Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Không ai biết chắc 10 năm nữa mô hình du lịch sẽ ra sao

Thứ Hai 24/06/2019 | 10:51 GMT+7

VHO- Nhận định rõ tầm quan trọng của du lịch trực tuyến trong thời đại hiện nay, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) sẽ phối hợp và đồng chủ trì cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức Ngày du lịch trực tuyến 2019 với chủ đề “Xu hướng tất yếu của Du lịch trực tuyến”, tại Hà Nội vào ngày 26.6.

Ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch là xu hướng tất yếu

 Ngày du lịch trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2017 tại TP.HCM đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương.

Du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỉ đô la Mỹ

Dự kiến Ngày du lịch trực tuyến 2019 sẽ có sự tham gia của trên 600 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có trên 20 diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và công nghệ trong và ngoài nước... Đặc biệt, lần đầu tiên, đại diện của Công ty Agoda, ông Timothy Hughes, Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển doanh nghiệp sẽ có bài trình bày về tầm nhìn và kinh nghiệm của Agoda trong ứng dụng công nghệ thông tin cũng như những định hướng trong tương lai của Agoda tại thị trường Việt Nam. Agoda đang là một trong những nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến (đặt phòng khách sạn) hàng đầu thế giới hiện nay.

Bên cạnh đó Ngày du lịch trực tuyến cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực đa dạng như: Tik Tok, Visa, Vietjet Air, Traveloka, Tripi, ezCloud, Novaon, EMS, Sapo, Napas, Fado, Netco… cùng tham gia thảo luận về các giải pháp thúc đẩy du lịch trực tuyến ngày một phát triển hơn.

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, du lịch là ngành có khả năng tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất, nổi bật là hoạt động du lịch trực tuyến. Du lịch trực tuyến đang trở thành xu thế tất yếu của ngành Du lịch khi đã được ứng dụng vào nhiều khâu của hoạt động du lịch như đặt phòng, đặt vé (máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy...); đặt dịch vụ (ăn uống, mua hàng, chăm sóc sức khỏe...); quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch… Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đã xây dựng được các phần mềm thông minh hỗ trợ cho kinh doanh và quản lý du lịch, đồng thời nhiều doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng thành công các công cụ trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2019, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử 2018 cao hơn 30% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới, quy mô giao dịch khoảng 8 tỉ đô la Mỹ. Bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Còn theo báo cáo của Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỉ đô la Mỹ (tăng trưởng 15%), dự kiến năm 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, việc đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng. Tầng lớp khách lẻ tăng mạnh cả inbound (đón khách nước ngoài vào) và outbound (đưa khách ra nước ngoài) tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch. Các mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong du lịch trực tuyến bao gồm: kinh tế chia sẻ, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), AR (tương tác ảo) và VR (thực tế ảo)…

Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của Việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á và còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.

Bùng nổ du lịch trực tuyến

Ông Tuấn Hà, Uỷ viên BCH Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, đại diện Ban tổ chức chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão hiện nay, công nghệ 4.0 đã phủ sóng toàn thế giới, chúng ta phải làm gì? Ngày du lịch được tổ chức nhằm chỉ rõ thực trạng của kinh doanh du lịch truyền thống và chia sẻ việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch; nhu cầu và xu hướng của khách online, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến, tạo sân chơi bình đẳng cho du lịch trong và ngoài nước tại “sân nhà” Việt Nam”.

20 năm trước, các doanh nghiệp du lịch ở phố cổ Hà Nội đã đi tiên phong trong việc làm du lịch trực tuyến trên Yahoo nhưng có lẽ chưa ai mường tượng ra du lịch ngày nay lại phát triển đến mức này. Và chắc chắn, không ai có thể biết 10 năm sau, 20 năm sau nữa mô hình du lịch Việt Nam và thế giới sẽ đi về đâu, phát triển thế nào? Lúc đó người ta có cần các công ty du lịch không, cần hướng dẫn viên du lịch không hay khách có thể tự đặt tất cả dịch vụ như một nhà lữ hành chuyên nghiệp?

Ở trong nước, có hành lang pháp lý nào được đặt ra để kiểm soát hoạt động, đảm bảo việc đóng thuế của các công ty du lịch khi hiện nay có rất nhiều công ty nước ngoài chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn, du lịch trực tuyến tại Việt Nam? Chính phủ làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch; định hướng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực?

Ngày Du lịch trực tuyến 2019 là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này có được tầm nhìn khái quát về những tiềm năng của ngành tại Việt Nam; Đẩy mạnh việc ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ mới tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong và ngoài nước; Học hỏi những kinh nghiệm, kỹ năng triển khai du lịch trực tuyến của các công ty hàng đầu trên thế giới bao gồm: đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch…; Tạo cơ hội để liên kết, hợp tác giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến…; Nâng cao sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực du lịch trực tuyến.

Ngày du lịch trực tuyến được chia làm 4 phiên thảo luận: Sự bùng nổ du lịch trực tuyến; Nắm bắt hành vi du khách online; Các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến; Nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến.

Trong khuôn khổ chương trình Ngày du lịch trực tuyến 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến, song song với đó Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cũng sẽ có ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty Tiktok. Đặc biệt, tại Ngày du lịch trực tuyến còn có khu vực triển lãm về các giải pháp hỗ trợ du lịch nói chung và ứng dụng du lịch trực tuyến một cách hiệu quả. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top