​Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội: Bạo lực, biến tướng, phản cảm... sẽ không còn “đất sống”

VH- Tạm ngừng tổ chức lễ hội; quy định đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội cũng như những nguyên tắc trong tổ chức lễ hội… là những nội dung được chú ý tại Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Các lễ hội tổ chức sai lệch nội dung, giá trị truyền thống; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, chết người; có hoạt động phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội, gây hoang mang trong nhân dân… theo Nghị định sẽ bị tạm ngừng tổ chức.

​Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội: Bạo lực, biến tướng, phản cảm... sẽ không còn “đất sống” - Anh 1

Người dân ngày càng có ý thức xếp hàng chờ xin ấn tại đền Trần Nam Định

Nhiều biện pháp mạnh

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, trước khi Nghị định được Chính phủ chính thức ban hành, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự được chính quyền địa phương các cấp quan tâm triệt để. Sau khi Nghị định ra đời, hành lang pháp lý trong lĩnh vực nhạy cảm này sẽ được thắt chặt, với nhiều biện pháp mạnh. Đáng chú ý là việc phân cấp quản lý ở các địa phương, đặc biệt đối với những lễ hội truyền thống, tùy theo quy mô và tính chất ở từng lễ hội.

Nguyên tắc tổ chức lễ hội đưa ra 7 quy định chặt chẽ mà theo bà Ninh Thị Thu Hương, đây là những quy định nền tảng để nâng cao hiệu lực quản lý lễ hội. Theo đó, việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các bậc tiền nhân. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Đặc biệt, giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam…

 ​ Nghị định đã đưa ra những quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời những biến tướng mà thời gian qua, công tác quản lý lễ hội đã gặp phải. Đơn cử như một số lễ hội điểm nóng, thu hút đông người, lễ hội có yếu tố bạo lực, nghi thức hiến sinh…, từ nay sẽ được điều chỉnh với những điều khoản rõ ràng tại Nghị định. Các lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm, có nghi thức không còn phù hợp với xã hội hiện đại sẽ không được tổ chức. (Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở)

Khắc phục những biến tướng thương mại hóa lễ hội, Nghị định nhấn mạnh, không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng lưu ý là quy định “Tạm ngừng tổ chức lễ hội”. Đây là quy định hoàn toàn mới và là biện pháp mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi biến tướng, lộn xộn khi triển khai quản lý lễ hội trong thực tế. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, gây cháy nổ, làm chết người; xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội, gây hoang mang trong nhân dân.

Trong các trường hợp trên, BTC lễ hội tự ngừng hoặc ngừng ngay các hoạt động tổ chức lễ hội theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; kịp thời khắc phục hậu quả, đề xuất phương án tiếp tục tổ chức lễ hội trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

​Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội: Bạo lực, biến tướng, phản cảm... sẽ không còn “đất sống” - Anh 2

​Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội: Bạo lực, biến tướng, phản cảm... sẽ không còn “đất sống” - Anh 3

 Lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) nếu không có biện pháp ngăn chặn yếu tố bạo lực sẽ bị “tuýt còi”

Tăng cường trách nhiệm từ nhiều phía

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định, Nghị định sẽ là “kim chỉ nam” định hướng để các cấp chính quyền tại địa phương xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Mục tiêu cao nhất của Nghị định là duy trì, bảo vệ các giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân.

Nghị định cũng quy định chặt chẽ các nội dung về đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội. Theo đó, lễ hội cấp quốc gia, lễ hội cấp khu vực được tổ chức lần đầu; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên phải đăng ký với Bộ VHTTDL trước khi tổ chức. Bên cạnh đó, quy định về các lễ hội phải đăng ký với UBND cấp tỉnh, cấp huyện trước khi tổ chức.

Ngoài ra, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức hằng năm phải thông báo với Bộ VHTTDL; lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức hằng năm phải thông báo với UBND cùng cấp trước khi tổ chức lễ hội.

“Hồ sơ đăng ký cũng như văn bản thông báo tổ chức lễ hội đều phải thể hiện rõ một số nội dung như: tên lễ hội, sự cần thiết, thời gian, địa điểm, quy mô… và đặc biệt là các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường. Lễ hội truyền thống phải có tài liệu hoặc văn bản chứng minh về nguồn gốc…”, Cục Văn hóa cơ sở cho biết.

Phân cấp, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị tổ chức lễ hội, Nghị định quy định rõ: Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. BTC lễ hội có trách nhiệm xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai, bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.

“Nếu như trước đây, chúng ta còn thiếu những biện pháp ngăn chặn kịp thời, thiếu các quy định mang tính pháp lý cũng như các biện pháp mạnh thì đến nay, sau khi Nghị định ban hành, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp, các BTC lễ hội đã có đầy đủ một hệ thống hành lang pháp lý hỗ trợ. Đương nhiên, song hành thuận lợi còn là những yêu cầu khắt khe nhằm đảm bảo tính khả thi của Nghị định. Sẽ không có khó khăn nếu các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định tại Nghị định.

Chẳng hạn, như với cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), thực tế cho thấy yêu cầu đối với công tác tổ chức và quản lý đã quá tải, quá sức đối với UBND cấp xã. Vì vậy, UBND xã Hiền Quan sẽ phải đề nghị các cấp cùng vào cuộc để tăng cường hiệu lực quản lý. Bởi nếu không đảm bảo an toàn, không đầy đủ các phương án an ninh, tái diễn tình trạng nguy hiểm, bạo lực như một số mùa trước thì lễ hội Hiền Quan có thể sẽ bị “tuýt còi”, tạm ngừng tổ chức theo quy định tại Nghị định này”, bà Hương nhấn mạnh.

 HÀ PHƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Ý kiến bạn đọc