Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Giải thưởng Du lịch đã trở thành “mũi nhọn”?

Thứ Tư 26/06/2019 | 10:19 GMT+7

VHO- Với mong muốn lựa chọn và tôn vinh được những doanh nghiệp và cơ sở cung ứng dịch vụ có đóng góp tích cực, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2019 vào ngày 9.7.

 Có những doanh nghiệp đoạt giải thưởng hàng đầu thế giới nhưng vẫn mong muốn có được Giải thưởng Du lịch Việt Nam

 Đã trở thành thương hiệu nhưng nhiều chuyên gia và giới truyền thông đều cho rằng, trong thời gian tới những cơ quan có liên quan cần có giải pháp “đánh bóng” và quảng bá mạnh mẽ và sâu đậm hơn để Giải thường này trở thành “mũi nhọn” thực sự của ngành Du lịch.

Đoạt được Giải thưởng không hề đơn giản

Giải thưởng Du lịch tầm quốc gia được tổ chức hằng năm là cái đích mà nhiều doanh nghiệp luôn nhắm tới. Và để đạt được thì nó không hề đơn giản. Đơn cử, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế muốn được xét giải phải có chất lượng phục vụ tốt nhất, được khách du lịch hài lòng nhất, đón được số lượng khách vào Việt Nam tối thiểu 10.000 khách/ năm; lữ hành nội địa phục vụ tối thiểu 20.000 khách/ năm và doanh nghiệp đưa khách ra nước ngoài cũng phải đạt 10.000 khách/ năm.

Khách sạn (chỉ xét khách sạn 4-5 sao) muốn đoạt giải thưởng cũng phải có chất lượng phục vụ tốt nhất, cơ sở vật chất tốt nhất, xây dựng thương hiệu tốt, được khách du lịch hài lòng nhất, công suất phòng tối thiểu 50%/ năm, có đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, chăm lo tốt về việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch hàng đầu Việt Nam phải có nhiều dự án, công trình, sản phẩm phục vụ khách du lịch, sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

Trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn… đang hoạt động lĩnh vực du lịch hiện nay ở Việt Nam, những doanh nghiệp xuất sắc nhất, có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, góp phần khẳng định vị trí của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân, thể hiện vai trò to lớn của ngành Du lịch trong đời sống kinh tế - xã hội của năm sẽ được xét tặng giải thưởng. Đây cũng là những doanh nghiệp trong cả năm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch.

Giải thưởng sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch nâng cao tính chuyên nghiệp của các đơn vị kinh doanh du lịch và các đơn vị liên quan đến du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm du lịch để thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Góp phần nâng cao khả năng hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế; Tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch lựa chọn sử dụng dịch vụ du lịch có thương hiệu và chất lượng tốt nhất; Tôn vinh các đơn vị làm tốt công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, khuyến khích các hoạt động có ích cho cộng đồng...

Giải thưởng sẽ góp phần khẳng định thương hiệu Du lịch Việt Nam

Hậu vinh danh doanh nghiệp sẽ thế nào?

Lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn nhấn mạnh, Giải thưởng phải là động lực để các doanh nghiệp du lịch phấn đấu, nơi họ chứng minh chiến lược kinh doanh đúng đắn, phát huy tiềm năng, thế mạnh và thể hiện những cam kết phát triển du lịch bền vững, hướng đến cộng đồng. Thậm chí, ngoài lợi ích của doanh nghiệp còn phải đặt lợi ích khách hàng và xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp. Phải làm sao để Giải thưởng này được cả xã hội công nhận, tham gia và thu hút các cơ quan báo chí truyền thông tuyên truyền mạnh mẽ về Giải thưởng. Quan trọng nhất, sau Giải thưởng, các doanh nghiệp đoạt giải sẽ được cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia tạo điều kiện quảng bá, tuyên truyền tại các Hội chợ du lịch trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, Chủ tịch Hội đồng xét tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam cũng lưu ý, việc Tổng cục Du lịch phải có giải pháp để nâng tầm giá trị Giải thưởng Du lịch Việt Nam, để giải thực sự tạo được uy tín trong ngành, trở thành mục tiêu phấn đấu và trở thành niềm tự hào của các doanh nghiệp du lịch, trong đó cần tính đến việc xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả cho những đơn vị, cá nhân đoạt giải sau lễ vinh danh. Cụ thể là ngành Du lịch cần đánh giá hiệu quả và giá trị thiết thực mà danh hiệu mang lại cho doanh nghiệp đoạt giải cũng như có các chiến lược truyền thông hiệu quả để phát triển thương hiệu Giải thưởng.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, ngoài việc tôn vinh các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Giải thưởng cũng nên mở rộng để có thể khuyến khích được các doanh nghiệp tiên phong trong việc tìm kiếm và đón khách ở các thị trường mới; các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho cộng đồng hoặc thiên về kinh doanh mùa vụ, gây dựng, phát triển hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng giàu tiềm năng du lịch. Việc này cũng cho thấy, đây không phải chỉ là cuộc chơi của các “ông lớn” trong ngành Du lịch vì có những doanh nghiệp dường như “chung thân” với giải này. Mười năm trước hay 10 năm sau có thể những doanh nghiệp ấy vẫn đoạt giải, đơn giản họ lúc nào cũng là những đầu tàu.

 Cần có chiến dịch truyền thông lớn để nâng tầm Giải thưởng Du lịch Việt Nam Ảnh: L.T

Những doanh nghiệp đã từng đoạt giải mùa trước cho biết, việc đoạt giải thưởng trong một hệ thống giải chính thống thể hiện sự thừa nhận, đánh giá cao của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời, việc đoạt giải cũng chính là một tiêu chí để khách du lịch lựa chọn, quyết định có chọn nhà tổ chức tour, cung cấp dịch vụ cho chuyến đi của mình hay không. Vì thế, giải thưởng có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng đề nghị, để Giải thưởng quan trọng này có sức hút lớn hơn nữa, nhận được nhiều quan tâm sâu rộng hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp, và đặc biệt tạo được sức ảnh hưởng to lớn hơn nữa không chỉ trong nước, khu vực mà còn ở quốc tế… qua đó tạo nên một trong những “mũi nhọn” thực sự của ngành Du lịch thì cần có sự chung tay của các Bộ, ngành với những giải pháp đột phá, thậm chí có thể tính tới thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn.

Năm nay, do có quy chế cởi mở, hồ sơ xin xét tặng giải thưởng tăng hơn nhiều so với những năm trước. Cụ thể, có tới 39 hồ sơ dự giải 10 khách sạn 4 sao tốt nhất Việt Nam; 31 hồ sơ dự giải 10 khách sạn 5 sao tốt nhất Việt Nam.

Ban tổ chức mong muốn, Giải thưởng này phải có sức lan tỏa trong cả xã hội chứ không phải chỉ là những giải thưởng mang tính chuyên ngành. Chuyên gia du lịch và doanh nghiệp du lịch góp ý, với điểm rất mới của giải thưởng năm nay là lấy ý kiến bầu chọn của các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia du lịch, các nhà báo chuyên theo dõi du lịch thì cũng cần có những kênh thông tin khác như công bố sớm về hệ thống giải thưởng, quy chế giải thưởng và lấy ý kiến bình chọn của khách du lịch, những người đã sử dụng dịch vụ du lịch ở Việt Nam, các cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài như KTO, TAT, JNTO, Tourism Malaysia… hoặc các hãng hàng không có khai thác đường bay quốc tế tại Việt Nam… Cũng có ý kiến cho rằng, việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp về giải thưởng từ các doanh nghiệp khó có thể khách quan.

Đối tượng tham gia Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2019 là các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch, các cơ sở cung ứng dịch vụ phục vụ khách du lịch trong cả nước thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực: lữ hành; lưu trú du lịch; vận chuyển khách du lịch bằng ô tô, đường hàng không; nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch; cơ sở mua sắm, dịch vụ du lịch; khu du lịch; sân golf. 

 Nhiều ý kiến cũng đề nghị, để Giải thưởng quan trọng này có sức hút lớn hơn nữa, nhận được nhiều quan tâm sâu rộng hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp, và đặc biệt tạo được sức ảnh hưởng to lớn hơn nữa không chỉ trong nước, khu vực mà còn ở quốc tế… qua đó tạo nên một trong những “mũi nhọn” thực sự của ngành Du lịch thì cần có sự chung tay của các Bộ, ngành với những giải pháp đột phá, sáng tạo, thậm chí có thể tính tới thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn.

 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top