Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

"Tăng tốc" triển khai​​​​​​​ xe đạp thông minh tại Huế

Thứ Tư 11/11/2020 | 10:07 GMT+7

VHO- Đề án này sẽ là điểm nhấn để cộng đồng người dân và du khách trải nghiệm các điểm danh lam thắng cảnh của TP Huế bằng xe đạp, và cũng là giải pháp bảo vệ môi trường, hướng đến thành phố du lịch xanh-sạch-sáng mà Huế đang xây dựng.

 Mô hình thiết kế các trạm đỗ xe đạp thông minh tại TP Huế

Mặc dù kế hoạch xây dựng đề án xe đạp thông minh đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua từ lâu, nhưng do ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề liên quan đến tài sản công nên việc triển khai chậm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Vẫn còn vướng mắc

Theo UBND TP Huế, địa phương đã giao các đơn vị chuyên môn lập đề án cho thuê tài sản công để khai thác thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng thông minh tại khu vực trung tâm thành phố. Đến nay, đề án đã hoàn chỉnh lộ trình, hướng tuyến khai thác, các vị trí đầu tư xây dựng và phương án thiết kế trạm xe đạp công cộng.

Trong giai đoạn đầu, UBND TP Huế và các cơ quan chức năng đã khảo sát để chọn 8 vị trí đầu tư xây dựng trạm xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm thành phố. Gồm bến thuyền Tòa Khâm, bãi đỗ xe số 5 Bà Huyện Thanh Quan, công viên Bùi Thị Xuân, bến xe chùa Thiên Mụ, 2 điểm kết hợp với trạm xe buýt trên đường Lê Duẩn (đoạn gần cầu Dã Viên và đoạn đối diện bến xe Nguyễn Hoàng), điểm vị trí kết hợp nhà vệ sinh công cộng tại công viên Nguyễn Văn Trỗi - đường Đinh Công Tráng, và điểm phía trước bến xe chợ Đông Ba - đường Trần Hưng Đạo.

Tuy nhiên, trả lời Văn Hóa, đại diện UBND TP Huế cũng nêu ra vướng mắc trong công tác xây dựng đề án này chính là việc cho thuê tài sản công. Các vị trí đầu tư xây dựng trạm xe đạp công cộng phần lớn nằm trong đất công viên, bến xe, bãi đỗ xe, các vị trí này thuộc kết cấu hạ tầng. Luật quản lý và sử dụng tài sản công quy định cụ thể những nguyên tắc trong việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng, khai thác từng loại kết cấu hạ tầng, nhưng đến nay Chính phủ chưa có Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác đối với loại tài sản kết cấu hạ tầng là công viên. Theo Sở Tài chính Thừa Thiên Huế, đến nay chưa có cơ sở để lập đề án cho thuê các tài sản hạ tầng công viên, do đó để tháo gỡ vướng mắc này cần có cơ chế cho phép lập đề án cho thuê như những tài sản công khác.

 Xe đạp sẽ được tích hợp nhiều dịch vụ, tiện ích sẽ được áp dụng trong đề án Xe đạp thông minh tại Huế

Cơ hội cho những trải nghiệm thú vị

Xe đạp công cộng thông minh đã được nhiều thành phố du lịch nổi tiếng thế giới sử dụng. Tại Việt Nam đã có một số địa phương áp dụng nhưng chỉ mang tính chất “cá nhân” của những đơn vị doanh nghiệp du lịch, chưa phát triển ở quy mô rộng cho cộng đồng. Việc xây dựng đề án này ở thành phố Huế sẽ mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách, hướng đến một thành phố du lịch xanh, thân thiện mà địa phương này đang xây dựng.

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vietsoftpro, đơn vị chủ đầu tư dự án chia sẻ, việc chọn Huế để triển khai đề án xe đạp thông minh là lựa chọn tối ưu bởi thành phố này có hệ thống địa lý phù hợp, nhất là các trục đường dọc hai bờ sông Hương và khu vực Đại Nội. Việc sử dụng phương tiện xe đạp để trải nghiệm không gian cảnh quan của thành phố và kết nối đến các điểm tham quan là rất lý tưởng… Theo dự kiến, tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 của đề án này khoảng 800.000 USD, với khoảng 2.000 xe đạp thông minh sẽ được vận hành. Tất cả các xe đạp này đều được nhập khẩu và có trang bị, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, có mã code, hệ thống định vị… Hiện nay, dịch vụ Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S) cũng đã được nâng cấp và mở rộng mạng lưới camera giám sát nên sẽ góp phần tích cực trong việc theo dõi, quản lý hàng loạt xe đạp thông minh này.

Trước mắt, trong giai đoạn 1 các hướng tuyến sẽ đi qua các tuyến đường ven 2 bờ sông Hương, các đường kết nối với các điểm tham quan di sản tại Huế, gồm: tuyến đường Lê Lợi – Cửa Ngăn - Đoàn Thị Điểm - Đặng Thái Thân - Lê Huân - Nguyễn Trãi - Đinh Công Tráng - Đinh Tiên Hoàng - Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn - Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Đường đi bộ, xe đạp trong các công viên hai bên bờ Nam - Bắc của sông Hương. Phương án thiết kế các trạm để xe đạp thông minh cũng đã hoàn chỉnh, với nhiều chức năng, dịch vụ đi kèm. Chủ đầu tư cho biết, nguồn lực kinh phí và hạ tầng trang thiết bị cho đề án này đã sẵn sàng. Đơn vị này đang làm việc với các Sở, ngành và UBND TP Huế để nhằm “tăng tốc” sớm hoàn chỉnh và đưa dự án đi vào hoạt động.

Trong thời gian qua, mô hình đạp xe trải nghiệm thành phố Huế và các khu vực phụ cận đã được đông đảo người dân Huế và khách du lịch hưởng ứng, đặc biệt vào những dịp cuối tuần. Nhiều người cũng kỳ vọng đề án xe đạp thông minh lần này sẽ mở ra nhiều trải nghiệm thú vị đối với cộng động, đồng thời nhằm góp phần giảm bớt các khí thải, ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh Huế - thành phố du lịch xanh, thông minh. 

SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top