Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Vẫn nên có một Bảo tàng Văn hóa Huế

Thứ Sáu 03/07/2020 | 10:37 GMT+7

VHO- Sau 8 năm hoạt động, Bảo tàng Văn hóa Huế đã trở thành điểm đến khá ấn tượng trong lòng khách tham quan. Tuy nhiên, mới đây Bảo tàng này đã bị “xóa tên” khi sáp nhập vào Trung tâm VHTT&TT TP Huế theo Quyết định 676/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện nay, chỉ còn tồn tại một tổ đội chuyên ngành về công tác sưu tầm và trưng bày hiện vật trực thuộc Trung tâm này.

Trưng bày chuyên đề “Đám cưới truyền thống Huế” tại Bảo tàng Văn hóa Huế

 Sự việc đã khiến nhiều người tiếc nuối, bởi đây là một Bảo tàng có vị trí “đắc địa”, nằm trên tuyến đường Lê Lợi, ven bờ Nam sông Hương và thường là nơi tổ chức nhiều chương trình, sự kiện mang đậm dấu ấn của văn hóa Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ sự tiếc nuối khi tên gọi Bảo tàng Văn hóa Huế đã không còn. “Việc Bảo tàng này trở thành một bộ phận nghiệp vụ trưng bày triển lãm trực thuộc Trung tâm VHTT&TT TP Huế có thể là do quy định về tổ chức bộ máy của một Thành phố thuộc tỉnh thì không có bảo tàng. Nhưng đây là cách làm máy móc, bởi thành phố có một Bảo tàng Văn hóa thì đó là điều đáng khuyến khích và nên xem đó là một cơ chế đặc thù. Những đơn vị tư nhân, cá nhân nếu có đầy đủ bộ sưu tập thì họ vẫn được quyền thành lập bảo tàng tư nhân, nói gì đến một thành phố vốn là Cố đô và vùng đất di sản. Không cho cơ chế đặc thù thì... quá vô lý”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trăn trở.

Bảo tàng Văn hóa Huế được thành lập trên cơ sở Nhà bảo tàng Huế vào năm 2012, tọa lạc tại Khu nhà cổ kiến trúc Pháp số 23-25 Lê Lợi, vốn từng là trụ sở của UBND TP Huế. Kế thừa những gì mà Nhà bảo tàng Huế để lại, Bảo tàng Văn hóa Huế sở hữu khá nhiều hiện vật có giá trị như hệ thống văn bản Hán - Nôm vùng Huế, hiện vật văn hóa Chăm, đồ đồng, đồ gốm cùng nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật thuộc nhiều giai đoạn khác nhau diễn ra trên vùng đất Cố đô. Nhiều chương trình trưng bày chuyên đề độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa với các chủ đề như: Tết Huế, Tinh hoa Đông y Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế, Đám cưới truyền thống Huế... đã nhận được sự tán dương, khen ngợi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, du khách và cộng đồng.

Mặc dù được thành lập và hoạt động đã được 8 năm, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, Bảo tàng Văn hóa Huế vẫn... đang ở trong giai đoạn hình thành bởi chưa có đủ hiện vật. Do đó, công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, tư liệu cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, Bảo tàng chỉ còn là một tổ chuyên môn nên e rằng công tác này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn!

“Là bảo tàng thì phải trưng bày theo hai dạng: Trưng bày ổn định (tức không thay đổi và có bổ sung hiện vật, tư liệu) và trưng bày chuyên đề. Lâu nay, Bảo tàng Văn hóa Huế do chưa có đủ hệ thống hiện vật nên chỉ dừng lại ở nội dung trưng bày chuyên đề. Tuy nhiên, cách làm này cũng hay, vì ngoài hiện vật của bảo tàng còn huy động được nhiều hiện vật từ các nhà sưu tập và cộng đồng. Đồng thời, các trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Văn hóa Huế cũng thường kèm các chương trình biểu diễn, trình diễn và các hoạt động trải nghiệm văn hóa thú vị cho du khách”, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định: “Dù không còn tên gọi Bảo tàng Văn hóa Huế, nhưng trong thời gian tới, các hoạt động của bộ phận trưng bày - triển lãm vẫn được tiếp tục thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát huy các hoạt động trước đây. Các bộ sưu tập hiện có của Bảo tàng sẽ được chúng tôi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đưa vào trưng bày, triển lãm (theo từng chuyên đề khác nhau) nhằm tiếp tục phát huy giá trị trong tương lai”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thì cho rằng: “Theo tôi, ý tưởng Huế có một Bảo tàng Văn hóa vẫn là ý tưởng cần phải được nuôi dưỡng. Cho dù bây giờ đã xóa tên đi nữa thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn nên là đơn vị quyết định thành lập Bảo tàng Văn hóa Huế trực thuộc tỉnh, có thể chọn giải pháp chuyển Bảo tàng Văn hóa Huế về Sở VHTT quản lý. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho Bảo tàng phát huy giá trị và phù hợp với định hướng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về việc xây dựng Thừa Thiên Huế thành Đô thị Di sản cấp Quốc gia trên nền tảng phát huy di sản Huế và bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô”.

SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

Tuyển Việt Nam chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu với Indonesia

VHO - Để chuẩn bị cho 2 trận đấu gặp đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, tối 18.3, HLV trưởng Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự 2 trận đấu này.

Chi tiết
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top