Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Mời gọi đầu tư vào 179 dự án VHTTDL và giải trí khu vực phía Nam

Thứ Tư 04/09/2019 | 14:07 GMT+7

VHO-Trong khuôn khổ của Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019, ngày 4.9 tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng VHTTDL và giải trí vào 179 dự án trên địa bàn TP.HCM và 13 tỉnh-thành trong vùng.

Tại Hội nghị, các địa phương đã giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước môi trường đầu tư, tiềm năng của các dự án, chính sách ưu đãi… trong hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng lĩnh vực VHTTDL và giải trí.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, hiện TP. HCM có 239 dự án đang mời gọi đầu tư, trong đó có 51 dự án thuộc các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, giải trí với tổng nhu cầu vốn 39.933 tỉ đồng. Nhóm lĩnh vực văn hoá và thể thao có 37 dự án với tổng nhu cầu vốn 37.223 tỉ đồng, nhóm du lịch và giải trí có 14 dự án với tổng nhu cầu vốn 2.710 tỉ đồng. Trong đó, du lịch là một trong 09 nhóm ngành dịch vụ ưu tiên phát triển, nên TP.HCM đang tích cực mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và sản phẩm du lịch tiềm năng như du lịch văn hóa, ẩm thực, đường thủy, sinh thái nông nghiệp và đặc biệt là du lịch MICE.

Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Đại diện cụm Đông ĐBSCL (bao gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh), ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp giới thiệu 36 dự án mời gọi đầu tư. Trong đó, Đồng Tháp mời gọi đầu tư vào 11 dự án, tiêu biểu là khu du lịch sinh thái Xẻo Quít, khu du lịch Tràm Chim, khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười... Theo ông Thương, cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL có những điểm tương đồng về địa hình, điều kiện sinh thái, khí hậu phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như các sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn, du lịch gắn với nông nghiệp... Cụm Tây ĐBSCL (gồm 7 địa phương: TP. Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) cũng giới thiệu 92 dự án mời gọi đầu tư vào hạ tầng VHTTDL và giải trí.

Đồng Tháp đang kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch Xẻo Quít

 Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư phát triển du lịch tại ĐBSCL, bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist) cho biết, nhận thấy đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn, du lịch biển... hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. BenThanh Tourist đã đã quyết định đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Bến Thành Vinh Sang tại tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đi đầu tiên để thăm dò, để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, bà Vinh cho rằng, doanh nghiệp luôn cần có sự ủng hộ đồng hành của các cấp chính quyền địa phương và của cả cộng đồng. Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần khi quyết định đầu tư phát triển kinh doanh tại địa phương là môi trường xã hội, an ninh trật tự cùng các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương nên thường xuyên đi khảo sát thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp để điều chỉnh kịp thời các quyết sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, famtrip, giúp doanh nghiệp hiểu chi tiết hơn về thế mạnh của từng dự án, từ đó tìm thấy những cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển mới. Bà Vinh nhấn mạnh.

Dự án kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh Long An

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho biết, du lịch TP.HCM và vùng ĐBSCL trong năm 2018 tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng khu vực ĐBSCL thu hút 40,7 triệu lượt khách, trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, so với dân số của 14 địa phương hiện khoảng 27,5 triệu người, thì bình quân một năm, mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Con số vẫn còn rất khiểm tốn so với tiềm năng của cả vùng. Vì thế, các địa phương cần có chính sách hấp dẫn để mời gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng văn hoá, giải trí, du lịch… nhằm làm mới sản phẩm, hình thành những tour, tuyến mới với những điểm đến và chuỗi sản phẩm du lịch vùng rõ nét hơn.
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sông ngòi, phá hủy cảnh quan du lịch... Do đó, các địa phương trong vùng cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên..., bởi đây là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

HOÀNG HẢI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top