Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Chông chênh” công trình kiến trúc trụ sở Hỏa xa

Thứ Tư 01/07/2020 | 10:44 GMT+7

VHO-Thông tin UBND TP.HCM muốn tiếp nhận để bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị về kiến trúc, văn hóa của công trình trụ sở Hỏa xa hơn 105 tuổi, được xem là vết tích còn lại duy nhất về thời kỳ hỏa xa Sài Gòn, đang nhận được sự quan tâm tích cực từ công chúng cũng như các nhà nghiên cứu về di sản, văn hóa… 

 Toàn cảnh Công trình trụ sở Hỏa xa

Trong khi đó, đơn vị hiện đang trực tiếp quản lý và khai thác thì tỏ ra “dùng dằng” với di sản.

Nhận thấy công trình trụ sở Hỏa xa tại số 136 Hàm Nghi, tọa lạc tại góc đường Hàm Nghi và Huỳnh Thúc Kháng (quận 1) đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý và sử dụng làm văn phòng của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt cần được bảo tồn, kết hợp bố trí chức năng phù hợp quy hoạch, lưu giữ và phát huy những giá trị về lịch sử và kiến trúc của công trình, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với mong muốn được tiếp nhận công trình này để bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa…

Theo đó, phần tòa nhà 2 lầu mái ngói màu đỏ xây dựng theo kiến trúc Pháp được đề xuất bảo tồn, phục vụ làm nhà ga trung tâm kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành, đầu mối phục vụ hành khách sử dụng các loại hình giao thông công cộng. Đồng thời là nơi trưng bày các hiện vật của ngành đường sắt từ thời Pháp thuộc đến thời kỳ đường sắt đô thị hiện nay, là điểm tham quan của du khách trong nước và quốc tế khi đến TP.HCM. Phần còn lại của công trình hiện là nhà một lầu mái tôn cũng được đề xuất làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị. Theo UBND TP.HCM, công trình kiến trúc tòa nhà trụ sở Hỏa xa trước đây là tòa nhà Bureau du Chemin de fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương khánh thành vào năm 1914 (cùng thời điểm với chợ Bến Thành), có lịch sử hơn 105 tuổi, xây dựng theo kiến trúc Pháp. Đặc biệt, công trình này được xem là vết tích duy nhất còn lại về thời kỳ hỏa xa Sài Gòn, vì vậy rất có giá trị lịch sử với thành phố nói chung và ngành Đường sắt nói riêng.

Đánh giá đầy đủ chức năng, vai trò và ý nghĩa đặc biệt của công trình nên UBND TP.HCM muốn được tiếp nhận để bảo tồn. Trước khi đề xuất, TP.HCM cũng đã nghiên cứu một số thành phố khu vực như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), các thành phố này hiện đang bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc; bố trí chức năng phù hợp cho các tòa nhà như nhà ga Tokyo, nhà ga Seoul. Hơn nữa, từ năm 2017, UBND TP.HCM đã có quyết định đưa công trình trụ sở Hỏa xa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố.

Hồi đáp nội dung đề xuất của UBND TP.HCM, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đơn vị này hiện đang quản lý, sử dụng công trình trụ sở Hỏa xa với diện tích đất 2.769m2 để làm văn phòng làm việc cho các đơn vị đường sắt tại khu vực phía Nam. Diện tích đất nêu trên đã được UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời gian sử dụng 50 năm (hết hạn vào ngày 1.1.2046). 

Văn bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định, toàn bộ tài sản trên đất tại số 136 Hàm Nghi (quận 1) đang là tài sản thuộc sở hữu của đơn vị này và đã được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản đề nghị UBND TP.HCM gia hạn thời gian thuê đất cho đơn vị này kéo dài đến ngày 1.2.2068 (50 năm) với mục đích sử dụng làm văn phòng làm việc, đất thương mại, dịch vụ. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, việc UBND TP.HCM đề xuất tiếp nhận công trình trụ sở Hỏa xa là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, gây khó khăn về trụ sở làm việc cho các đơn vị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đang sử dụng văn phòng làm việc tại trụ sở Hỏa xa. Đồng thời ảnh hưởng tới công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, phá vỡ kế hoạch đầu tư phát triển của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, tại trụ sở Hỏa xa đang có nhiều doanh nghiệp khác thuê mặt bằng để làm văn phòng hoạt động. Được biết, từ năm 2007 ngành Đường sắt đã có quyết định thành lập Ban chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng tại số 136 Hàm Nghi.

Trao đổi với Văn Hóa, một cán bộ ngành văn hóa của TP.HCM cho biết, cơ quan quản lý văn hóa Thành phố đã họp với các đơn vị hiện đang có trụ sở làm việc tại tòa nhà Hỏa xa, và đề nghị có đơn để cơ quan chức năng thành phố tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với công trình trụ sở Hỏa xa. Thế nhưng đến nay, các đơn vị nói trên vẫn “chần chừ” với lý do phải xin ý kiến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

HOÀNG HẢI


 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top