Trăn trở “đầu ra” cho phim Nhà nước

VHO - Tại Hội nghị giao ban với Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương quý I năm 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội, vấn đề thiếu kinh phí phát hành, phổ biến phim Nhà nước đặt hàng tiếp tục là chủ đề “nóng”. Nhiều đại biểu nhận định, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, thay đổi cơ chế để dòng phim này được “rộng đường” ra rạp, phục vụ nhu cầu thưởng thức các tác phẩm điện ảnh chất lượng của người dân.

Trăn trở “đầu ra” cho phim Nhà nước - Anh 1

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị.

Sôi nổi đời sống VHNT

Trình bày báo cáo khái quát, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cho biết, quý I vừa qua, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân. Các chương trình, hoạt động được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các Ban, ngành, đoàn thể quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật; góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tiêu biểu như dịp đầu xuân năm mới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Bộ VHTTDL tổ chức trọng thể Lễ trao danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10…

Kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chậm phục hồi đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Nhiều hoạt động văn hóa, VHNT, sự đầu tư cho các hoạt động này cũng như việc chăm lo đời sống cho văn nghệ sĩ vì thế phải tiết giảm. Trước tình hình đó, Liên hiệp và các Hội VHNT vẫn chủ động, sáng tạo, linh hoạt theo điều kiện cụ thể, tiến hành tổ chức, triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng chỉ rõ một số tồn tại trong công tác VHNT và hoạt động của các Hội. Trong đó, việc triển khai tổ chức thực hiện các kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đôi lúc thiếu đầu tư, thiếu hiệu quả. Một số văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, sử dụng mạng xã hội tùy tiện, vi phạm phát ngôn. Cá biệt số ít bộc lộ sự dao động, hoài nghi về lý tưởng và niềm tin đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong vận hội mới.

Trăn trở “đầu ra” cho phim Nhà nước - Anh 2

 Nhiều đại biểu thể hiện sự trăn trở khi phim Nhà nước thiếu kinh phí phát hành, phổ biến. Ảnh: Phim Đào, Phở và Piano

Lấp “khoảng trống” khó ra rạp cho phim Nhà nước đặt hàng

Bên cạnh những khó khăn chung, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm đề cập tại Hội nghị là các bộ phim Nhà nước đặt hàng thông thường chỉ được đầu tư kinh phí sản xuất, hoàn toàn không có kinh phí quảng bá, phát hành. Theo Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung, nhiều tác phẩm đặt hàng như Bình minh đỏ, Phơi sáng, Hồng Hà nữ sĩ… được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng nội dung, tư tưởng nghệ thuật, đặc biệt, sau hiện tượng hiếm có của phim Nhà nước Đào, Phở và Piano, nhiều chuyên gia nhận định, các bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim về chiến tranh lịch sử luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Nhưng đi cùng niềm vui là trăn trở về việc làm sao để phim được phổ biến rộng rãi. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay, luật và các văn bản dưới luật chủ yếu quy định về hình thức và phổ biến phim nói chung chứ chưa có quy định cụ thể đối với việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước hay phim nhập, phim sản xuất bằng nguồn xã hội hóa.

“Thực tế, Bộ VHTTDL đã có nhiều hình thức phổ biến phim phục vụ khán giả chứ không phải sản xuất ra để “cất kho” như một số ý kiến. Thế nhưng, chúng ta vẫn cần bổ sung một số quy định theo hướng kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Cùng với đó, cần có quy định dành ngân sách để cấp cho công tác quảng bá, phát hành, phổ biến phim Nhà nước”, bà Lý Phương Dung kiến nghị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho hay, chất lượng kịch bản không phải là vấn đề của những bộ phim Nhà nước đặt hàng, bởi từ khi có kịch bản cho đến sản xuất, nghiệm thu đều trải qua quá trình thẩm định chặt chẽ. Vấn đề là không có kinh phí phát hành, quảng bá nên mức độ phổ biến của phim không được như mong đợi. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam dẫn chứng: Vì thiếu kinh phí nên Đào, Phở và Piano đến khi ra rạp cũng không có nổi trailer quảng bá hay một buổi họp báo ra mắt. Trong khi đó, nhiều bộ phim tư nhân sản xuất có thể chi hàng tỉ đồng cho công tác truyền thông, quảng bá. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, họ cũng đặc biệt quan tâm đến khía cạnh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.

“Chưa kể, các rạp chiếu đa phần của tư nhân, hoạt động dựa trên nguyên tắc lợi nhuận. Theo quy định hiện nay, toàn bộ doanh thu từ khai thác sản phẩm có đầu tư công phải nộp ngân sách, nên các rạp tư nhân không mặn mà chiếu phim Nhà nước là điều dễ hiểu. Truyền hình vì nhiều lý do cũng không còn là kênh quảng bá cho các bộ phim sử dụng ngân sách. Do đó, phim Nhà nước chịu nhiều thua thiệt khi ra rạp”, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nêu, đồng thời đề xuất, cần tập trung đầu tư cho mục tiêu vực dậy hệ thống cơ sở rạp chiếu phim Nhà nước theo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mặt khác, Chính phủ cần xem xét, ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn nêu trên, khơi thông dòng chảy điện ảnh dân tộc đang ở “thời điểm vàng” của sự phát triển. Việc đầu tư cho điện ảnh phải đồng bộ từ sản xuất đến quảng bá, phổ biến phim. 

Trăn trở “đầu ra” cho phim Nhà nước - Anh 3

 Trong 3 tháng qua, các hoạt động VHNT trong nước và hợp tác quốc tế ngày càng khởi sắc. Dù còn nhiều khó khăn trong cơ chế, cần có sự tháo gỡ nhưng sự nỗ lực của đội ngũ văn nghệ sĩ, lãnh đạo các Hội và sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành đã đem lại những kết quả tích cực trong phát triển VHNT.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đến hoạt động VHNT, với mong muốn quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời bảo tồn, phát triển văn hóa trong nước được đẩy mạnh. Do đó, Liên hiệp và các Hội cần thể hiện sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ; liên kết tổ chức các sự kiện VHNT phục vụ các dịp lễ lớn, sự kiện trọng đại của quốc gia; tạo ra những đợt cao điểm trong tổ chức các sự kiện VHNT, tạo sự phấn khởi trong nhân dân và kiều bào.

Sự đoàn kết ấy còn cần thể hiện trong việc tập trung nguồn lực, khơi thông cơ chế, chính sách. Cụ thể, Liên hiệp và các Hội cần phối hợp, tăng cường vai trò tham mưu trong xây dựng văn bản pháp luật; kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù, từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý rộng mở cho VHNT phát triển.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc