Ai là “người có tài năng đặc biệt”?

VH- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực TP.HCM có nhu cầu, giai đoạn 2018-2022. Nhiều chuyên gia cho rằng Đề án này sẽ khó khả thi khi đặt ra các quy định cứng nhắc, chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn.

Ai là “người có tài năng đặc biệt”? - Anh 1

 Anh em nghệ sĩ Quốc Cơ và Quốc Nghiệp có được xem là những "người có tài năng đặc biệt"?

Thế nào là “Người có tài năng đặc biệt”?

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, do chưa có khung pháp lý cũng như chưa có định nghĩa chính thức trong các văn bản pháp luật, nên tạm hiểu: Người có tài năng đặc biệt là những người có tri thức và năng lực đặc biệt xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực; đã đạt nhiều thành tích hoặc khả năng hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể với mức độ tốt vượt trội mà rất ít người có thể thực hiện được; có uy tín cao được giới chuyên môn và cộng đồng công nhận…

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ giải thích thêm, “Người có tài năng đặc biệt” ở đây có thể có học hàm học vị hoặc không có học hàm học vị nhưng phải được xã hội thừa nhận. Người này không bị ràng buộc làm việc trong bộ máy TP, không nhất thiết phải ngày làm việc 8 tiếng, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. Đề án này khuyến khích những đóng góp để giải quyết các vấn đề của TP. Tuy nhiên nếu người đó và TP có nhu cầu thì sẽ tuyển vào biên chế.

Đề án thực hiện thu hút người có tài năng đặc biệt trong các nhóm lĩnh vực: nhóm khoa học và công nghệ; nhóm hoạch định chính sách và xây dựng hạ tầng đô thị; Nhóm dịch vụ công; nhóm văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao… Các sở - ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, biểu diễn nghệ thuật và huấn luyện thể thao thường xuyên rà soát, giới thiệu, lập danh sách đề cử các trường hợp đã có thành tích hoặc năng lực xuất sắc trong ngành, lĩnh vực để UBND TP xem xét, đưa vào danh sách phát hiện người có tài năng đặc biệt.

Theo đề án, Sở Nội vụ TP đề xuất nhiều chính sách đãi ngộ cho người có tài năng đặc biệt. Cụ thể, áp dụng mức hỗ trợ ban đầu (chỉ áp dụng 1 lần và áp dụng cho lần đầu tiên) là 50 triệu đồng. Hằng tháng sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20-30 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có chính sách tiền thưởng để khuyến khích, phát huy tài năng. Đối với các vị trí thu hút để thực hiện sản phẩm, công trình thì cứ mỗi đề án, đề tài nghiên cứu hoặc tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao từ cấp TP và tương đương trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng mức tiền thưởng bằng 1% tổng kinh phí ngân sách TP chi trả cho công trình đó. Giá trị tiền thưởng không thấp hơn 50 triệu đồng/ người/công trình và tối đa là 1 tỉ đồng. Ngoài ra, người có tài năng đặc biệt còn được hỗ trợ về nhà ở là nhà công vụ hoặc được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở và số tiền hỗ trợ không vượt quá 7 triệu đồng/tháng…

Ai là “người có tài năng đặc biệt”? - Anh 2

 Hội nghị phản biện xã hội

Khó “giữ chân” người tài

GS.TS Phạm Văn Biên, Phó Chủ tịch Hội Sinh học TP cho biết: “Những năm qua đã có rất nhiều chủ trương về thu hút nhân tài, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” để thu hút trí thức nhưng kết quả đều không như mong muốn”. Ông minh chứng, trong 4 năm (từ 2014- 2017), TP.HCM chỉ thu hút được 15 chuyên gia nhưng tới nay chỉ còn 10 người làm việc. Năm 2016, TP mời gọi các trí thức Việt kiều tham gia vào “Ngân hàng ý tưởng” giúp giải quyết các vấn đề nổi cộm của TP. Chương trình thu hút được 47 ý tưởng, rất tiếc đến nay cứ chuyển từ ngăn kéo này sang ngăn kéo khác, chưa ý tưởng nào được hiện thực hóa.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP, cho rằng Đề án đưa ra việc tuyển dụng nhân tài cũng giống như tuyển dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thông thường, điều này sẽ khó thu hút được. Luật sư Hậu băn khoăn, việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đối với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân tài có thực sự là hợp lý? “Bài học rút ra từ việc áp dụng chính sách thu hút, đào tạo nhân tài của Đà Nẵng theo Đề án 922 cho thấy Đà Nẵng đã phải chi ra số tiền không nhỏ là 480 tỉ đồng để đầu tư đào tạo cho hơn 400 “nhân tài”. Tuy nhiên, việc rất nhiều các nhân tài trong chương trình đào tạo đã xin rút ra khỏi Đề án, kèm theo đó là các vụ kiện đòi các nhân tài bồi thường do đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, phá vỡ cam kết. Do vậy, nên xem xét việc đào tạo nguồn nhân lực theo một cách thức mới phù hợp hơn”, luật sư Hậu nêu ý kiến. Ông cũng cho rằng việc thu hút nhân tài rất quan trọng nhưng việc giữ chân được nhân tài còn quan trọng hơn rất nhiều. Do vậy, đề án cần phải có những biện pháp mang tính đột phá nữa để có thể đảm bảo môi trường hấp dẫn cho nhân tài.

 ​“Tài năng đặc biệt”… chung chung

Tôi nghĩ không nên dùng khái niệm “tài năng đặc biệt”, bởi đây là khái niệm rất rộng và cũng khó có tiêu chí cụ thể để đánh giá. Có thể thời điểm này họ là tài năng đặc biệt nhưng khi xuất hiện những người có tài năng tương tự vậy thì lúc đó có còn nhìn nhận tài năng của họ là đặc biệt nữa không? Tôi muốn nhắc đến trường hợp “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy, thời điểm ông mới xuất hiện và thực hiện được nhiều công trình, thì ta cho đây là tài năng đặc biệt, nhưng đến thời điểm nhiều người cùng làm được như ông thì liệu tài năng ấy có còn được coi là đặc biệt nữa không.

(PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Văn hóa TP.HCM)

 ​Nên đổi thành “thu hút người tài”

Chúng ta không thể nào vừa phát hiện tài năng vừa bồi dưỡng và phát triển trong khi mục tiêu và kỳ vọng quá lớn nhưng nếu thực hiện không được thì sẽ rơi vào “vết xe đổ” như những đề án trước đây. Nên chăng cần đổi đề án này thành thu hút người tài đức thì sẽ phù hợp hơn.

Từ xưa đến nay nghệ thuật dụng người là khó nhất trong tất cả các nghệ thuật khác trong xã hội, vì thế cần xây dựng đề án thật cẩn thận và chỉn chu. Tôi đề nghị TP nên xây dựng ngân hàng đặc biệt, đồng thời có chính sách chiêu hiền đãi sĩ để phát triển người có tài đức.

(PGS.TS, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật - Kinh tế biển TP.HCM)

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc