hoá dân tộc, tạo sân chơi văn hoá lành mạnh, thu hút nhiều du khách tới tham dự. Công tác tổ chức Lễ hội ngày càng tốt hơn đã khơi dậy niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa Hà Tiên.

Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang là vùng đất cuối cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, được thiên nhiên ban tặng cảnh quan kỳ vĩ, phong cảnh non nước hữu tình, đã làm rung động lòng người nhiều trái tim văn nghệ sĩ. Càng tự hào hơn khi vùng biên thùy này là đất của thơ văn, bắt nguồn từ Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời cách đây 288 năm (1736-2024). 

Ngay những buổi đầu dựng nghiệp, Mạc Cửu đã dành nhiều ưu ái cho việc phát triển văn hoá, giáo dục. Ông lập nhà nghĩa học thu hút con em thân hào, chức sắc và cả con em bình dân hiếu học. Trường không chỉ dạy chữ mà còn là nơi chiêu tập nhân tài. Đó vừa là câu lạc bộ văn chương vừa là viện hàn lâm thu nhỏ, hình thức nhà trường đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Tiên.

Nhân dịp tết Nguyên tiêu năm Bính Thìn 1736, Mạc Thiên Tích mở hội thơ, dựng cờ Tao đàn. Đó là ngày tết lịch sử của đất Hà Tiên vì nó chứng kiến sự ra đời của Tao đàn đầu tiên ở phía Nam và cũng là Tao đàn thứ hai trong lịch sử văn hoá dân tộc, đánh dấu bước phát triển rất quan trọng của đời sống văn hóa và văn học xứ Đàng Trong. Đó là những dòng văn xuôi duy nhất còn lại của thi sĩ họ Mạc, là chứng cớ về hoàn cảnh và cách thức ra đời của Tao đàn Chiêu Anh Các. 

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 2

Nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các

Đây là Tao đàn văn học có giá trị văn hóa và lịch sử to lớn được Tổng trấn, nhà thơ Mạc Thiên Tích sáng lập vào rằm tháng Giêng năm Bính Thìn 1736, được xem là Tao đàn văn học lớn của cả nước chỉ sau Tao đàn Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ.

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các hằng năm đã trở thành hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca. Những năm qua, du lịch Hà Tiên phát triển khá, mỗi năm (thời điểm không có dịch Covid-19), Hà Tiên đón hơn 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Kinh tế dịch vụ, trong đó du lịch có vai trò quan trọng, động lực chính thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, đóng góp ngày càng lớn và làm tăng lợi thế cạnh tranh cho kinh tế - xã hội của thành phố Hà Tiên. 

Việc tổ chức Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các hằng năm, ngoài tôn vinh, trân trọng những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học, còn là dịp để giới thiệu du lịch của Hà Tiên. Qua đó mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo thêm sản phẩm dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 3

Vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức trọng thể từ ngày 13 đến ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, là dịp để hàng chục ngàn lượt người từ khắp các tỉnh lân cận và nhân dân địa phương cùng tề tựu về nhằm thể hiện lòng thành kính tri ân đến vị “Khai trấn Thượng trụ Quốc Đại tướng Quân Vũ Nghị Công” Mạc Cửu. Người đã có công khai phá, đứng ra tập hợp dân chúng, xây dựng nên 7 xã, thôn, khuyến khích và hỗ trợ nông cụ cho người dân khai hoang trồng trọt, tổ chức kinh doanh buôn bán để thu hoa chi, đồng thời tổ chức việc buôn bán với nước ngoài xây dựng nên vùng đất Hà Tiên giàu có, phố chợ từng bước được mở mang. 

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 4

Triển lãm chuyên đề “Dấu ấn Hà Tiên qua các tư liệu lịch sử”

Dưới sự chỉ huy của Mạc Cửu và sự che chở của triều đình nhà Nguyễn, Hà Tiên dần dần trở thành vùng buôn bán trù phủ và là một thương cảng quan trọng. Năm 1735, Mạc Cửu bị bệnh và qua đời. Mạc Thiên Tích - con trai trưởng của Mạc Cửu được chúa Nguyễn cho phép kế tục sự nghiệp cha, giữ chức Tổng binh Đại Đô đốc trấn Hà Tiên. Trong thời cai quản của Thiên Tích, Hà Tiên phát triển khá toàn diện về chính trị- kinh tế và văn hóa, xã hội. Mùa xuân năm Bính Thìn 1736, ông mở hội hoa đăng thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đánh giá đây là Tao đàn lớn thứ hai của cả nước trong thời phong kiến sau Tao đàn của Vua Lê Thánh Tông và là sự khởi đầu của văn học miền Nam. 

Hằng năm nội dung tổ chức lễ hội có sự đổi mới phù hợp với nhu cầu của đông đảo nhân dân. Những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng được phát huy các gian hàng ẩm thực phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách tham gia lễ hội góp phần quảng bá các đặc sản của Hà Tiên. 

Không gian đờn ca tài tử là điểm nhấn độc đáo của lễ hội, đây là dịp để các tài từ đờn và tài tử ca hội ngộ. Tại đây khách tham quan ngoài việc thưởng thức các tiết mục hòa tấu, các bài bản tài tử họ còn có dịp được trổ tài khi đăng ký ca hoặc đơn giao lưu nhằm thể hiện tài năng của mình. Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản đờn ca tải tử của vùng Nam Bộ. 

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 5

Thả hoa đăng tại Lễ hội

Hoa đăng đêm lễ hội không chỉ mang đến một nét đẹp của thị xã Hà Tiên cho du khách muôn phương mà còn là cách cư dân nơi đây gửi gắm những ước nguyện đến thế giới linh thiêng, cầu mong một cuộc sống luôn nó ấm, bình yên và hạnh phúc. 

Cuộc thi thơ và thư pháp là phần thi không thể thiếu trong Lễ hội. Đối tượng trong cuộc thi này bao gồm các giới văn nghệ sĩ, những người yêu thích thơ, văn trong, ngoài tinh và tất cả mọi công dân dự lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các đều được dự thi. Qua cuộc thi nhằm ôn lại lịch sử của Tạo đàn Chiêu Anh Các, lịch sử của những ngày mở Trần để mà tự hào về năm tháng đã qua và cũng tiếp tục khơi nguồn sáng tạo, nối tiếp truyền thống Chiêu Anh bảo vệ và xây dựng quê hương Hà Tiên ngày càng giàu đẹp, làm cho di sản văn chương của trấn Hà Tiên xưa sống mãi với thời gian, giới thiệu Hà Tiên với bạn bè cả nước bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật đi vào lòng người phục vụ cho đời và cho xử thơ miền biên viễn.

Thông qua lễ hội, đã giáo dục truyền thống chống giặc giữ nước của dân tộc ta; hình thành lối sống tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẽ giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để con cháu dòng họ Mạc từ Cà Mau, Bạc Liêu với lòng hướng về cội nguồn, thể hiện tình yêu thương gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình cũng là cách dạy con cháu phải luôn biết ơn đến ông bà, tổ tiên. Điều đó cho thấy, ở lễ hội các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tốt đẹp ngày càng được khôi phục và phát huy làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ ngày càng phát triển. 

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 6

Trưng bày và giới thiệu sách trong khuôn khổ Lễ hội

Tiềm năng khai thác du lịch thông qua Lễ hội

Lễ hội là hoạt động văn hoá tinh thần của nhân dân, giá trị to lớn của lễ hội không chỉ ở phương diện văn hoá mà còn ở giá trị kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Lễ hội vừa là sản phẩm độc đáo đặc biệt của ngành kinh tế du lịch, dịch vụ và tiêu dùng vừa là tài nguyên du lịch nhân văn phong phủ có giá trị. 

Lễ hội truyền thống là một "bảo tàng sống" về văn hoá, là nơi sản sinh, nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy nền văn hóa dân tộc, là nơi sáng tạo lưu giữ những hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc sắc và độc đảo, tạo nên những nét văn hóa riêng của từng vùng, từng cộng đồng người, ẩn chứa trong tầng sâu các lễ tế, trò diễn, các hoạt động cộng đồng phong phú và hấp dẫn. Bên cạnh đó, lễ hội với những giá trị tâm linh giúp giải thoát con người khỏi bế tắc và khó khăn cuộc sống, tạo nên niềm lạc quan giúp con người giải quyết nhu cầu, cầu mong cho bản thân, gia đình và cộng đồng một cuộc sống bình an... tạo nên sức hút du lịch mạnh mẽ. 

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 7

Hoạt động thu hút các bạn trẻ tham gia

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tạo điều kiện để nhân dân, du khách cùng thưởng lãm và gìn giữ một nghi thức truyền thống tốt đẹp đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của Hà Tiên là nơi sản sinh, nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy nền văn hoá dân tộc, là nơi sáng tạo lưu giữ những hình thức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật đặc sắc và độc đảo, tạo nên những nét văn hóa riêng của vùng đất cuối trời phía tây nam Tổ quốc. 

Hiện nay, toàn thành phố Hà Tiên có 9 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được nhà nước xếp hạng. Hà Tiên có nhiều di tích và danh lam thẳng cảnh rất đẹp như: khu bãi tắm Mũi Nai, Núi Đền, Thạch Động, núi Đá Dụng, Lăng Mạc Cửu, núi Tô Châu, Chùa Phù Dung... Lượng khách tham quan du lịch đạt trên 3,4 triệu lượt người. Ngành du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố nhưng không thể không khai thác lễ hội với tư cách là một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, một sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt mang lại nguồn thu lớn cho ngành kinh tế du lịch. 

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 8

Bản chất của du lịch là khám phá, tìm hiểu văn hóa, nhu cầu du lịch là do nhu cầu văn hoá quyết định, trong đó sự mong muốn hiểu biết văn hóa, giao lưu, tìm hiểu phong tục tập quán, các giá trị văn hóa lại chứa đựng chủ yếu trong lễ hội, vì thế lễ hội là động lực thúc đẩy hoạt động du lịch. 

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức nhằm tôn vinh, trân trọng những thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật của các bậc tiền nhân. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào của cán bộ, nhân dân địa phương về một sự kiện văn học trọng đại đã diễn ra trên quê hương Hà Tiên từ những buổi đầu cha ông đi mở đất để trận trọng giữ gìn và phát huy. Hoạt động nảy cũng góp phần tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, thu hút du khách và các nhà đầu tư đến tham quan tìm hiểu Hà Tiên, góp phần xây dựng Hà Tiên trở thành thành phố văn hóa du lịch trong tương lai.

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các - Hà Tiên: Giá trị văn hóa lịch sử, cố kết cộng đồng - Anh 9

Theo các chuyên gia, việc mở rộng quy mô tổ chức Lễ hội, ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn học Tao đàn Chiêu Anh Các, một mặt là nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân và cũng nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đây là nhiệm vụ cần thiết, góp phần vào việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nguồn tài nguyên du lịch văn hóa để tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của thành phố Hà Tiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tỉnh Kiên Giang. 

THÁI HÒA

Ý kiến bạn đọc